30/05/2018 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới có bộ môn xiếc thú đã phải đối diện với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức bảo vệ động vật, thậm chí từ chính những người dân.
Ngay cả các nghệ sĩ Việt Nam khi ra nước ngoài tham gia biểu diễn ở các festival xiếc cũng từng phải “đối mặt” với làn sóng này.
Làn sóng trái chiều trên thế giới
“Vua xiếc trăn” Tống Toàn Thắng đã “xuất ngoại” cùng với những con trăn của mình không biết bao lần. Và 2 chuyến biểu diễn “nhớ đời” nhất của anh là ở Mỹ vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước.
Cụ thể, năm 1997, Tống Toàn Thắng tham dự một festival xiếc ở xứ sở cờ hoa. Theo lời kể của anh, đó là một ngày hội xiếc lớn chưa từng có khi nước chủ nhà dựng tới 3 sân khấu tròn để các nghệ sĩ và động vật có thể biểu diễn cùng một lúc.
NSƯT Tống Toàn Thắng kể: “Trước giờ biểu diễn, các con thú được các đoàn vận chuyển bằng tàu hỏa. Trên đường từ ga về rạp, cơ quan chức năng cử cả một đoàn cảnh sát đi theo hộ tống. Có một nghịch lý đã xảy ra là, hai bên đường người dân đứng đông nghịt, một bên dương biểu ngữ với nội dung phản đối xiếc thú, đòi trả tự do cho những con vật vốn thuộc về thiên nhiên hoang dã, còn một bên thì thích thú, tung hô những “nghệ sĩ động vật”, tranh cãi với nhóm đối lập bằng quan điểm không thể bỏ xiếc thú vì dạy thú biết diễn xiếc và chăm sóc chúng cũng là một cách bảo vệ động vật!”.
Một lần khác, khi Tống Toàn Thắng đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ còn chờ tiết mục của đoàn bạn kết thúc là tiến ra sân khấu thì bỗng có hai cô gái lái một chiếc xe tông thẳng vào đường dẫn thú và đỗ chết ở đó. Không những vậy, một cô gái còn dùng còng số 8, tự còng tay mình dưới gầm xe, miệng liên hồi những câu phản đối xiếc thú. Bất đắc dĩ, BTC đã phải cầu cứu cảnh sát và để giải quyết sự cố này, một đội cứu hộ đã được cử đến, cắt còng tay đưa cô gái về đồn, còn chiếc xe được cẩu ra và chương trình lại tiếp tục…
Trước Tống Toàn Thắng, “vua xiếc khỉ” Tạ Duy Nhẫn (nguyên Trưởng đoàn Xiếc thú, Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cũng từng mang những chú khỉ của mình tham gia nhiều festival xiếc ở nhiều quốc gia trên thế giới và không ít lần ông chứng kiến những làn sóng trái chiều về việc sử dụng các con thú biểu diễn xiếc.
Trong một lần biểu diễn tại Nga cách đây khoảng 30 năm, tiết mục “khỉ vàng” của Tạ Duy Nhẫn, theo như ông cho biết, khán giả yêu cầu diễn lại đến… 8 lần, khiến nhiều đồng nghiệp phải “ghen tỵ”, đồng thời tỏ rõ sự ngưỡng mộ với nghệ thuật xiếc thú Việt Nam.
Nhận xét “chưa chuẩn” nhưng sẽ điều chỉnh
Theo nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, từ buổi sơ khai của ngành xiếc Việt Nam, xiếc thú luôn là một thế mạnh, gắn liền với tên tuổi của nhà dạy thú Tạ Duy Hiển và các nghệ sĩ cùng thời với ông.
Đến nay, thế mạnh về xiếc thú vẫn được phát huy, luôn là đặc sản không thể thiếu trong kịch mục của Rạp Xiếc Trung ương nói riêng, các đoàn xiếc trong nước nói chung.
“Xiếc thú luôn được khán giả chờ đợi, đặc biệt là các em nhỏ” - nghệ sĩ Tống Toàn Thắng nói. “Và hiệu quả nghệ thuật của bộ môn này được chứng minh bằng rất nhiều giải thưởng uy tín mà các nghệ sĩ đã gặt hái được ở các liên hoan xiếc trong nước và quốc tế… Tôi cũng từng ngồi trên hàng ghế khán giả và nghe không ít phụ huynh nói với con cái mình rằng: Các con thú còn biết nghe lời, làm được những việc có khi con người không làm được thì các con cũng cần phải học tập và cố gắng. Kể ra như thế để thấy rằng quan điểm các rạp xiếc không đóng góp được vai trò gì trong việc giáo dục hay bảo tồn động vật là… chưa chuẩn”.
Đồng quan điểm với nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, ông Tạ Duy Nhẫn cho rằng ở khu vực Đông Nam Á, không có nước nào “đọ” được về xiếc thú với Việt Nam.
“Khi chúng tôi ra nước ngoài biểu diễn, nhiều người vẫn không thể tin nổi là Việt Nam lại có đoàn xiếc thú hùng hậu và các tiết mục đạt chất lượng về nghệ thuật đến thế. Từ nuôi dưỡng, huấn luyện đến biểu diễn, tôi tự tin có thể khẳng định Việt Nam đã và đang làm tốt hơn rất nhiều nước. Xiếc thú, theo tôi đó là bộ môn mang tính nghệ thuật cao nhất trong các bộ môn xiếc. Thế nên, nếu cấm xiếc thú, tôi thấy chẳng khác gì lĩnh vực âm nhạc cấm nhạc hàn lâm vậy!” - ông Nhẫn ví von.
Dẫu vậy, cả ông Nhẫn và ông Thắng đều có chung quan điểm là việc cấm hay không cấm sử dụng các động vật hoang dã vào biểu diễn xiếc chung quy là ở con người. Theo hai ông, ngoài việc “nhắm” vào các rạp xiếc, vườn thú, công viên… các tổ chức bảo vệ động vật và ngay bản thân mỗi người dân hãy cùng tuyên truyền bằng nhiều hình thức về vấn đề này thì mới có hiệu quả.
Đối với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, theo như ông Nhẫn và ông Thắng cho biết, trước cả khi nhận được những khuyến cáo của AFA, Liên đoàn đã có chủ trương giảm dần các tiết mục xiếc có sự tham gia của động vật hoang dã, chuyển sang huấn luyện, dàn dựng các tiết mục gắn với những động vật nhà như lợn, gà, vịt, chó và thậm chí là trâu, bò…
“Năm ngoái chúng tôi đã đưa ra tiếc mục xiếc lợn và xiếc mèo, khán giả cũng rất thích. Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư xiếc trâu, xiếc dê và xiếc vẹt” - nghệ sĩ Tống Toàn Thắng nói. “Bây giờ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã bỏ xiếc thú, chuyển đổi sang các tiết mục xiếc động vật nhà và Liên đoàn đang đi theo theo xu thế chung ấy. Chỉ có điều, loại bỏ ngay xiếc thú, đặc biệt là các tiết mục gắn liền với động vật hoang dã cần phải có lộ trình để tránh gây sốc cho các nghệ sĩ, làm hụt hẫng khán giả yêu mến bộ môn này… Đến một lúc nào đó, khán giả quen với những chuyển đổi đó thì chúng ta không phải đối mặt với những khuyến cáo như AFA đã nêu nữa…”.
Kỳ 4: Có cần bộ luật về phúc lợi động vật?
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất