26/03/2011 11:09 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH) - Đã tròn 35 năm, các CĐV xứ Wales vẫn không biết đến hương vị của ngày hội lớn trên cựu lục địa. Ước mơ ấy đang ngày một xa hơn, khi đội bóng của Gary Speed đang đứng bét bảng ở vòng loại Euro sau 3 trận toàn thua. Thật trớ trêu khi giờ đây, họ lại phải đối mặt với người anh em quá đỗi hùng mạnh và nguy hiểm. Huynh đệ tương tàn, thù thêm chồng chất!
Xứ Wales thua cả 3 trận đã đấu ở VL EURO 2012-Ảnh Getty |
Đây mới chỉ là lần đầu tiên, Capello dẫn dắt Tam sư đối đầu với một đối thủ thuộc Vương quốc Anh. Nhưng trong tâm khảm mọi CĐV vùng hải đảo Tây Bắc châu Âu này, trận chiến ấy đã quá quen thuộc và trở nên bất tử! Ở đó, người ta không nói về một trận derby thù địch hay một cuộc so tài giữa những ngôi sao giải Ngoại hạng. Đơn giản, xứ Wales – Anh luôn là cuộc đấu của danh dự và niềm kiêu hãnh sắc tộc vô cùng rắc rối và khó hiểu. Trận chiến của những người đàn ông.
Không cần phải nói nhiều tới khoảng cách vời vợi giữa 2 phía nữa. Ai cũng hiểu, trong khi Tam sư là ứng cử viên nặng ký ở mọi giải đấu, thì xứ Wales chỉ là một góc khuất giản dị và mơ hồ trên bản đồ bóng đá. Không có Premier League, những tài năng của xứ công quốc lớn nhất thế giới có lẽ sẽ chẳng ai biết đến. Nhưng bên cạnh sự biết ơn và phần nào lệ thuộc (từ chính trị, luật pháp cho đến thể thao), người xứ Wales luôn thể hiện sự tự tôn dân tộc rất cao khi đứng trước người Anh ở mọi đấu trường. Cảnh tượng 70.000 khán giả la hét một thứ ngôn ngữ xa lạ tại Cardiff trong trận thua Anh 0-1 hồi năm 2005 đã nói lên điều đó. Hệt như truyền thuyết về Hoàng tử Edward ở thế kỷ 14, người đã từng tuyên bố sẽ chỉ truyền ngôi cho ai sinh ra ở xứ Wales, nhưng không nói được một chữ tiếng Anh nào (?!).
Một bầu không khí rực lửa đang chờ đợi thầy trò Capello ở Thiên Niên Kỷ. Đó có thể là nơi không mấy xa lạ với các cầu thủ Anh, nhưng cũng chưa từng gần gũi với họ khi tới đây với màu áo trắng. Đó sẽ là rào cản lớn nhất dành cho những ngôi sao xứ sương mù. Họ mang trên vai gánh nặng chiến thắng để đòi lại ngôi đầu bảng từ Montenegro. Còn với xứ Wales, họ chẳng có gì để mất ngoài nhiệm vụ... tử chiến bằng tất cả sức lực của mình. Như những gì ông cha họ đã làm trong những cuộc nổi dậy bất thành trong quá khứ. Thất bại, nhưng vẫn được xem là những người anh hùng dân tộc. Rõ là quá đủ để cháy hết mình trong 90 phút. Và... thế thôi.
* Cánh buồm Tam sư
Trong các trận chiến với những người anh em thuộc Vương quốc Anh, đội bóng 3 con Sư tử dĩ nhiên luôn chiếm hoàn toàn ưu thế. Sau 144 trận đối đầu với cả Scotland, Bắc Ailen và Wales, tuyển Anh thắng tới 68 trận. Riêng với Wales, trong 12 lần gặp gỡ, họ cũng thắng tới 7 trận. Không ai ngạc nhiên vì những con số ấy. Người xứ Wales luôn nhắc tới vùng biển Chết ở phía Tây Nam, nơi đã từng có 114 con thuyền bị đánh đắm đồng loạt chỉ sau 1 cơn bão Đại Tây Dương. Nhưng người láng giềng của họ lại nói rằng, những cánh buồm Anh quốc chưa bao giờ bị chìm ở đó.
Không ai biết đó có phải sự thật hay không. Nhưng chắc chắn, khi Joe Cole ghi bàn duy nhất giúp Tam sư đánh bại đội chủ sân Thiên Niên Kỷ để giành vé vào VCK World Cup 2006, công lý của kẻ mạnh đã được thực thi. Với những ngôi sao vượt trội, lối chơi tương đồng nhưng ở đẳng cấp cao hơn hẳn, tuyển Anh ở một thế giới hoàn toàn khác so với xứ Wales. Lúc này, dưới tay một Capello thực dụng và lão luyện, khẳng định ấy lại càng có cơ sở.
Trước trận đấu, người ta đã lo lắng đôi chút về chiến thuật hay đội hình mà Don Fabio đang tính toán. Nhưng thực tế, điều đó có bao nhiêu ý nghĩa cho một trận đấu kiểu này? Ai cũng hiểu, đối thủ lớn nhất của người Anh vẫn là chính họ. Những lục đục nội bộ về suất đá chính hay những so đo kèn cựa về chiếc băng đội trưởng có thể là chuyện quá nhỏ nhặt, nhưng cũng có thể là mầm mống cho một thảm họa. Sau trận hòa nhạt nhẽo ở Wembley trước Montenegro hồi tháng 10 năm ngoái, các fan của Tam sư sẽ khó chấp nhận một kết quả tệ nữa ở Cardiff. Nhưng thú thật, tôi lại rất tin điều đó sẽ xảy. Gareth Bale không đá ư? Xứ Wales có anh ta hay không cũng vậy thôi. Thứ vũ khí quan trọng nhất của họ nằm ở Millennium, kiệt tác đa năng có diện tích lớn thứ 2 thế giới luôn ầm ào những thanh âm thù địch từ gần 8 vạn khán giả. Cẩn thận nhé, Tam sư!
Lực lượng Xứ Wales: Bale vắng mặt. James Collins sẵn sàng sau 1 chấn thương nhẹ. Collison, Edwards và Earnshaw đều không kịp trở lại. Anh: Gerrard, Rio Ferdinand và Dawson chấn thương. Foster rời đội, Carson lên thay. Đội hình dự kiến Xứ Wales: Hennessey; Eardley, J Collins, Williams, Gunter; Crofts, Ramsey, Ledley, Vaughan; Bellamy, Morison. Anh: Hart; Johnson, Terry, Lescott, Cole; Lennon, Lampard, Wilshere, Young; Carroll, Rooney. 35 Bất chấp sở hữu những ngôi sao có tiếng, Xứ Wales đã vắng mặt ở VCK EURO suốt 35 năm nay. EURO 1976, giải đấu mà Wales lọt vào tứ kết cũng là lần duy nhất họ tham dự ngày hội lớn của châu lục. 66 Lampard đá chính ở 66 trong 69 trận gần nhất của tuyển Anh khi anh không chấn thương. 84 Số trận khoác áo tuyển Anh của Lampard, chỉ kém Ashley Cole (87 trận) và Steven Gerrard (89 trận) trong số các tuyển thủ Anh hiện giờ. Anh cũng đã ghi được 20 bàn. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất