Chuyện quỳ lạy khi mua iPhone 6, cộng đồng mạng và 'quốc thể'

06/11/2014 18:15 GMT+7 | Chuyện tử tế

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về không ít người mình lên tiếng chỉ trích anh người Việt quỳ lạy ở Singapore là "nhục quốc thể", và cách mà không ít người Singapore đã quyên tiền cho anh, đồng thời lên án, khiến cửa hàng lừa đảo ở Sim Lim Square phải đóng cửa là những ví dụ sinh động cho thấy cái gọi là "cộng đồng mạng" có thể làm được gì cho cộng đồng thực ở ngoài đời.

Khi một cộng đồng có ý thức xã hội thấp, tính ích kỉ và thực dụng của các cá nhân quá cao, dẫn đến xã hội ấy bị xé lẻ và cục bộ, thì chỉ tăng thêm sự hỗn loạn, và sự hỗn loạn trên mạng xã hội tác động ngược trở lại không ít đến suy nghĩ và hành vi của cộng đồng ấy ngoài xã hội. Cộng đồng ấy mới chỉ dừng lại ở chỗ khoe khoang những thứ vật chất mà mình sở hữu, những câu chuyện hóng hớt mà mình thấy cần chia sẻ, những cái tôi bị lòng vị kỉ hoặc sự thèm khát được chú ý thúc giục phải thể hiện trước đám đông lố nhố và hiếu kì. Trong trường hợp ấy, mạng xã hội trở thành nơi kết nối những thứ tầm thường và biến chúng thành một sức mạnh nguy hiểm.

Ngược lại, khi một cộng đồng tập hợp những cá nhân có ý thức xã hội mạnh, văn minh, biết tôn trọng và tương trợ lẫn nhau, thì sức mạnh của cộng đồng mạng ấy là thực sự đáng chú ý và có thể làm nên những việc tốt cho mọi người. Quyên tiền cho một người mà họ không biết mặt, biết tên, không quan hệ và gây áp lực để đóng cửa hàng lừa đảo đó là một cách thể hiện sức mạnh cộng đồng trước sự bất công. Họ làm thế không hẳn vì cảm thấy "nhục quốc thể", mà vì họ ý thức được, một việc như thế có thể ảnh hưởng đến trước hết là những người làm ăn buôn bán khác ở khu Sim Lim đó, cũng như liên quan đến vấn đề du lịch (người Việt sang Sing cực nhiều). Chuyện này thực ra rất nhỏ đối với một đảo quốc nhỏ như Singapore, nhưng chính cái đất nước bé bằng Phú Quốc ấy lại làm được những chuyện lớn lao chính từ những điều nhỏ ấy, và đó là điều ta nên học ở họ.

"Nhục quốc thể" là một cụm từ nặng nề, nhưng nó đã bị sử dụng sai trong trường hợp của anh mua điện thoại. Sai, bởi vì nó đã bị hiểu sai một cách mù quáng liên quan đến một lòng tự tôn dân tộc luôn được thể hiện không hợp lí. Sai, vì từ đó được dùng không đúng lúc, đúng chỗ cho một cá nhân bất lực trước một hành động mà anh ta không thể bảo vệ được mình. "Nhục quốc thể" phải là những gì được dùng cho những kẻ làm xấu mặt người Việt ở nước ngoài và với chính người Việt ta. Trước khi chỉ trích ai đó về chuyện "nhục quốc thể" và "không yêu nước", điều đầu tiên cần làm là hãy xem mình biết xếp hàng, biết chờ đèn đỏ, biết nói cám ơn, xin lỗi, biết chào hỏi... đi đã, và cũng nên nhìn lại xem mình đã từng làm những chuyện tệ hại hơn cả quỳ gối nhiều lần trong đời mình hay chưa.

Quốc thể và yêu nước không phải là những vật trang trí cho những tư duy yếu ớt, kém cỏi, vô dụng, kém văn minh, mà nó cần phải được thể hiện hàng ngày, hàng giờ, ở mỗi cá nhân, trong nhiều vấn đề của cuộc sống và công việc. Nếu một ai đó thực sự có ý thức và đau đáu cho đất nước, hãy suy nghĩ đến việc tại sao nhiều người trong chúng ta bị kì thị ở nước ngoài, bị coi chừng như kẻ trộm, bị đánh giá là thiếu văn minh...., và từ suy nghĩ ấy, trước khi lên tiếng chỉ trích những ai đó bị vạch mặt chỉ tên ở nước ngoài vì những điều trên, hãy hành xử sao cho văn minh. Một cộng đồng có ý thức được tạo nên từ những cá nhân có ý thức, và hiểu được nhục quốc thể và yêu nước là gì.

Ngược lại, cá nhân ấy không thể đổ lỗi rằng, vì xã hội tôi sống hỗn loạn, nhốn nháo và giẫm đạp lên nhau, mà tôi cũng phải hỗn loạn và lộn xộn như vậy, trong khi tôi lại có quyền chỉ trích người khác là xấu, làm "nhục quốc thể" và chia sẻ, cổ súy cho những thứ bệnh hoạn, tầm thường trong cuộc sống.

Facebook và mạng xã hội có thể tạo nên một cộng đồng mạnh, từ những việc có ích nhỏ nhất. Nếu không biết sử dụng chúng, thì cũng giống như một đứa trẻ cầm súng thật mà vẫn nghĩ đó là đồ chơi...

Nhà báo Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm