20/12/2021 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Người Thái có câu: “Không xòe, không tốt lúa/ Không xòe, thóc cạn bồ/ Không xòe, hoa sẽ tàn héo/ Không xòe, trai gái không thành đôi”, đủ để thấy xòe đã chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Thái ở Việt Nam. Xòe Thái được biết đến là vũ điệu dân gian đặc sắc, chứa đựng giá trị về nhiều mặt văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của người Thái ở Việt Nam.
Mới đây, Nghệ thuật Xòe Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để hiểu rõ hơn về những nét đặc sắc và giá trị nổi bật của Xòe Thái, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
* Được biết, ông là một chuyên gia thực địa có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc, đặc biệt ở mảng văn nghệ dân gian của đồng bào các dân tộc vùng cao. Xin ông cho biết đôi nét về cội nguồn của Xòe Thái?
- Cội nguồn của Xòe Thái trước hết phải nói đến dạng cổ xưa nhất là xòe vòng. Xòe vòng tức là một vòng người cầm tay nhau múa theo nhịp 2/4 trong tiếng trống, tiếng chiêng. Xòe vòng rất dễ múa, ai cũng có thể múa. Người Thái xòe vòng vào những ngày vui khi mừng nhà mới, mừng ngày cưới. Thậm chí, khi tôi đi điền dã còn chứng kiến vào những buổi chiều đi làm về, người Thái hễ vui là tất cả cầm tay nhau xòe. Ở khía cạnh này xòe mang tính cộng đồng cao.
Dạng Xòe Thái thứ 2 là khi xòe “gia nhập” vào tín ngưỡng. Trong đó, nổi bật nhất là xòe trong nghi lễ Kin Pang Then. Trong nghi lễ Kin Pang Then có điểm nhấn là các điệu xòe như Chầu pô (Chầu vua), Nhụm hơ (Đẩy thuyền) Quát bók héo (Quét hoa tàn) v.v… Các điệu xòe này được nâng lên thành múa tín ngưỡng là kết quả sáng tạo của các thầy Then. Ở góc độ này, xòe như một điệu múa thiêng. Xòe thiêng trong nghi lễ của người Thái không còn là điệu múa của người thường, mà trở thành điệu múa với thần linh. Ngoài Kin Pang Then, xòe còn xuất hiện ở một số nghi lễ khác của người Thái.
Ngoài 2 loại là xòe vòng trong sinh hoạt và xòe trong nghi lễ, còn có loại xòe thứ 3 là xòe biểu diễn. Loại xòe này xuất hiện ở các vùng Pháp thuộc vào đầu thế kỷ 20, được các nhà biên đạo đúc kết từ các điệu xòe truyền thống và “giao lưu văn hóa” với một số điệu vũ của người Pháp (phổ biến là điệu valse) và múa dân gian của một số dân tộc khác như Tày, Lào, Lự, Hà Nhì v.v… để cấu thành những điệu xòe mới. Thời điểm bấy giờ, những điệu xòe mới phát triển rất mạnh.
* Cụ thể, những điệu xòe mới là kết quả của “giao lưu văn hóa” phát triển mạnh ra sao, thưa ông?
- Những điệu xòe mới được phát triển trở thành các tổ chức xòe, xòe không còn đơn thuần là điệu múa trong cộng đồng dân gian. Cụ thể, các chúa đất, thổ ty nuôi một đội quân xòe, chọn các cô gái từ 12 đến 14 tuổi để tập trung khi nông nhàn. Những cô gái xòe này được nuôi ăn tập thể, sau đó được tập luyện bởi các đội ngũ thầy dạy xòe là các nghệ nhân. Một đội xòe thường có 8 cô gái, 1 ông trùm tổ chức, 1 nghệ nhân nam sáng tạo các điệu xòe và 1 nghệ nhân nữ thực hành và truyền dạy xòe.
Nhờ mô hình này mà xòe phát triển khắp vùng Tây Bắc. Ban đầu xòe phát triển ở các vùng Mường Lay, Mường So, Quỳnh Nhai, sau đó lan sang các vùng khác. Ngay cả các thổ ty ở Lào Cai không phải người Thái nhưng cũng ảnh hưởng và thành lập các đội xòe. Ví dụ ở Bắc Hà cũng xây dựng các đội xòe riêng, có xòe khăn, xòe cờ, xòe đón quan v.v… Hay người Giáy ở Mường Hum (Bát Xát) cũng có đội xòe và họ cũng hoạt động với mô hình xòe phổ biến.
Cũng cần nói thêm, các tổ chức xòe được lập ra bởi các chúa đất, thổ ty mang tính chất khuyến khích thực hành xòe rất cao. Cụ thể, ở Mường Lay, chúa đất thậm chí cấp ruộng cho gái xòe. Hay như ở Mường So là nuôi gái xòe. Nhờ các hình thức khuyến khích này mà xòe được phát triển đến tận ngày nay.
Nhìn chung, do “giao lưu văn hóa” với một số điệu vũ quốc tế và múa dân gian của một số dân tộc cận cư vào đầu thế kỷ 20, xòe đã phát triển lên thành xòe biểu diễn. Sự pha trộn về động tác, âm nhạc và biểu diễn cùng các đạo cụ đã nảy sinh ra nhiều điệu xòe nổi tiếng ở thời điểm hiện tại như xòe nón, xòe khăn, xòe quạt v.v... Đây có thể coi là sản phẩm của giao lưu văn hóa, là quá trình tái sáng tạo của người Thái trong thực hành xòe.
(Còn tiếp)
Công Bắc (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất