Trước thềm Đại hội cổ đông VPF: Viên gạch đầu tiên

13/12/2011 10:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Hôm nay, ban trù bị của VPF sẽ tiến hành họp kín để bàn thảo lần cuối cùng trước Đại hội cổ đông chính thức diễn ra vào ngày mai (14/12). Cuộc họp này sẽ có sự tham dự đầy đủ của các ông bầu tiên phong trong việc thành lập VPF cũng như một số lãnh đạo chủ chốt của VFF dự kiến có vai trò quan trọng trong bộ máy điều hành VPF.

Chắc hẳn một trong những nội dung quan trọng nhất trong buổi họp của ban trù bị sẽ là công tác nhân sự, một vấn đề cực kỳ nhạy cảm và trở thành mục tiêu để công kích của một bộ phận không nhỏ dư luận trong thời gian vừa qua. Hôm qua, TT&VH đã thử liên lạc với một số ông bầu trong nhóm “cách mạng” để nghe ý kiến của họ về thông tin VPF có nguy cơ lỗ ngay trong năm hoạt động đầu tiên, và phản ứng của họ trước thông tin này chẳng khác đá ném ao bèo.


Với những doanh nhân đích thực như bầu Kiên, kiếm tiền chắc chắn không phải là vấn đề với VPF

Một ông bầu đề nghị giấu tên cho biết: “Chuyện kinh doanh lỗ hay lãi thì những doanh nhân như chúng tôi biết quá rõ, mà đấy không phải là mục tiêu cao nhất của VPF. Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa rằng VPF ra đời chủ yếu là nhằm nâng cao và cải thiện chất lượng của bóng đá VN ở cấp độ CLB, để chúng ta có một môi trường trong sạch và lành mạnh hơn để phát triển, chứ không phải hướng tới mục tiêu làm kinh doanh”.

Thực ra, trước sự ra đời của một điều gì đó mới mẻ, thậm chí còn mang tính cách mạng như VPF, chuyện nảy sinh những ý kiến trái chiều là việc hết sức bình thường, vì ngay cả ở những nền bóng đá có lịch sử lâu đời hơn nhiều so với VN như bóng đá Anh hay bóng đá Nhật cũng còn như vậy, huống chi là một nền bóng đá chuyên nghiệp mới có vỏn vẹn 11 năm tuổi như chúng ta.

Tuy nhiên, điểm chung của mô hình BTC giải hiện tại ở Premier League và J-League là chúng đều ra đời từ nhu cầu cấp thiết của thực tiễn, như là cách duy nhất để đưa nền bóng đá phát triển, nếu không muốn rơi vào tình trạng tụt hậu và bị bỏ rơi.

VPF cũng tương tự như thế, bởi nếu không phải vì những sự dồn nén ức chế trong suốt bao năm qua của những người muốn làm bóng đá một cách nghiêm túc thì không biết bao giờ VPF mới thực sự thành hình như hiện tại.

Ngay cả một nhân vật được coi là “cấp tiến” nhất trong Thường trực VFF như Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng khi mới nghe xong bầu Kiên trình bày dự án thành lập VPF ở Hội nghị Chủ tịch các CLB cũng nói rằng VPF sẽ khó đi vào hiện thực ngay ở mùa giải 2012 vì những lý do thuộc về cơ chế. Ông Dũng chỉ thay đổi quan điểm sau khi bầu Kiên tuyên bố chỉ cần vài tháng để hoàn tất xong thủ tục thành lập VPF, và sự thực như thế nào thì sau này tất cả đều rõ.

Một sự thay đổi bao giờ cũng có 2 mặt, tức là gồm cả cơ hội và rủi ro, và bên cạnh những người được lợi nhờ sự ra đời của VPF thì cũng không ít người bị thu hẹp, hoặc thậm chí là đánh mất “đặc quyền đặc lợi”. Cũng có những người nhìn thấy triển vọng của một “con gà đẻ trứng vàng” ở VPF, nên đã tìm cách để lobby đưa người của mình vào bộ máy điều hành VPF.

Thế mới có chuyện một địa phương tuy có phong trào bóng đá đì đẹt thuộc diện nhất nước (có 3 đội bóng thì 2 đội V-League là từ nơi khác “nhập khẩu” về, còn một đội “con đẻ” thì đang ngắc ngoải ở giải hạng Nhất từ mấy năm nay), nhưng có người lại hô hào đưa trụ sở chính của VPF về đây vì lý do chỗ này thuận lợi để làm kinh tế và còn tiến cử một ứng viên làm CEO cho VPF từ… bóng chuyền, cũng với lý do là ông này kiếm tiền rất giỏi.

Tóm lại, nếu như những nền bóng đá tiên tiến như Anh hay Nhật Bản còn mất tới vài năm để mô hình “VPF” của họ thực sự “đơm hoa kết trái” thì chúng ta cũng cần phải chờ đợi ít nhất là chừng ấy thời gian để có thể nhìn thấy thành quả từ VPF. Vì thế, phiên họp trù bị hôm nay hay Đại hội cổ đông ngày mai (14/12) của VPF mới chỉ là những viên gạch đầu tiên cho cả một ngôi nhà lớn cho tương lai của bóng đá VN.

Nhật Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm