21/02/2019 07:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Có khá nhiều quan điểm quanh thủ tục cấp phép ca khúc trước 1975 hay các quy định về thi sắc đẹp đã được đưa ra sau khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bắt tay sửa đổi Nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn.
Trước những ý kiến nhiều chiều từ công luận, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn:
- Chính phủ chấp thuận về chủ trương cho Bộ VH,TT&DL xây dựng, điều chỉnh Nghị định về hoạt động biểu diễn trên cơ sở hai Nghị định 79, 15. Một số quy định trong hai nghị định này “vênh” với thực tiễn, vì vậy Nghị định mới hướng tới tinh thần giảm bớt thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và các thành viên khác trong xã hội khi tham gia biểu diễn nghệ thuật...
Một trong những nội dung được Chính phủ chấp thuận về chủ trương sửa đổi là câu chuyện cấp phép ca khúc. Theo Dự thảo, Cục ban hành những quy định cụ thể để địa phương có căn cứ không cho biểu diễn ca khúc có nội dung xấu: xuyên tác lịch sử, đi ngược lại lợi ích đất nước và nhân dân, bôi nhọ tổ chức, cá nhân...
Điều này có nghĩa nếu Nghị định mới được thông qua dù không còn danh mục bài hát được phép lưu hành, nhưng vẫn có những quy định cụ thể khác. Nhưng cũng có nghĩa, không phải tất cả ca khúc không được lưu hành trước đây lại được thả lỏng.
* Thực tế đã có hiện tượng ca khúc hoặc nghệ sĩ được địa phương này cấp phép, nhưng địa phương kia từ chối. Làm thế nào để có một “chuẩn” chung, cũng là để tránh việc nảy sinh tiêu cực như lo lắng của một số nghệ sĩ, thưa ông?
- Địa phương và các đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình sử dụng ca khúc được trao quyền đồng thời với việc chịu trách nhiệm khi sử dụng ca khúc. Trong trường hợp vi phạm, họ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Chắc chắn chế tài xử phạt sẽ phải có những giải pháp mạnh đi kèm, phạt thật nặng, hoặc rút giấy phép, thậm chí, có thể xử lý hình sự đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
* Việc tăng quyền cho địa phương cũng khiến dư luận lo lắng về trình độ thẩm định của cán bộ quản lý văn hoá tại địa phương đôi khi chưa đồng đều?
- Đúng là câu chuyện thẩm định ca khúc khó, đôi khi phải chấp nhận rủi ro. Nguồn nhân lực phải đủ trình độ, xứng tầm công việc và không phải cứ làm sai là đổ tại Nghị định. Bộ hay Cục không có thể xông vào đó, nhưng nếu sai, giống như quy định về việc đi đèn đỏ, thì cảnh sát giao thông bắt, phạt chứ không phải Bộ GTVT. Cũng như trong NTBD, nếu sai thì Cục đâu có phạt được mà là các cơ quan chức năng khác như an ninh văn hóa, thanh tra văn hoá...
Thực tế, các quy định pháp luật không phải lúc nào cũng đầy đủ. Xã hội tiến nhanh mà nghị định chậm cũng bị lệch. Khi có quy định rồi mà các cá nhân cố ý vi phạm giống như tai nạn xảy ra do anh phóng nhanh, do anh uống rượu… thì phải xử phạt người đó chứ không phải quay lại đòi sửa luật Giao thông thì rất buồn cười.
Tuy nhiên, nghị định cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với tốc độ phát triển quá nhanh của xã hội và cần phải sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chuyên môn. Có sự “vênh” giữa địa phương này và địa phương kia có thể do hoàn cảnh địa lý, văn hóa, lịch sử… riêng mà chúng ta nên tôn trọng. Vì thế chúng tôi hay nói đùa cho cô gái mặc áo hai mảnh thi nhan sắc được nhưng đi lại ở cửa chùa thì không được. Đó chính là sự khác nhau về hoàn cảnh như tôi vừa nói.
* Một trong những nguyên nhân khiến nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn chấp nhận “vượt rào” rồi nộp phạt là bởi chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Dự thảo Nghị định liệu có tăng chế tài xử phạt, tăng tiền phạt, thậm chí rút phép không?
- Cục Nghệ thuật Biểu diễn không phải là nơi xử phạt và cũng không xây dựng mức xử phạt mà cần Thanh tra xây dựng quy định. Nhưng Cục có thể đề xuất phương án khác trong trường hợp đặc biệt, thậm chí có thể đề xuất hình sự hoá nếu cần.
* Vừa qua, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên cởi mở hơn với các cuộc thi sắc đẹp, cụ thể có thể bỏ cấp phép cuộc thi trong nước hoặc người đẹp thi quốc tế không cần cấp phép. Ông nghĩ thế nào về các ý kiến này?
- Tôi cũng cho rằng nên mở rộng đối tượng được tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế chứ không chỉ dừng ở Top 3 như quy định hiện hành. Tuy nhiên, chúng ta không thể mở cửa hết cỡ vì thực tế đã từng có thời kỳ báo chí và công luận bức xúc trước trình trạng “loạn danh hiệu” khiến cơ quan quản lý cũng đau đầu.
* Việc sửa Nghị định từng được đề cập từ hai năm trước vì cũng là nhu cầu cấp thiết. Vậy ông có thể cho biết khi nào thì Dự thảo có thể chính thức được công bố?
- Theo kế hoạch, dự kiến tháng 9/2019 tới sẽ hoàn thành dự thảo. Sau đó Dự thảo sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đức Chi (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất