Yoko Ono, nguồn cảm hứng bất tận của John Lennon (kỳ 1): Nàng thơ bị ghét bỏ

10/06/2014 11:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ khi gặp nhau, John Lennon không rời Yoko Ono và cùng nhau họ làm mọi thứ, từ viết nhạc cho tới hoạt động vì hòa bình. John bỏ người vợ đầu Cynthia và nghỉ chơi luôn cả hội bạn cũ Beatles cũng chỉ vì Yoko, tình yêu đích thực của ông.

Bé nhỏ, luôn ẩn mình sau mái tóc đen dày và dài rất châu Á, Yoko không phải là một phụ nữ đẹp. Bà không thể đẹp bằng Pattie Boyd, vợ của George Harrison, người ở cùng ban nhạc với John. Nhưng cuộc hội ngộ của John và Yoko là duyên kỳ ngộ giữa 2 tâm hồn nghệ sĩ đồng điệu.

Một người là ca sĩ, nhạc sĩ vĩ đại, còn một người là nghệ sĩ, họa sĩ theo trường phái avant-garde (tiên phong). Họ đều là những người luôn làm mọi thứ theo cách khác biệt.

Gặp nhau nhờ trí tưởng tượng

Đó là năm 1966. Triển lãm Những bức vẽ và tác phẩm dang dở của Yoko được mở ở phòng tranh Indica tại London. Chủ phòng tranh, John Dunbar, đã dẫn John đến xem triển lãm và giới thiệu ông với tác giả, người hơn ông 7 tuổi.

Theo lời kể của John được ghi lại trong tập bài phỏng vấn All We Are Saying của David Sheff, John đã gặp Yoko qua nghệ thuật trước khi gặp mặt trực tiếp. Ông đứng trước tác phẩm sắp đặt là một chiếc búa kèm lời yêu cầu người xem: “Hãy dùng búa để đóng đinh vào tác phẩm”.


John Lennon và Yoko Ono trong bộ phim tài liệu Bed Peace (Chiếc giường hòa bình) năm 1969 phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Khi John đề nghị được đóng đinh thì Yoko bước đến và khước từ, vì ngày hôm sau triển lãm mới khai mạc. Lúc đó, Dunbar xen ngang và nói với Yoko về John: “Anh ta là một triệu phú. Anh ta có thể mua tác phẩm này đấy”.

Nhưng Yoko vẫn kiên quyết giữ tác phẩm không tì vết trước ngày khai mạc. Thuyết phục qua lại, Yoko nhượng bộ: “Thôi được, anh có thể đóng 1 cái đinh với giá 5 shilling”. John nói: “Tôi sẽ đưa cho cô 5 shilling tưởng tượng và đóng 1 cái đinh tưởng tượng”.

"Đó là lúc chúng tôi thực sự gặp nhau” – John nói với David Sheff - “Mắt chúng tôi gặp nhau, cô ấy nhận ra điều đó (sự đồng điệu), tôi nhận ra điều đó và chuyện là như thế”. “Tưởng tượng” là từ John đã nói về cuộc gặp gỡ, sau này trở thành tên một trong những bài hát nổi tiếng nhất của ông là Imagine. Tưởng tượng cũng là âm hưởng chính trong các sáng tác của Yoko thời kỳ đó.

Cuộc gặp gỡ định mệnh tác động lớn đến đâu với John? “Hội chiến hữu cũ đã trở thành dĩ vãng” – ông nói - “Tôi gặp Yoko giống như bạn gặp người phụ nữ đầu tiên của đời mình. Bạn rời bỏ các quán bar, bạn không thiết chơi bóng đá và bi-a nữa. Bạn biết cảm giác “Chuông đám cưới rung lên và hội bạn cũ tan rã”. Tôi chưa từng có cảm giác đó cho đến khi gặp Yoko”.

Được và mất khi ở bên nhau

“Yoko mất gì khi đến với John?” là câu hỏi lâu nay ít nhận được sự quan tâm.

Cần biết rằng từ những năm 1960, Yoko đã bắt đầu có những tác phẩm trình diễn, kiểu chui vào những chiếc túi đen lớn ngồi nhìn khán giả, quỳ trên sân khấu và đập đầu xuống sàn diễn, hay quỳ trên sân khấu và để khán giả cầm kéo cắt xẻo trang phục. Với những màn trình diễn đó, Yoko đã đi trước thời đại khoảng 30 năm. Có thể xem bà là một nghệ sĩ với tầm vóc không hề xoàng.


Yoko Ono (ngoài cùng bên phải) cùng cả ban nhạc The Beatles trong những năm cuối.

Nhưng sau khi kết hôn với John vào năm 1968, trong cuộc hôn nhân nổi tiếng bậc nhất lịch sử âm nhạc, dù trở nên cực kỳ giàu có, Yoko lại mất đi rất nhiều. Bà không còn là một nghệ sĩ có sự nghiệp độc lập nữa. Đó là một mất mát kéo dài cả cuộc đời.

Chưa hết, về sau Yoko bị coi như nữ nghệ sĩ kỳ cục đến từ Nhật Bản xa xôi, đã cướp đi một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của nhạc rock từ tay người hâm mộ và ban nhạc của ông.

Khi họ đến với nhau, cả thế giới chẳng đồng ý. John đang sống bên vợ Cynthia Lennon, là thành viên của một ban nhạc với ảnh hưởng khổng lồ. Vấn đề là John cùng Cynthia không có một tình yêu lớn. Với Beatles, cuộc chia ly đã diễn ra ngấm ngầm từ trước đó, sau rất nhiều biến động. Tài năng của mỗi cá nhân trong ban nhạc bộc lộ ngày càng mạnh, khiến họ khó có thể đứng chung hàng ngũ như trước.

Yoko không may mắn khi vô tình là tác nhân lộ liễu nhất dẫn tới những tan rã, khi John công khai đưa bà đến phòng thu. Người ta nói rằng đó là bằng chứng cho thấy Yoko "phá đám". Nhưng thực ra tách khỏi ban nhạc là ý muốn của John, và đưa Yoko theo cùng là cách thể hiện ý muốn đó.

Sau khi Beatles tan rã, album đầu tiên của John mang tên John Lennon/Plastic Ono Band đã đem đến cho người hâm mộ những bài ca kinh điển như Mother, Working Class Hero, God Isolation. Album tiếp theo đó có Jealous Guy và đặc biệt là Imagine,  với dấu ấn sâu đậm của Yoko.

ImagineBlowin' in the Wind của Bob Dylan đươc coi là 2 khúc ca bất hủ của phong trào phản chiến và nhân quyền toàn thế giới.

John có thể khiến sự nghiệp nghệ thuật của Yoko bị lu mờ, nhưng bù lại, ông đã sáng tạo ra bà như một nàng thơ huyền thoại. Cùng nhau, họ trở thành 2 nhà hoạt động vì hòa bình và nhân quyền có sức ảnh hưởng lớn hàng đầu thế giới.

Yoko hết lần này đến lần khác trở thành nàng thơ của John, từ khi họ gặp gỡ cho đến hết phần còn lại của cuộc đời, như một nguồn cảm hứng bất tận, không dừng lại ở buổi ban đầu.

Nỗi oan "phá đám” The Beatles

Yoko Ono bị ghét bỏ trong suốt mấy thập kỷ qua vì “tội danh” còn gây tranh cãi: kéo John khỏi các đồng đội trong Beatles. Nhưng chính John và Paul McCartney đều đã lên tiếng minh oan cho bà.

John từng nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1972: “Cuộc chia rẽ trong âm nhạc đã bắt đầu trước đó rất lâu kể từ khi những người phụ nữ nhảy vào.

Còn Paul đến tận năm 2013 mới thừa nhận: “Hoàn toàn không thể đổ lỗi cho Yoko. Khi cô ấy xuất hiện, đó cũng là lúc John phải rời đi. John đơn giản là mệt mỏi vì sự ganh đua trong ban nhạc và muốn theo con đường riêng. Yoko là người đã tạo cảm hứng và mang đến cho John lòng can đảm để làm điều đó”.

Song những lời này chưa đủ để gột sạch tiếng xấu cho Yoko, bởi nhiều người hâm mộ Beatles đã in sâu trong tâm khảm nỗi ác cảm đối với bà.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm