24/09/2008 10:34 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã phát động cuộc thi thiết kế tháp Hùng Vương (sẽ được đặt tại đồi Mom Gà cao 60m, cách Đền Hùng khoảng 3km) với đề bài đưa ra là chiều cao của tháp không quá 75m, kết cấu và vật liệu xây dựng phải bền vững, màu sắc phù hợp cảnh quan. Nhân dịp này, nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên (Phú Thọ) đã gửi tới TT&VH loạt bài viết góp ý cho việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng dưới góc nhìn khoa học. Ông nêu rõ: "Tôi xin đăng ký bản quyền các ý tưởng này, kính nhờ Báo TT&VH đưa ra trước công luận".
Đồi Mom Gà- hơi xa so với Đền Hùng
Theo quy hoạch mới nhất, ngọn tháp Vua Hùng sẽ đặt ở đồi Mom Gà xã Vân Phú hơi xa so với Đền Hùng. Nhân đây xin nói một chút về quan niệm “Khu di tích Đền Hùng”. Xưa kia quan niệm dân gian chỉ có quả núi Nghĩa Lĩnh với các đền đài lăng tẩm trên núi mới được gọi là Khu Đền Hùng, không ai dám động chạm đến. Ngoài ra tha hồ xây dựng nhà cửa, làm vườn, phát nương rẫy.
Năm 1973 Uỷ ban hành chính tỉnh Vĩnh Phú giao cho Ty Văn hóa, và các ngành có liên quan lập quy hoạch bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Quy hoạch này có hai phần: Khu trung tâm bất khả xâm phạm gồm núi Nghĩa Lĩnh, núi Vặn, núi Trọc lớn, núi Trọc con, núi Nỏn, núi Yên Ngựa, đồi Cò Kè, đồi Cao Phầy, đồi Cao Lồ, đồi Phân Đăng, đồi Phân Đậu và đồi Công Quán diện tích bề mặt 12 quả đồi núi này ước 300 ha. Vành đai bảo vệ rộng khoảng 1200 ha bao gồm toàn xã Hy Cương, và một phần của các xã Phù Ninh, Tiên Kiên, Chu Hóa. Tổng cộng phạm vi quản lý của Đền Hùng là 1562 ha. Lấy ranh giới phía đông là đường quốc lộ II, phía tây là đường sắt, phía bắc là đoạn đường nhựa nối đường sắt ở ga Tiên Kiên tới đường số II ở ngã ba Phù Lỗ, phía nam là đoạn đường mòn từ dưới Ngã Ba Hàng sang đường sắt (bây giờ là đường nhựa số 32C). Từ đó xuất hiện quan niệm “Khu di tích Đền Hùng” là Khu bất khả xâm phạm gồm 12 quả đồi núi nói trên. Trong đó có núi Nghĩa Lĩnh, núi Vặn, núi Trọc lớn theo truyền thuyết là tam sơn cấm địa, và núi Nỏn là nơi xưa kia vào dịp hội chính người ta treo lá cờ Thần từ tháng giêng báo cho đồng bào xa gần biết. Còn các đồi núi khác là không gian bao bọc. Sách “Giới thiệu khu di tích lịch sử Đền Hùng” do tôi (Vũ Kim Biên) xuất bản năm 1974 nội dung lịch sử chỉ đề cập đến Khu trung tâm bất khả xâm phạm với 12 quả đồi núi kể trên còn bên ngoài vẫn gọi là vành đai bảo vệ.
Theo tôi, dù bây giờ người ta có mở rộng phạm vi quản lý đất đai công viên Đền Hùng đến đâu đi chăng nữa, thì quan niệm “Khu di tích Đền Hùng” cũng không nên vượt quá quan niệm năm 1973, vì như vậy cũng là rộng lắm rồi (300 ha).
Nên đặt ở núi Trọc lớn
Trước tiên cần xác định mục đích, tính chất, bản sắc văn hóa của tháp này, từ đó sẽ áp đặt địa điểm và quy mô xây dựng.
- Về mục đích: Tháp Vua Hùng là ngọn cờ dân tộc quy tụ đồng bào, do nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựng lên tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; để “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, và cả nước nhìn về Đền Hùng”.
- Về tính chất: Tháp là công trình kiến trúc mỹ thuật tưởng niệm các Vua Hùng, không phải là công trình tín ngưỡng, càng không phải là công trình phục vụ kinh doanh thương mại.
- Về bản sắc văn hóa: Tháp phải thể hiện đặc trưng văn hóa của thời đại Hùng Vương và truyền thống văn hóa Việt Nam. Tuyệt đối không lai tạp một chút nào văn hóa nước ngoài, kể cả vật liệu cũng không dùng hàng nhập ngoại.
Bài 2: Nên xây tháp Hùng Vương như thế nào?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất