25/04/2024 07:14 GMT+7 | Văn hoá
Theo nghiên cứu mới đây, những nghi vấn về Shakespeare đã bắt đầu lúc nhà viết kịch vĩ đại còn sống. Một số nhà văn thế kỷ XVI tin rằng "Shakespeare" thật ra là bút danh của Edward de Vere - bá tước thứ 17 của Oxford.
Trước đây, các học giả thường nói rằng: Tới thế kỷ XIX, vấn đề quyền tác giả của Shakespeare mới bị đặt ra và do đó không đáng tin. Thế nhưng, sự thật có thể khác.
Bí ẩn trong sách xưa
Nghiên cứu học thuật mới đây chỉ ra rằng, những nghi ngờ về quyền tác giả của Shakespeare lần đầu tiên xuất hiện ngay từ khi ông còn sống, trong cuốn sách Palladis Tamia, Wits Treasury của nhà thần học Francis Meres, xuất bản năm 1598.
Roger Stritmatter, giáo sư tại Đại học bang Coppin, người đã dành nhiều năm nghiên cứu cuốn sách của Meres, lập luận rằng nhà thần học này khẳng định "Shakespeare" là bút danh của Edward de Vere, bá tước thứ 17 của Oxford.
Nghiên cứu của Stritmatter vừa được công bố trên tạp chí học thuật Critical Survey. Graham Holderness, học giả Shakespeare và là biên tập viên tại tạp chí, lo ngại rằng, việc ngừng tranh luận về quyền tác giả sẽ gây nguy hiểm cho quyền tự do học thuật. "Đã có những người hâm mộ cuồng nhiệt Shakespeare so sánh sự hoài nghi về quyền tác giả của thiên tài này với các thuyết âm mưu của những người thù địch với vaccine hoặc phủ nhận hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo tôi, điều đó hoàn toàn sai lầm".
Palladis Tamia, Wits Treasury là một "cuốn sách thông thường" gồm những trình bày và so sánh. Nó từ lâu đã được các học giả biết đến như một văn bản thiết yếu trong nghiên cứu về Shakespeare.
Trong một chương có tựa đề "Diễn ngôn so sánh các nhà thơ Anh của chúng ta với các nhà thơ Hy Lạp, Latin và Italy", Meres viết: "Như linh hồn của Euphorbus (anh hùng Hy Lạp) được cho là sống trong Pythagoras (triết gia Hy Lạp), thì tâm hồn ngọt ngào, hóm hỉnh của Ovid (nhà thơ La Mã) cũng sống trong một Shakespeare đầy mật ngọt".
Meres nhắc đến Shakespeare 9 lần, ca ngợi ông trong tư cách một nhà thơ, nhà viết kịch và liệt kê 12 vở kịch của ông.
Trong khi một số học giả coi Meres là "người sao chép đơn thuần", chuyên về biên soạn các danh sách, thì những người khác lại tin rằng công việc của ông quan trọng hơn. Học giả Don Cameron Allen đã viết vào năm 1933 rằng, Meres có thể đang đi theo một loại "công thức phê bình" nào đó.
Trong bài viết của mình, giáo sư Stritmatter nhận xét rằng Meres đã giữ vững sự đối xứng trong các so sánh của mình - ví dụ, đặt 8 nhà văn Hy Lạp bên cạnh 8 nhà văn Latin nhà văn và 8 nhà văn người Anh.
Trong các danh sách khác, một số ít có vẻ không trực tiếp nhưng vẫn ẩn giấu sự đối xứng. Chẳng hạn, 6 nhà thơ trào phúng thời xưa được so sánh với 5 tác giả hiện đại - Heywood, Drant, Kendal, Bastard, Davies và khiến trông có vẻ như bất đối xứng. Tuy nhiên, sau đó, người ta nhận ra rằng tác giả "Davies" có thể đại diện cho 2 người: John Davies xứ Hereford và John Davies, cả 2 đều nổi tiếng là những nhà thơ trào phúng.
"Về cơ bản, nó là một cuốn sách giải đố logic" - theo Stritmatter - "Khi các danh sách không đối xứng thì hẳn sẽ có lý do".
Bởi vậy, nhiều người quan tâm tới một sự mất cân bằng khác xuất hiện trong danh sách các nhà viết hài kịch. Ở đó, 16 nhà văn cổ đại đối đầu với 17 nhà văn người Anh, trong đó có bá tước Oxford và Shakespeare. Câu hỏi được đặt ra: "Nếu một cái tên (Davies) có thể đại diện cho 2 người, vậy 2 cái tên có thể chỉ cùng 1 người không?".
Sự tương đồng giữa cuộc đời của Oxford và các vở kịch của Shakespeare là "cực kỳ lạ lùng và độc đáo" - tác giả Thomas Looney.
Những dẫn chứng
Dựa trên cách sắp xếp phổ biến trong sách, Stritmatter lưu ý rằng thứ tự tên trong danh sách của Meres thường sắp xếp theo cặp nhà văn thời xưa với tác giả người Anh tương ứng với mình. Chẳng hạn, đó là Plautus và Anthony Munday viết hài kịch về những người lính khoác lác; là Archippus Atheniensis và Thomas Nashe đã viết những bài châm biếm liên quan đến cá.
Theo thứ tự trong sách, cái tên Aristonymus xuất hiện bên phía các nhà văn thời xưa và được cho là xếp theo cặp cùng Shakespeare. Đáng nói, không có gì được biết về Aristonymus, ngoại trừ tên của ông có nghĩa là "tên quý tộc". Bá tước Oxford, người không liên kết với ai, lại là cái tên quý tộc duy nhất trong danh sách.
Tại sao Aristonymus lại liên kết với Shakespeare? Stritmatter lập luận rằng sự liên kết của "Shakespeare" với "cái tên quý tộc" này ám chỉ nhà viết kịch người Anh chính là… Oxford. "Có thể kết luận rằng Francis Meres sử dụng cái tên "Aristonymus" làm dấu hiệu trung gian để nói rằng Shakespeare chính là Oxford".
"Tôi có hơi nghi ngờ, nhưng lập luận của Stritmatter về vấn đề này có vẻ đúng" - theo học giả Ros Barber, người dạy về Shakespeare ở Đại học London - "Bài viết của Stritmatter không chứng minh rằng bá tước Oxford đã viết các vở kịch, nhưng nó lập luận khá chắc chắn rằng Meres tin rằng Oxford đã làm vậy. Với sự phổ biến của việc xuất bản ẩn danh hoặc dùng bút danh vào những năm 1590, cũng như sự nguy hiểm của việc xuất bản những thứ khiến chính quyền khó chịu, không có gì đáng ngạc nhiên khi Meres tin vào điều này, và chọn một cách bí mật để thể hiện nó".
Trong lịch sử, Edward de Vere, bá tước thứ 17 của Oxford, là một nhà quý tộc lập dị tại triều đình thời Elizabeth, được những người đương thời ca ngợi vì sự ham học và bảo trợ cho nghệ thuật. Mặc dù được nữ hoàng quý trọng nhưng ông lại nổi tiếng với nhiều vụ bê bối như đấu tay đôi với kẻ thù, mặc đồ giả trang, phung phí tài sản thừa kế của mình.
Nhà phê bình cùng thời với ông, Gabriel Harvey, đã nhiều lần đả kích và gọi Oxford là "một người đàn ông đồng bóng kỳ quặc". Đáng nói, mặc dù Oxford được ca ngợi là một nhà viết kịch nhưng không có vở kịch nào mang tên ông còn tồn tại. Năm 1589, nhà phê bình George Puttenham đã ghi lại một tin đồn rằng Oxford là một tay viết cự phách nhưng làm việc một cách bí mật.
Năm 1920, giáo viên người Anh J Thomas Looney đã xuất bản cuốn "Shakespeare" Identified in Edward de Vere, the Seventeenth Earl of Oxford. Theo quan điểm của Looney, sự tương đồng giữa cuộc đời của Oxford và các vở kịch của Shakespeare, "cực kỳ lạ lùng và độc đáo", tới mức có "một niềm tin rất mạnh mẽ rằng các vở kịch của Shakespeare là những vở kịch đã bị thất lạc của bá tước Oxford".
Trong một thế kỷ qua, giả thiết này đã thu hút được nhiều người ủng hộ, trong đó có nhà phân tâm học Sigmund Freud; nhà sử học đoạt giải Pulitzer David McCullough; nhà vật lý đoạt giải Nobel Roger Penrose; chiến lược gia quân sự Paul Nitze; các diễn viên Derek Jacobi, Jeremy Irons và Mark Rylance; và một số thẩm phán của tòa án tối cao Mỹ…
Giáo sư Stritmatter gợi ý rằng Oxford xuất bản tác phẩm dưới tên người khác vì sự kỳ thị của xã hội liên quan đến việc giới quý tộc viết kịch bản cho sân khấu và xuất bản các vở kịch. "Thật là nực cười khi những lãnh chúa lại đi in thơ" - luật gia thời Phục hưng John Selden đã viết - "Tự làm mình hài lòng là đủ rồi, nhưng công khai thì thật là ngu ngốc".
Còn Alan Nelson, giáo sư danh dự tại Đại học California và là tác giả của cuốn sách Monstrous Adversary: The Life of Edward de Vere, 17th Earl of Oxford là một trong những người không bị thuyết phục trước lập luận của Stritmatter. "Nó còn phụ thuộc vào việc bạn đánh giá thế nào về Meres"- ông nói - "Đối với tôi, cuốn sách không có lập luận gì sành sỏi thông thái cả. Chỉ là một danh sách đơn thuần".
Đôi nét về Shakespeare
William Shakespeare (26/4/1564 - 23/4/1616) là nhà soạn kịch, nhà thơ và diễn viên người Anh. Ông được nhiều người coi là tác giả viết tiếng Anh vĩ đại nhất và là nhà soạn kịch xuất sắc nhất trên thế giới. Các tác phẩm còn tồn tại của ông, bao gồm khoảng 39 vở kịch, 154 bài sonnet, 3 bài tường thuật thơ dài và một số đoạn thơ khác...
Các vở kịch của Shakespeare đã được dịch sang mọi ngôn ngữ phổ biến và được trình diễn thường xuyên hơn bất kì nhà soạn kịch nào. Ông cũng được coi là tác giả viết tiếng Anh có ảnh hưởng nhất khi các tác phẩm của mình vẫn tiếp tục được nghiên cứu và diễn giải lại.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất