Làn sóng tự tử của "sao" Hàn lan ra công chúng

01/07/2010 10:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Làng giải trí Hàn Quốc lại tiếp tục phải chứng kiến sự ra đi đầy bi kịch của một ngôi sao nữa: nam diễn viên - ca sĩ Park Yong Ha. Nguyên nhân ban đầu của cái chết được xác định là tự tử. Nam diễn viên đã treo cổ bằng dây cáp điện thoại tại căn hộ của anh ở Nonhyeon-dong, Seoul. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy thư tuyệt mệnh. Nhiều người tự hỏi, phải chăng Park quyết định tìm đến cái chết vì không thể làm gì được với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của cha?

Tham vọng vượt qua Làn sóng Hàn Quốc

Park Yong Ha là gương mặt khá quen thuộc đối với khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam qua nhiều serie phim, mà nổi bật nhất là vai chính thứ trong phim ăn khách Bản tình ca mùa Đông (2002). Tin anh qua đời đã gây sốc nhiều đồng nghiệp và người hâm mộ.


Cảnh sát nhìn nhận cái chết của anh là một vụ tự tử dựa vào lời khai của gia đình anh: “Khi con trai tôi massage chân và lưng cho bố - ông bị ung thư dạ dày ở giai đoạn cuối - cháu liên tục nói ‘con xin lỗi, con xin lỗi’ trước khi về phòng riêng”, mẹ của Park nói. Nhiều nguồn tin nói rằng, Park đã dùng thuốc ngủ vì anh bị chứng khó ngủ.

Chỉ cách đây 2 năm, Park đã đặt ra những kế hoạch lớn vượt cả “Làn sóng Hàn Quốc”. Trong mắt công chúng, tương lai của chàng ca sĩ - diễn viên có nụ cười dễ mến này vô cùng sáng sủa. Anh vừa được chọn thủ vai chính bên cạnh nữ diễn viên Yoon Eun Hye trong serie phim Love Song - Drama được dàn dựng lại từ bộ phim ăn khách của Hong Kong năm 1996 Comrades, Almost A Love Story. Serie phim này sẽ được bấm máy vào tháng 7 tới.  

Trước khi qua đời, Park vừa bắt đầu chuyến lưu diễn ở Nhật Bản, mở màn từ ngày 24/6 và kéo dài đến tháng 9. Năm 2008, Park từng nói với tờ The Korea Herald: “Giờ đây, tôi thấy thích thú ở cương vị một ngôi sao Hallyu. Nhưng tôi không muốn mọi người nhớ đến mình là ngôi sao Hallyu Park Yong Ha sau khi Làn sóng Hàn Quốc đã tàn lụi. Tôi muốn được trở thành người có thể bao phủ rất nhiều lĩnh vực chỉ với tên tuổi của mình. Điều đó có khó không?”.

5 năm buồn chán ở Nhật Bản và những dấu hỏi

Ra mắt làng giải trí từ năm 1997, Park trở thành một ngôi sao Hallyu sau thành công vang dội của serie phim truyền hình Bản tình ca mùa Đông. Với đà thành công của Làn sóng Hàn Quốc, Park đã tạo dựng sự nghiệp của mình ở Nhật Bản, trong vòng 5 năm anh đã tung ra 10 album và đĩa đơn ăn khách, giành liên tục 4 giải Đĩa Vàng của Nhật Bản và trở thành nghệ sĩ pop Hàn Quốc đầu tiên đạt được thành tích đó.

Năm 2008, chàng nghệ sĩ 32 tuổi này đã bộc bạch rằng nhiều năm hoạt động ở Nhật, đặc biệt là khi anh xuất hiện trong các chương trình trò chuyện, là những thời khắc buồn và chán nhất trong sự nghiệp của mình. “Vâng, đối với tôi đó là một ký ức buồn chán. Không buồn chán sao được khi bạn không hiểu rõ được nền văn hóa và ngôn ngữ, toàn phải qua phiên dịch”. Park nhớ lại giây phút mọi người có mặt trong một chương trình trò chuyện, họ cười sau khi anh nói gì đó. “Họ cười với nhau. Tôi thực sự ghét khoảnh khắc đó. Tôi không biết họ nói gì, nhưng họ cười thì tôi cũng phải cười. Khi làm việc ở Nhật Bản, tất cả những điều đó khiến tôi buồn”.

Sau khi khẳng định tên tuổi với cương vị ca sĩ ở xứ hoa anh đào, năm 2008 Park trở lại với màn ảnh nhỏ Hàn Quốc trong serie phim On Air. Với cuộc tái xuất thành công, anh tiếp tục thủ diễn chính trong serie phim The Scam (2009) và The Slingshot (2009).

Thế nhưng, thời gian gần đây Park luôn rơi vào tình trạng buồn bã, lo lắng. Một người bạn nói: “Chẳng có cách nào biết được nguyên nhân đích xác, nhưng khi gặp Park cách đây vài tháng dường như anh ấy rất suy sụp. Bệnh tình của cha anh khiến mọi việc trở nên tồi tệ. Park rất kính yêu cha mẹ”.

Bạn đồng diễn của anh trong phim Story Of A Man là Park Si Yeon (hiện đang quay serie phim Coffee House) vô cùng sốc khi nhận được hung tin và cô “thẫn thờ” đến mức nhiều người lo ngại cô sẽ không thể tiếp tục quay phim.

Lo ngại về “hiệu ứng Werther”

Sự ra đi của Park khiến người ta nhớ lại một loạt vụ tự vẫn của các ngôi sao xứ kim chi trong vài năm trở lại đây, từ cái chết của các nữ diễn viên Lee Eun Ju năm 2005 và Jeong Da Bin năm 2007, tới Ahn Jae Hwan (2008), Choi Jin Sil (2008), Jang Ja Yeon (2009) và hồi tháng 3 là Choi Jin Young, em trai Choi Jin Sil.

Ở Hàn Quốc, tự vẫn là nguyên nhân cái chết cao nhất trong số những người ra đi ở độ tuổi 20-30. Năm 2007 nước này có tỷ lệ tử tự cao nhất trong 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Bộ Y tế nước này cho biết, cứ 100.000 người Hàn Quốc thì có tới 23,9% người tự vẫn, trong khi ở Nhật Bản: 19,4%; Phần Lan: 16,7%; Pháp 14,2% và Thụy Sĩ: 14%.

Việc tử tự của các nghệ sĩ giải trí đã tạo nên những hành động bắt chước một cách mù quáng mà các chuyên gia gọi là “Hiệu ứng Werther”. Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, thì vụ tự vẫn đã gia tăng đáng kể sau khi các nghệ sĩ giải trí nổi tiếng quyên sinh. Tháng 1/2007, 289 phụ nữ đã tìm đến cái chết, nhưng đến tháng 2 thì đã tăng lên 534 vụ - sau cái chết của Yuni và Jeong.

Hong Jin Pyo, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm Y tế Asan, nói rằng các nghệ sĩ giải trí không tìm cách chữa trị tâm lý đúng đắn khi gặp những vấn đề riêng tư và liên quan đến danh tiếng. “Khi các ngôi sao nổi tiếng tự vẫn, nhiều người đã cảm thông với họ và bắt chước họ. Chúng ta nên đặt ra những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tự vẫn đối với các nghệ sĩ giải trí và họ phải tham gia các chiến dịch ngăn chặn tự tử nhằm giảm thiểu được “Hiệu ứng Werther”.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm