Xưởng giặt thủ công lớn nhất thế giới ẩn mình trong khu ổ chuột giữa lòng thành phố hiện đại ở Ấn Độ

14/10/2022 18:00 GMT+7 | Văn hóa - Giải trí

Ở Mumbai - thành phố phát triển nhất của Ấn Độ, có xưởng giặt ủi ngoài trời ẩn mình trong một khu ổ chuột.

Ấn Độ bước vào cuộc đua Oscar 2023

Ấn Độ bước vào cuộc đua Oscar 2023

Lễ trao giải Oscar lần thứ 95 dự kiến ​​diễn ra tại Nhà hát Dolby ở Los Angeles, California vào ngày 12/3/2023, sẽ vinh danh những bộ phim được phát hành trong năm 2022.

Người Ấn Độ gọi xưởng giặt này là ngôi làng Dhobi Ghat. Trong đó, “Dhobi” chỉ người làm nghề giặt quần áo bằng tay ở Ấn Độ. Từ “ngôi làng” được sử dụng phản ánh đúng bản chất những gì tồn tại bên trong xưởng giặt ủi lớn nhất thế giới - một xã hội thu nhỏ của người dân lao động tầng thấp ở Mumbai phồn hoa.

Xưởng giặt Dhobi Ghat từng là địa điểm quay bộ phim Ấn Độ đoạt giải Oscar, Slumdog Millionaire - Triệu phú khu ổ chuột (được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên năm 2005 của tác giả và nhà ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup).

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong phim "Triệu phú khu ổ chuột"

Sau khi bộ phim giành được 8 giải Oscar, xưởng giặt Dhobi Ghat trở nên nổi tiếng và là địa điểm thu hút nhiều người đến tham quan.

Nếu đứng bên ngoài nhìn vào vẫn chưa đủ thỏa mãn sự tò mò, bạn cũng có thể trả 200 rupee (gần 60 nghìn đồng) để vào tham quan bên trong. Song con số thu phí này không cố định, vì sự phức tạp trong quá trình tổ chức cho khách tham quan.

Có du khách chia sẻ, họ phải trả 500 rupee để được vào trong xưởng giặt tham quan, trong đó 400 rupee trả cho người quản lý xưởng và 100 rupee cho “cò mối”.

Xưởng giặt thủ công lớn nhất thế giới

Chú thích ảnh
Xưởng giặt thủ công ngoài trời Dhobi Ghat

Dhobi Ghat có ba đặc điểm:

1. Quy mô lớn

Nơi đây được biết đến là xưởng giặt giũ lớn nhất trên thế giới, giặt gần vài nghìn chiếc quần áo mỗi ngày.

Một phần lớn quần áo, ga trải giường và thậm chí cả quần áo của những người dân bình thường tại nhiều khách sạn, bệnh viện khác nhau ở Mumbai đều được gửi đến đây để giặt. Trang phục trong lễ hội lớn, đám cưới cũng được giặt tại nơi đây.

2. Thao tác thủ công

Hơn 200.000 bộ quần áo mỗi ngày chủ yếu được giặt bằng sức người chứ không phải máy móc.

Tuy trong khu xưởng vẫn có máy giặt hiện đại nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên chủ yếu giặt tay.

Nơi đây có hơn 6.000 người làm việc, nhìn thì có vẻ lộn xộn, nước thải tràn ngập khắp nơi, thực chất là “loạn nhưng không rối”, phân công lao động có trật tự và quy trình hẳn hoi.

Một nhóm người phụ trách vận chuyển quần áo từ bên ngoài và phân loại sơ bộ trước.

Chú thích ảnh
Công đoạn giặt giũ quần áo

Phải lấy quần áo bẩn ở mức độ đặc biệt ra, giặt riêng bằng nước nóng. Cách này “chuyên trị” những vết bẩn cứng đầu, hơn nữa cũng khiến quần áo mềm hơn, giặt đỡ mất sức hơn.

Hầu hết quần áo đều được vứt xuống bể giặt. Toàn bộ xưởng giặt có hơn 800 bể hình chữ nhật làm bằng xi măng. 

Họ ngâm quần áo trong bể giặt có nước xà bông, sau đó lấy ra chà xát, vụt mạnh quần áo vào khối đá chuyên dụng, thậm chí còn đập bằng gậy gỗ, vắt khô.

Cách thức giặt quần áo này khá giống với khung cảnh người xưa giặt đồ bên sông, quấn quần áo thành một cục rồi đặt lên tảng đá, tiếp theo dùng cái gậy đập mạnh liên tục để làm sạch vết bẩn.

Sau khi quần áo được giặt sạch, tiếp theo là công đoạn vắt khô. Người thợ phụ trách công đoạn này sử dụng chiếc máy sấy chuyên dụng, cũng hoạt động bằng thủ công. Họ cho quần áo ướt vào thùng, rồi quay mạnh, lợi dụng lực ly tâm để tách nước ra khỏi vải. Mặc dù cách sấy này đương nhiên không bằng máy giặt, nhưng chắc chắn hữu hiệu hơn việc vắt quần áo bằng tay.

Chú thích ảnh
Sấy quần áo

Sau khi sấy xong, một nhóm thợ khác treo đồ trên dây. Họ còn trải một lớp vải mỏng hoặc ni lông trên mái nhà để phơi quần áo, tận dụng không gian hết mức có thể.

Chú thích ảnh
Phơi quần áo

Nhiều khách hàng sẽ không hài lòng khi nhận về những bộ quần áo nhăn nhúm. Không sao! Họ có thể sử dụng dịch vụ ủi quần áo có ngay trong khu xưởng.

Chú thích ảnh
Một người thợ đang ủi quần áo

Sau khi ủi và gấp, các gói quần áo được gom lại và vận chuyển đi bằng xe ba bánh.

Chú thích ảnh
Chuyển trả quần áo cho khách

Điều thú vị là mặc dù trình độ học vấn của những người thợ trong xưởng giặt đa phần thấp nhưng họ đã biên soạn một bộ ký hiệu độc đáo để đánh dấu quần áo, đảm bảo không bị gửi nhầm.

3. Lịch sử lâu đời

Xưởng giặt này có lịch sử hơn 140 năm. Song, vì sao nó tồn tại lâu như vậy?

Lý do trực tiếp nhất cho sự ra đời và phát triển của xưởng giặt là thiếu nước.

Ấn Độ là quốc gia thường xuyên hứng chịu cảnh khan hiếm nước vì nắng nóng và hạn hán, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Mumbai. Cho đến hiện tại, hậu quả vẫn còn, tuy nhiên đa phần người dân vẫn chưa ý thức được sâu sắc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống và công việc.

Đặc biệt là vào mùa hè, cả thành phố thiếu nước, việc giặt giũ quần áo trở thành vấn đề lớn đối với người dân.

Các khách sạn, nhà hàng, bệnh viện và những nơi khác cũng phải “đau đầu” vì đồ bẩn chất chồng, không có cách nào tẩy rửa hoặc làm sạch.

Do đó, với sự hỗ trợ của chính quyền Mumbai, năm 1890, xưởng giặt Dhobi Ghat đã được xây dựng thuộc nhóm cơ sở hạ tầng của thành phố.

Tại đây, chính quyền thành phố quy định cấp nước đặc biệt để giải quyết các vấn đề dân sinh của người dân Mumbai vì họ không có khả năng giặt ủi tại nhà.

Chú thích ảnh

Vậy câu hỏi đặt ra là trong thời buổi hiện đại, hầu hết các gia đình đều có nước sinh hoạt, tại sao việc giặt giũ này vẫn tồn tại?

Câu trả lời là giá rẻ.

Đầu tiên, phương pháp giặt giũ ở đây tương đối thô sơ. Phần lớn nước giặt được tái sử dụng, thậm chí nước còn bị đổi màu do màu nhuộm trên quần áo. Từ đó có thể thấy, chi phí cho việc giặt giũ rất thấp.

Thứ hai là giá nhân công thấp.

Xưởng giặt nằm trong khu ổ chuột. Do đó không thiếu lao động giá rẻ.

Quan trọng hơn, nhiều công nhân giặt giũ ở đây thuộc tầng lớp thấp hơn được gọi là "Dhobi" ở Ấn Độ.

Nghề nghiệp cha truyền con nối của họ là giặt ủi quần áo. Ngay từ khi sinh ra, họ đã được định sẵn để trở thành công nhân giặt giũ.

Sự ra đời của kỷ nguyên công nghiệp hóa quy mô lớn đã làm giảm chi phí sản xuất.

Cũng giống như cánh tay robot thay thế công nhân trên dây chuyền sản xuất, tại sao máy giặt không thay thế công nhân giặt là? Điều này là do nhân công rẻ hơn máy giặt.

Tại đây, công nhân giặt là làm việc 13-14 tiếng mỗi ngày, lương tháng chỉ 35-45 nghìn rupee (khoảng 2-3 triệu đồng). Nếu bạn sử dụng máy giặt cho hơn 200.000 chiếc quần áo mỗi ngày thì phải cần ít nhất hàng trăm chiếc máy, cộng với tiền điện, nước và chi phí bảo trì, chắc chắn còn đắt hơn cả nhân công.

Với mức sống thấp, đồng lương ít ỏi, công nhân giặt ủi đã “chiến thắng” máy giặt.

Một xã hội thu nhỏ của nhóm người lao động cấp thấp ở Ấn Độ

 

Chú thích ảnh

Thợ giặt vẫn duy trì cách giặt thủ công truyền thống. Xưởng giặt thủ công đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng để thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nghèo từ các nơi đổ về.

Ở Ấn Độ có rất nhiều xưởng giặt ngoài trời nhưng không nơi đâu lớn và lâu đời bằng Dhobi Ghat.

Vì đông người và lịch sử lâu đời, truyền thông nước ngoài ví xưởng giặt là một công trình nghệ thuật khổng lồ, trường tồn theo thời gian.

Song, thực tế là ở xưởng giặt đồ được xuất hiện trên phim “bom tấn” này khác xa với nghệ thuật, ngược lại chứa đựng rất nhiều sự thật trần trụi trong cuộc sống.

Chú thích ảnh

Xưởng giặt ngoài trời nói chung và Dhobi Ghat nói riêng, nơi đây cũng là chỗ sinh hoạt, ăn ở của những gia đình sống bằng nghề giặt thuê. Đám trẻ em tụm ba tụm bảy vào một góc trống hiếm hoi, nhiều người tranh thủ ngả lưng sau mấy tiếng quần quật với đống quần áo bẩn, không ít người ngồi gãi trước gãi sau vì ngứa, âu cũng bởi tiếp xúc với nước xà bông trường kỳ.

Đứng trên cao nhìn xuống, trong mắt bạn hiện lên một rừng dây phơi quần áo chằng chịt, những mái nhà tạm bợ. Hàng bể giặt chứa nước đục ngầu, có thể vì bẩn và cũng có thể do xà bông đậm đặc. Người thì cầm quần áo quật túi bụi vào phiến đá, người thì khuân vác…

Những gương mặt uể oải trong không gian tạm bợ. Cơn nắng gắt vô tình phơi bày những gì trần trụi nhất của Dhobi Ghat. Thế mà nơi đây đã trở thành xưởng giặt lớn nhất thế giới, là chỗ mưu sinh của hàng nghìn kiếp người ở tầng thấp xã hội Ấn Độ.

Trung Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm