05/01/2023 11:01 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Kết quả tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 trong sáu tháng cuối năm 2022 trên địa bàn TP.HCM ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng phụ XBB vào tháng 12/2022.
Ngày 4/1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM công bố kết quả tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 trong sáu tháng cuối năm 2022 trên địa bàn TP. Việc tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 được tiến hành trên các ca bệnh COVID-19 nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ ngày 1/7 đến ngày 25/12/2022 với tổng số 526 ca.
Trong số này có 353 (67%) ca bệnh có tải lượng vi rút phù hợp và được giải mã gene tầm soát biến chủng SARS-CoV-2. Kết quả thu nhận 336 bộ gene SARS-CoV-2 chiếm 95% trong tổng số 353 mẫu được đem đi phân tích.
Kết quả định danh cho thấy trong sáu tháng cuối năm, ngoại trừ một chủng Delta ghi nhận vào tháng 7 thì chỉ ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron.
Trong thời gian này, có sự dịch chuyển từ biến chủng phụ BA.5 của Omicron ở thời điểm tháng 7 đến tháng 9 sang biến chủng phụ BA.2.75 (bao gồm biến chủng phụ BN.1 của BA.2.75) trong ba tháng cuối năm.
Đặc biệt, ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng phụ XBB vào tháng 12/2022 nhưng ở tỉ lệ thấp (3/52 trình tự giải mã vào tháng 12, chiếm 5,7%). Đây là mẫu virus của ba bệnh nhân Covid-19 nhập viện vào tháng 12/2022, điều này cho thấy chủng XBB mới xâm nhập.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đánh giá, sự dịch chuyển theo thời gian giữa các biến chủng phụ của Omicron từ BA.5 sang BA.2.75 trên địa bàn TP là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Biến chủng phụ XBB nguy hiểm như thế nào?
XBB là chủng phụ thế hệ tiếp theo của chủng BA.2 Omicron, còn gọi là BA.2.10. Các nhà khoa học trên thế giới nhận định đây là biến chủng phụ Omicron "tồi tệ nhất cho đến nay", bởi đặc tính lây lan nhanh hơn bất kỳ biến chủng phụ nào, trốn tránh được miễn dịch từ vaccine, nhiễm bệnh tự nhiên và các liệu pháp kháng thể đơn dòng. Hiện chưa có nghiên cứu sâu về độc lực của biến chủng mới này.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng XBB. Trên thế giới, các nhà khoa học phát hiện chủng này vào tháng 8/2022, và bốn tháng qua đã lây lan ở 70 quốc gia. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), XBB cùng họ hàng của nó là XBB.1.5 đang gây ra 44% ca nhiễm ở Mỹ, lấn át các chủng phụ Omicron khác; dẫn đến làn sóng lây nhiễm mới ở một số khu vực của châu Á, bao gồm Ấn Độ và Singapore vào tháng 10/2022.
Trước đó, chủng Delta là chủng virus chiếm ưu thế tại Việt Nam và thế giới vào năm 2021, sau đó chủng Omicron dần lưu hành chính bởi khả năng lây nhiễm nhanh hơn và độc lực nhẹ hơn. Từ cuối năm 2021 đến nay, Omicron liên tục xuất hiện nhiều biến chủng phụ và cả thế hệ thứ hai, thứ ba của chủng phụ. XBB là biến chủng phụ mới nhất của Omicron.
Như vậy, với sự xuất hiện của XBB, nhiều khả năng thời gian tới biến chủng mới này sẽ chiếm ưu thế lây nhiễm.
Dựa vào tình hình COVID-19 ghi nhận trong thời gian vừa qua cũng như kết quả điều tra huyết thanh vào tháng 9 trên địa bàn TP cho thấy tình hình COVID-19 của TP đang được kiểm soát tốt. Qua đó thể hiện vai trò của vắc xin COVID-19 trong việc bảo vệ ca bệnh nặng và tử vong.
Nằm trong các hoạt động phòng chống COVID-19 do Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo, trong thời gian sắp tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) sẽ tiếp tục tầm soát biến chủng của SARS-CoV-2 nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho chương trình ứng phó đại dịch COVID-19 của TP.HCM.
Hiện, Bộ Y tế chưa có dữ liệu giải trình tự gene virus để đánh giá biến chủng nCoV đang lưu hành trên phạm vi cả nước.
Làn sóng người Trung Quốc du lịch châu Á sau dỡ bỏ kiểm soát dịch Covid-19Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất