VPF tìm kiếm nguồn thu: Kinh nghiệm từ Premier League và J-League

11/12/2011 11:08 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Một trong những nhiệm vụ đặt ra cho VPF sau khi thành lập là phải tìm được nguồn thu, qua đó mang về những khoản lợi nhuận, điều mà mà BTC V-League kiểu cũ chưa bao giờ làm được. Vì thế, sẽ vô cùng hữu ích nếu VPF “chịu khó” tham khảo kinh nghiệm tìm kiếm nguồn thu của Công ty cổ phần FA Premier League và BTC J-League.

Tôn chỉ mục đích của Công ty cổ phần FA Premier League là nhằm tăng cường tính cạnh tranh hấp dẫn cho giải đấu và tạo ra các giá trị thương mại cho nó. Vì thế, nguồn thu chính của FA Premier League thông qua việc bán bản quyền truyền hình cũng như gắn tên nhà tài trợ Premier League được thực hiện hết sức kỹ lưỡng. Các gói này không bao giờ có thời hạn quá dài, thông thường chỉ từ 3 đến 5 năm, bởi những người điều hành Công ty luôn ý thức được sự thay đổi về sức hút trong tương lai có thể mang lại những sự thay đổi lớn lao về giá trị của chúng.



Lúc đầu, SkyTV của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch giành được bản hợp đồng phát sóng trực tiếp Premier League với giá chỉ có 191 triệu bảng trong vòng 5 năm. Thế nhưng, với sự xuất hiện của Công ty cổ phần FA Premier League, số tiền bán bản quyền truyền hình đã tăng dần theo từng giai đoạn. Để rồi năm 2007, khi đàm phán hợp đồng truyền hình Premier League cho giai đoạn 2007-2010, SkyTV và Setanta đã phải chi một khoản tiền gấp 9 lần so với ban đầu (1,7 tỷ bảng).

Ngoài truyền hình, việc gắn tên giải với một nhà tài trợ cũng đem lại nguồn thu lớn. Năm 1993, hãng đồ uống Carling trả 12 triệu bảng trong 4 năm để đổi lấy việc Premier League được đổi tên thành FA Carling Premiership. Đến năm 1997, khi gia hạn thêm 4 năm, khoản tiền mà Carling trả đã tăng thêm 300%. Từ năm 2001, hãng phát hành thẻ tín dụng Barclaycard trở thành nhà tài trợ mới gắn tên với Premier League đã bỏ ra 48 triệu bảng cho 3 năm. Và năm 2004, Công ty mẹ của hãng thẻ này, tập đoàn tài chính tín dụng Barclays, đã phải trả tới 65,8 triệu bảng cho 3 năm tiếp theo, tăng gấp 5 lần so với thời điểm ban đầu.

Trong khi đó, dù ra đời và phát triển sau Premier League nhưng nguồn thu của J-League cũng khá phong phú và luôn tăng trưởng theo từng năm. Với mục tiêu biến các trận đấu của J-League theo khuôn mẫu của công nghệ giải trí, BTC J-League đã tạo ra sự thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức của J-League và kéo khán giả đến sân ngày một đông (lượng khán giả đến sân tại J-League hiện đang đứng đầu châu Á, đứng thứ 7 thế giới, chỉ sau các cường quốc bóng đá ở châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Italia…). Nhờ đó mà nguồn thu của các CLB nói riêng và của BTC J-League nói chung không ngừng được tăng lên đáng kể.

Hiện tại 3 nguồn tài chính chủ yếu để J-League hoạt động gồm bản quyền truyền hình, nhà tài trợ và tổ chức sự kiện. Năm 2009, tổng nguồn thu của BTC J-League lên tới 11.670 tỉ yên (tương đương 3.000 tỉ đồng) - tăng gấp 10 lần so với những ngày đầu chập chững mới thành lập. Trong đó, khoản thu lớn nhất là tiền bản quyền truyền hình: khoảng hơn 5 tỉ yên, nhà tài trợ chính Kirin tài trợ khoảng hơn 4 tỉ yen, kinh doanh thương phẩm - 698 triệu yên, tiền bán vé - 172 triệu yên, các nguồn khác - 874 triệu yên.

Thành Quang


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm