Donald Trump không phải sao truyền hình duy nhất làm chính trị

12/11/2016 07:08 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đã 18 tháng kể từ khi tỷ phú 70 tuổi và vợ ông, Melania, bước xuống cầu thang của tòa tháp Trump Tower nổi tiếng ở New York và thông báo về quyết định chạy đua vào Nhà Trắng: "Thưa quý vị, tôi chính thức chạy đua cho chức Tổng thống Hoa Kỳ".

Ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ, người được biết đến nhiều nhất với vai trò dẫn show The Apprentice (Nhân viên tập sự) với câu nói bất hủ “Anh bị đuổi việc” tuyên bố.

Từ đây, tỉ phú kiêm ông trùm truyền thông và ngôi sao truyền hình, chính thức bước vào cuộc đua với các chính trị gia khác dù chưa từng giữ chức vụ nào trong chính quyền nước này.

Và điều bất ngờ, như yếu tố tất yếu trong các show truyền hình thực tế, đã xảy ra: Ông Donald Trump chiến thắng áp đảo đối thủ dày dạn kinh nghiệm chính trị Hillary Clinton và đắc cử chức Tổng thống Mỹ thứ 45.

Donald Trump là ngôi sao truyền hình thực tế thành công nhất trên con đường chính trị Mỹ, nhưng hoàn toàn không phải người duy nhất.

Kẻ thắng người thua khi tranh cử cùng đợt với ông Trump

Đại biểu đảng Cộng hòa Sean Duffy, người trước đây từng nổi tiếng khi tham gia The Real World: Boston (Thế giới thực: Boston) của kênh MTV (với nội dung để những người lạ mặt cùng chung sống trong một thời gian) và một số chương trình thực tế khác như Road Rules: All Stars (Quy luật đường phố: Những ngôi sao)Challenge (Thử thách), cũng chiến thắng trong kỳ bầu cử hôm 8/11. Đây là thứ 4 Duffy trúng cử vào Hạ viện Mỹ (đại diện bang Wisconsin).


Ngôi sao truyền hình thực tế một thời Sean Duffy (phải) và Laura Morett

Trong khi đó, Laura Morett, người từng tham gia show truyền hình thực tế Survivor: Samoa (Sinh tồn: Samoa)Survivor: Blood vs Water (Sinh tồn: Máu và nước), đã bị đánh bại cũng trong đợt bầu cử hồi tuần này khi chạy đua cho ghế đại biểu bang Oregon.

Cô thua dưới tay đại diện đảng Dân chủ Paul Evans.

Jesse Ventura - Chính khách “văn võ song toàn”

Jesse Ventura, sinh năm 1951, là một nhân vật khá toàn tài. Ông được biết tới với những vai trò ít liên quan tới nhau, từ chính khách Mỹ, đô vật chuyên nghiệp hay một cựu binh của Hải quân Hoa Kỳ, bên cạnh các hoạt động diễn xuất và dẫn chương trình trò chuyện trên truyền hình và đài phát thanh.


Jesse Ventura vẫn ăn mặc phong cách "đô vật" trong một buổi lễ ăn mừng sau khi đắc cử chức Thống đốc Minnesota

Ventura từng giữ chức Thị trưởng thành phố Brooklyn Park, Minnesota, từ năm 1991-1995, trước khi được được bầu là Thống đốc bang Minnesota vào năm 1998.

Ông là chính khách nhận được số phiếu tín nhiệm cao nhất (hơn 70%) trong lịch sử bang này, theo kết quả một cuộc thăm dò năm 1999. Dù vậy, một thời gian sau, Ventura không còn được lòng người dân ban Minnesota, phần vì tình hình kinh tế khu vực này đi xuống.

Lấy lý do cuộc sống riêng bị truyền thông để ý quá mức, chính trị gia này quyết định không tái tranh cử lần hai trong cuộc chạy đua năm 2002.

Những ngôi sao truyền hình thực tế không có duyên với chính trị Mỹ

Clay Aiken, Kevin Powell và Thomas Ravenel là những cái tên nổi bật nhất trong danh sách này.

Năm 1992, Powell xuất hiện trên The Real World (Thế giới thực) mùa đầu tiên, một trong những chương trình truyền hình thực tế kéo dài nhất trong lịch sử.

14 năm sau, từ New York, ông khởi động chiến dịch chạy đua vào Hạ viện Mỹ nhưng thất bại. Dù không nản chí và đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu thêm 2 lần nữa, vào năm 2008 và 2010, nhưng Powell vẫn không thể lật đổ chiếc ghế mà Hạ nghị sĩ đương nhiệm lâu năm Ed Towns đang ngồi.


Clay Aiken, Kevin Powell và Thomas Ravenel (từ trái qua)

Tương tự như Powell, Clay Aiken, Á quân của chương trình tìm kiếm tài năm âm nhạc American Idol mùa 2 (năm 2003), cũng gặp phải thất bại khi thử sức trên vũ đài chính trị.

Ông đã không để giành chiến thắng khi đại diện cho đảng Dân chủ để tranh một ghế ở Thượng viện (đại diện bang Bắc Carolina) vào năm 2014. Thượng nghị sĩ đương nhiệm, đại diện của đảng Cộng hòa Renee Ellmers,vẫn duy trì được chỗ ngồi của mình.

Về phần mình, Thomas Ravenel, một trong những ngôi sao của Southern Charm, chương trình truyền hình thực tế khám phá khía cạnh văn hóa cũng như lịch sử của miền Nam nước Mỹ, cũng có ý định tham gia chính giới nhưng bất thành. Năm 2014, Ravenel tuyên bố độc lập chạy đua vào Thượng viện, chống lại đại diện kì cựu của đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ Lindsey Graham.

Tuy nhiên, phần thua thuộc về ngôi sao truyền hình thực tế.

Duy An (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm