Quyết định kỷ luật Quế Ngọc Hải: Sai từ gốc

20/09/2015 05:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bản thân Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và điều lệ giải V-League 2015, đã có nhiều bất ổn, khi người ta quy trách nhiệm cá nhân cho một sự việc thuộc về tập thể. Quế Ngọc Hải không thể tự mình phải gánh trách nhiệm tài chính cho việc chữa trị chấn thương của Anh Khoa, khi anh đang phục vụ SLNA.

Các bản hợp đồng lao động với cầu thủ chuyên nghiệp quy định rất rõ, rằng đội bóng chủ quản sẽ chịu mọi phí tổn, nếu chấn thương xảy ra với người lao động. Không thể đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, càng khi đó là người làm thuê.

Quy chế còn nhiều bất cập?

Thông thường, trước khi mùa giải mới bắt đầu, BTC giải (VPF) và VFF đều tổ chức các cuộc hội họp thông qua điều lệ giải, Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp. Các điều khoản sửa đổi trong Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN) thậm chí còn quan trọng hơn, bởi đó là kim chỉ nam cho các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Quy chế được sửa đổi liên tục, tuỳ thuộc thời cuộc, nhưng chưa bao giờ đạt đến sự hợp lý thực sự.

Và, một trong những điều khoản vô lý ấy là Điều 39: Hành vi xâm phạm thân thể. “1. Người nào định hoặc cố tình xâm phạm thân thể người khác nhưng chưa làm thiệt hại đến thân thể, sức khoẻ của người khác thì bị cảnh cáo và có thể bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 03 trận. Nếu gây thiệt hại đến sức khoẻ, thân thể người khác thì bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 05 trận hoặc ít nhất 01 tháng. 2. Trường hợp có hành vi xâm phạm thân thể nghiêm trọng có thể bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc vĩnh viễn. 3. Phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 (nếu áp dụng biện pháp kỷ luật là đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ) và khoản 2 Điều này. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra” (trích Quy chế bóng đá chuyên nghiệp).

Người ta quy trách nhiệm cá nhân, thay vì tập thể. Đến lúc này chúng ta đã hiểu được, tại sao Quy chế BĐCN còn nhiều bất cập nhưng luôn được thông qua khá dễ dàng?! Đơn giản, bởi lãnh đạo đội bóng là người đi họp, còn án là dành cho cầu thủ. Lãnh đạo luôn nắm đằng chuôi, còn người lao động – đội ngũ những người làm thuê trong bóng đá, tức cầu thủ, luôn chịu thiệt?! Điều này quá không công bằng và cần phải thay đổi. Không phải ai cũng có thể tự mua “bảo hiểm đôi chân”, vốn là cần câu cơm cho chính mình.

Nếu cầu thủ viện đến Toà án dân sự?

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Ngọc Hải vì uất mà chia tay luôn nghiệp bóng đá, ai có thể bắt anh phải trả toàn bộ chi phí chữa trị và thiệt hại cho Anh Khoa?! Xin thưa, lúc này Anh Khoa hoàn toàn có thể viện tới Toà án dân sự (nếu muốn), để kiện Hải “tội” xâm phạm thân thể người khác. Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có hợp đồng ràng buộc, có luật chơi cần được tuân thủ trong hệ thống các giải đấu, nhưng họ cũng có quyền công dân. Nhà tổ chức không thể một tay che cả bầu trời.

Lịch sử giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League), 15 năm lên chuyên, chưa từng có tiền lệ kiện nhau ra toà án dân sự, vì VFF nghĩ rằng họ có thể là quan toà. Ví như mới đây, trường hợp Ngọc Điểu kiện XSKT Cần Thơ ra Toà án quận Ninh Kiều (Cần Thơ), VFF lập tức thảo công văn, không nên và không được phép làm điều đó, nếu không muốn nhận án phạt treo giò vĩnh viễn. Trên thực tế, với một cầu thủ “hết đát” như Ngọc Điểu, điều đầu tiên anh quan tâm là quyền lợi, còn việc “treo giò vĩnh viễn” chẳng có tí trọng lượng nào.

Không thể lấy cái sai này, để bù cho cái sai khác. Nếu Quy chế BĐCN đã có những điều khoản không hợp lý, VFF rồi mới đến VPF phải sửa đổi, thay vì chống chế. Bản thân án kỷ luật treo giò 6 tháng (kể từ ngày ra quyết định) với Quế Ngọc Hải trong hệ thống các giải đấu thuộc VFF, đã rất hài hước rồi. Bởi V-League 2015 đã kết thúc và cũng gần 6 tháng sau, mùa giải mới V-League 2016 mới khởi tranh.

Suy cho cùng, quyền lợi của người lao động, dù là người lao động có thu nhập chính thức và không chính thức đến cả nhiều tỷ đồng/năm, vẫn cần được bảo vệ. Cả Anh Khoa và Ngọc Hải cần được bảo vệ, dù lỗi của Ngọc Hải là khó nương nhẹ.

“Về mặt dân sự, VFF không phải toà án để có thể bắt một cá nhân đền bù cho một cá nhân, sau khi thương tích xảy ra. Tôi muốn nói tình huống mà Quế Ngọc Hải phải bồi hoàn toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa là không thoả đáng. Trong tất cả các hợp đồng lao động dành cho cầu thủ chuyên nghiệp, luôn có điều khoản, đội bóng (hay Công ty chủ quản) sẽ chịu toàn bộ chi phí này. SHB Đà Nẵng sẽ phải đứng ra lo cho Anh Khoa, rồi sau đó mới truy thu hay đòi tác nhân đền bù, theo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp. Tôi cho rằng, quy chế hiện hành có quá nhiều vấn đề và cần phải sửa đổi. Không thể bắt người lao động chịu thiệt được”, Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Văn phòng luật sư Đức Chánh, TP.HCM.

24. Vòng 24 V-Legue 2014, trận đấu giữa chủ nhà HAGL gặp Khánh Hòa, Thái Học đã bị cầu thủ đội khách- Thanh Hùng vào bóng ác ý khiến gãy ống quyển, rời xa sân cỏ 8 tháng. Ban kỷ luật VFF đưa ra kết luận, pha vào bóng không cố ý triệt hạ và Thanh Hùng không phải nhận án phạt nào.

7. Vòng 7 V-League 2014, Trần Đình Đồng của SLNA đã bị treo giò 6 tháng sau tình huống vào bóng bằng cả 2 chân đối với Anh Hùng (HV.An Giang), đồng thời phải chịu mọi chi phí chữa trị gãy xương ống chân cho Anh Hùng.

2. Đấy là số trận bị cấm thi đấu mà Ban kỷ luật áp dụng cho Huy Hoàng và Hoàng Vũ Samson sau vòng 3 V-League 2012. Nhận thấy Huy Hoàng vào bóng ác ý, Samson đã kịp nhảy tránh và trả đũa bằng cách giẫm chân vào mặt đối phương khiến cựu tuyển thủ Việt Nam bị thương nặng ở đầu và mắt.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm