World Cup bên nỗi đau những bệnh nhi

01/07/2010 16:38 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Bất chấp mọi nghi ngờ về tính hoàn hảo, trái bóng Jabulani vẫn lăn từ châu Phi xa xôi đến mọi ngõ ngách của Sài Thành, từ nhà hàng, quán cà phê, quán nhậu, đến tận...  những phòng bệnh.  Và chúng tôi đã có một đêm World Cup đáng nhớ cùng các ông bố bệnh nhi trong nồng nặc mùi thuốc sát trùng xen lẫn tiếng trẻ con khóc ré lên từng hồi…

* Một World Cup “ồn ào” trong lặng lẽ

Không có được may mắn như bao người khác, trong nỗi đau, sự tuyệt vọng, những người đàn ông có con đang là bệnh nhân nằm điều trị ở bệnh viện Huyết học và truyền máu (Phạm Viết Chánh, Q.1, TP HCM) đã từng suy sụp khi biết con mình trót mang trong người chứng bệnh hiểm nghèo và hằng ngày bất lực nhìn con chống chọi với bệnh tật. World Cup đã gõ cửa những phòng bệnh đúng vào lúc họ cần tìm cho mình một niềm vui để có thêm nghị lực sống. Và niềm vui ấy chính là sứ mệnh mà những trận cầu World Cup mang tới hằng đêm tại những phòng bệnh thường xuyên ở vào tình trạng quá tải này.

Khoảng 7 giờ tối, những chương trình dành cho trẻ em trên tivi được tắt, cũng là lúc các ông bố rảnh rang ngồi nói chuyện World Cup, trong lúc các bà mẹ cho các bé ăn và đi ngủ. Vài người đến thăm bệnh muộn cũng sà vào góp vui bằng những bình luận, dự đoán riêng về tỉ số các trận đấu sắp diễn ra. Những vất vả, lo toan ban ngày tạm lắng xuống nhường chỗ cho một niềm đam mê của những người đàn ông bất hạnh ở một góc hàng lang hay cầu thang bệnh viện.


 World Cup là một niềm vui giữa nỗi đau bệnh tật nơi bệnh viện nhi

Thông thường, họ sẽ coi trọn vẹn trận đấu lúc 9 giờ tại phòng bệnh, đôi khi vừa coi vừa “làm nhiệm vụ” trông con đỡ các mẹ. Anh Tú, ông bố trẻ quê Long An bảo: “Tôi làm dân cư ngụ khắp các bệnh viện đã mấy năm. Euro, C1, Ngoại hạng, thậm chí V league cũng đều coi ở đây đấy!” Bé Gái con anh bắt đầu lấy bệnh viện làm nhà từ năm 3 tuổi, tính đến nay cháu đã gần 4 năm tuổi viện. Ngày ngày anh chị thay phiên nhau trực ở đây với một niềm tin mãnh liệt là một ngày được đón con lành lặn trở về.

Khác với World Cup ở các quán xá, nhà hàng hay sân chiếu công cộng, những trận cầu nảy lửa đến với các ông bố bệnh nhi một cách lặng lẽ. Không la hét, hò reo cùng những pha đi bóng nguy hiểm, họ chăm chú theo dõi từng đường bóng, chốc chốc lại chậc lưỡi, lắc đầu tiếc rẻ cho một cơ hội bị bỏ lỡ hay vỗ đùi đắc chí khi cầu thủ ghi bàn. Mọi sự bàn tán lại diễn ra tại cầu thang bệnh viện trong giờ giải lao giữa trận đấu. Theo những y tá trực đêm thì sau quá trình chuyền máu và dịch, các bệnh nhi đặc biệt cần nghỉ ngơi, nên mọi người đều phải hạn chế gây ra tiếng ồn.

Tuy nhiên, những người đàn ông ham bóng đá trong cái thế giới trẻ thơ này vẫn vui vẻ cười: “Chúng tôi ồn ào bằng thứ ngôn ngữ riêng của nơi đây. Có khi đấy lại là cách coi bóng đá lành mạnh hơn ở ngoài ấy chứ.”

* World Cup của những hy vọng

“Bóng đá làm tôi lạc quan hơn khi đối mặt với cái chết luôn rình rập con mình bất cứ lúc nào. Chán nản, mệt mỏi và gần như suy sụp khi cầm trên tay kết quả chẩn đoán của bác sỹ. Thế nhưng, tôi vẫn tin rằng, mình có thể tìm lại sự sống cho bé nếu tuân thủ đúng cách điều trị và giữ vững niềm tin.” Anh Sơn, một ông bố trong hàng trăm ông bố, bà mẹ khác có con đang điều trị tại khoa Huyết học trẻ em tâm sự. Anh là một trong những thành viên “cư ngụ” lâu nhất tại đây và rất có uy tín với mọi người. Anh thường động viên những ông bố trẻ: “Còn nước còn tát, cứ tin tôi đi. Phải vững vàng lên không chỉ vì con, mà còn vì vợ và cả gia đình nữa. Trong bóng đá, đến phút bù giờ người ta còn xoay chuyển được thắng bại mà”.

 Anh Sơn cho biết từ đầu giải đến giờ, hầu như đêm nào mọi người cũng thức để cùng xem, đôi khi cao hứng, còn cá độ chầu cà phê, bữa sáng, hay đơn giản người thua phải đi mua đồ ăn cho cả phòng ngày hôm sau. Đôi khi các bà mẹ cũng góp vui vào trận đấu bằng những lời nói đùa hay những tiếng cười hiếm hoi suốt một ngày mệt mỏi vì con trẻ.

“Coi bóng ở đây mà nhớ nhà lắm. Chỉ mong đến ngày cháu được xuất viện để cả nhà có một mùa World Cup trọn vẹn” Anh Hiệp, một ông bố khác, bộc bạch. Con anh chưa đầy 2 tuổi, theo chẩn đoán ban đầu của các bác sỹ thì bé có khả năng mắc bệnh ung thư máu. Tuy thế, anh cũng như bao ông bố bà mẹ khác tại đây, luôn sẵn sàng cùng con mình “chiến đấu” đến phút cuối cùng với bệnh tật. Với những người không may mắn như họ, World Cup không chỉ xua tan đi những vất vả thường nhật, mà còn là liều thuốc tinh thần để tiếp tục tin tưởng và hy vọng vào sự sống.

Nguyễn Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm