Người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép: Cần chấn chỉnh mạnh tay

11/03/2016 10:00 GMT+7 | Bạn đọc viết

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, ngày 9/3/2016, Tổng Cục Du lịch Việt Nam đã có công văn gửi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của cả nước về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch trái phép của người nước ngoài tại Việt Nam.

Qua đó, Tổng Cục Du lịch đã yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ để tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch có yếu tố nước ngoài nghi núp bóng người Việt Nam để hoạt động và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm qui định của pháp luật.

Người nước ngoài tổ chức du lịch “chui”

Công văn trên xuất phát từ tình hình thực tế các Sở Du lịch báo cáo thời gian gần đây xuất hiện tình trạng người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc) lợi dụng vào Việt Nam du lịch để tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế trái phép, trốn thuế, gây mất an ninh trật tự, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Trong công văn nêu rõ, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, Khánh Hòa phối hợp với lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra đã phát hiện và xử lý (phạt tiền 17,5-20 triệu đồng/ trường hợp, hủy thị thực, buộc xuất cảnh trước thời hạn) đối với 2 công dân Trung Quốc, 13 công dân Hàn Quốc.


Du khách Nhật Bản thăm cồn Thới Sơn

Những đối tượng này đã vào Việt Nam du lịch rồi cấu kết với một số doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam tổ chức kinh doanh du lịch, hướng dẫn du lịch trái phép.

Câu chuyện này thật ra không mới, nó đã xảy ra trong nhiều năm gần đây ở một số địa phương. Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép.

Đó là trường hợp một người Malaysia tự tổ chức lữ hành quốc tế trái phép; Công ty Chân Trời Xanh (quận Tân Phú) đã tổ chức tour cho đoàn 400 khách quốc tịch Malaysia; 1 công ty của người Hàn Quốc “núp bóng” sau khi bị kiểm tra đã giải thể doanh nghiệp và Công ty TNHH Đầu tư phát triển Du lịch HTD Sài Gòn (quận 1).

Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Tính đến ngày 30/7/2015, Thanh tra Sở đã ban hành 89 quyết định xử phạt, trong đó có 30 quyết định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân hoạt động lữ hành… Ngoài ra, còn một số hành vi mà doanh nghiệp thường vi phạm, như: hồ sơ tour không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định; hướng dẫn viên không có thẻ, thẻ hết hạn hoặc không đeo thẻ…”.

Theo giám đốc một công ty lữ hành tại Đà Nẵng, một số doanh nghiệp hoạt động lữ hành, du lịch có phép nhưng không minh bạch trong kinh doanh và một số cá nhân người nước ngoài sang Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch, sau đó tổ chức hoạt động hướng dẫn viên du lịch không phép. Điều này đã làm môi trường kinh doanh không lành mạnh với doanh nghiệp đàng hoàng, vì doanh nghiệp Hàn Quốc bán giá tour rất rẻ tại Hàn Quốc, nhưng thu lại từ các dịch vụ điểm đến, sẽ rất nguy hại khi Đà Nẵng mang tiếng là điểm đến đắt đỏ.

Không quản lý - thiệt đơn thiệt kép

Mấy năm gần đây Việt Nam đã miễn visa cho 6 thị trường Nhật Bản, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga, Phần Lan. Theo tính toán, qui định này khiến phía Việt Nam mất khoảng 50 triệu USD, nhưng bù lại du khách đến Việt Nam sẽ sử dụng các dịch vụ trong nước, góp phần phát tiển khu vực kinh tế này. Thế nhưng, các du khách đến từ Nga, Nhật, Hàn vào Việt Nam qua các tour du lịch “chui” như thế họ thường sử dụng dịch vụ trọn gói do người của họ cung cấp khiến Việt Nam mang tiếng đắt đỏ.

Trong một phát ngôn của ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội lữ hành thành phố Đà Nẵng, chỉ rõ: "Đơn cử một hộp nhàu giá nhập chỉ 6 USD, nhưng các đối tác lữ hành Hàn Quốc tự mở cửa hàng bán đồ đặc sản cho khách Hàn Quốc và thu cao gấp nhiều lần. Hay, một chuyến xích lô thông thường 5 USD thì họ thu của khách 30 USD…". Như vậy, hình ảnh Đà Nẵng trở nên xấu xí khi du khách quốc tế muốn đến Việt Nam tham khảo bảng giá này. Đã vậy, nhà nước cũng khó thu được thuế với các hoạt động chui của họ.

Thực tế hiện nay du khách Hàn quốc đến Đà Nẵng tăng rất nhanh, năm sau cao gấp đôi năm trước, và năm 2015 đón khoảng 300.000 lượt khách. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng hiện chỉ có 11 hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn, không đủ phục vụ khách du lịch, do đó xuất hiện tình trạng người Hàn Quốc đến Đà Nẵng bằng hộ chiếu du lịch, sau đó móc nối để hoạt động như một hướng dẫn viên du lịch.

Như vậy, tăng cường công tác quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, khu tuyến điểm du lịch nhằm khắc phục các yếu kém và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững là việc cần phải làm ngay.

Văn Minh Hoa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm