21/12/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Xòe Thái không mang tính chất hùng dũng, không pha các điệu múa võ như người Mông. Xòe Thái cũng không thử thách ghê gớm như nhảy qua lửa theo kiểu của người Dao. Vậy đâu là sức hút của nó?
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tiếp tục câu chuyện với TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, về nghệ thuật Xòe Thái.
* Là điệu múa truyền thống đặc trưng của người Thái ở Việt Nam, theo ông đâu là những nét đặc sắc nhất của Xòe Thái so với các loại hình dân vũ của các tộc người khác?
- Điều này cần xem xét từ tính cách của người Thái tại Việt Nam. Là cư dân làm ruộng nước nên tính cách của người Thái hiền dịu, nhẹ nhàng, uyển chuyển. Tất cả những tính cách này mang dấu ấn của văn hóa lúa nước rất hợp với sự nhịp nhàng, mềm mại của động tác xòe.
Hơn nữa, người Thái còn có tính cách giao lưu văn hóa rộng. Trước đây, người Thái chỉ làm nông nghiệp một vụ. Kể từ tháng 10 âm cho đến Tết sau khi thu hoạch nông sản, người Thái chỉ có làm nhà mới, mừng cưới, hát vui và xòe. Người Thái có điều kiện nông nhàn để thực hành xòe nên tất cả các sinh hoạt đều liên quan đến xòe.
Đặc biệt, xòe được nâng lên thành một nghi lễ múa thiêng trong thực hành tính ngưỡng của người Thái. Ở khía cạnh này, xòe có sự xuất thần và thăng hoa của người nghệ nhân. Xòe gắn với tín ngưỡng mang tính thiêng là một nét đặc sắc nổi bật.
* Vậy giá trị của xòe Thái trong biểu hiện thế giới quan của người Thái thông qua các hoạt động nghi lễ thì sao, thưa ông?
- Không chỉ quan niệm con người có hồn, người Thái còn cho rằng mọi vật quanh mình đều có linh hồn, trên cây đều có các linh hồn trú ngụ. Minh chứng rõ nét có thể thấy qua biểu tượng cây pang xuất hiện ở vị trí trung tâm của nghi lễ Kin Pang Then được xem là nơi giữ hồn những người tham gia lễ.
Trong các nghi lễ, người Thái mời các vị Then trong hệ thống thần linh từ Then Luông (đấng tối cao) đến tất cả các vị Then khác. Hệ thống các vị Then này biểu hiện thế giới thần linh phản ánh thế giới quan của người Thái. Chính thế giới quan đó, tác động rất mạnh đến không gian, môi trường của thực hành xòe. Xòe Thái trong tín ngưỡng từ đó được gắn với thế giới quan tâm linh, trở thành một điệu múa thiêng.
* Đặc điểm dễ nhận diện nhất của Xoè Thái là một vòng tròn không phân biệt nam nữ, già trẻ cùng hòa theo tiếng trống, chiêng. Theo ông, vòng xòe này mang ý nghĩa gì?
- Về bản làng người Thái, khi nổi xòe lên không ai bảo ai, tất cả đều cầm tay và đi thành vòng tròn theo chiều chuyển động của mặt trời (ngược chiều kim đồng hồ). Đội hình vòng tròn của xòe Thái mang tính chất bình đẳng. Tính bình đẳng của đội hình vòng tròn Xòe Thái rất quan trọng. Đã vào xòe ai cũng có thể nắm tay, nam nắm tay nữ, già nắm tay trẻ, và đặc biệt khách lạ cũng nắm tay, tất cả đều như nhau và không có sự phân biệt.
* Là người có nhiều năm điền dã tại vùng cao, ông thấy cộng đồng người Thái đang thực hành xòe ra sao?
- Tại các làng của người Thái Tây Bắc, đứa trẻ lên 10, lên 12 đã đam mê xòe. Ở các các vùng trung tâm của xòe, xòe cộng đồng phát triển, ai đến làng đều xòe, bất cứ buổi biểu diễn văn nghệ, sự kiện nào của cộng đồng hay gia đình đều có xòe. Mọi hoạt động vui chơi, đón khách đều có xòe. Xòe là mở đầu, xòe cũng là kết thúc của các hoạt động sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái. Như thế, xòe đã thực sự thấm đẫm vào máu thịt của người Thái.
* Còn ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy xòe của cộng đồng người Thái thì sao?
- Ở các vùng xòe Thái, trẻ em gái từ 12 - 14 tuổi, thậm chí là 10 tuổi đã bắt đầu tập xòe. Khi trẻ em tham gia xòe được hưởng thụ sự truyền dạy, trước hết là sự truyền dạy của những người mẹ cho con. Sự truyền dạy trực tiếp cộng với không khí xòe sôi nổi, cộng với môi trường xòe phổ biến đã làm nên sự lớn mạnh, phát triển của xòe. Điều này cho thấy, sự truyền dạy và học tập xòe trong cộng đồng người Thái đã trở thành truyền thống. Xòe bởi thế mà được giữ gìn khá nguyên vẹn từ xưa cho đến nay. Thực tế này khác với nhiều loại hình di sản phi vật thể khác khi cần phải phục hồi, phục dựng hay bảo vệ khẩn cấp.
Trong tương lai, xòe sẽ còn tiếp tục được phát triển, nhất là khi các biên đạo múa sẽ sáng tạo các điệu múa mới, sử dụng xòe Thái làm chất liệu. Trước đó, đã có nhiều tác phẩm được giải cao trong các hội diễn, được đưa vào giáo trình giảng dạy tại các trường múa, từ đó giúp các giá trị tinh hoa của xòe Thái được phát triển sang một giai đoạn mới.
Tuy nhiên sự phát triển này có những trái chiều nhất định. Có ý kiến tại sao không giữ lấy vốn cổ mà cứ phải phát triển? Ý kiến khác lại cho rằng phát triển để tái sáng tạo. Theo tôi, cả hai quan niệm này đều đúng. Cái gì là cổ ta vẫn giữ đúng chất cổ. Còn để phát triển cần phải tái sáng tạo. Khi tái sáng tạo trở thành phong trào, trào lưu như đầu thế kỷ 20 sẽ tạo ra sự đột biến như một cuộc “cách mạng” của Xòe Thái.
* Việc được UNESCO vinh danh sẽ mang lại triển vọng gì cho Xòe Thái theo ông?
- Trước hết, đó là niềm tự hào của người Thái, cũng như sự tự hào của các dân tộc Việt Nam khi có thêm một di sản được ghi danh. Từ sự tự hào dẫn đến hành động, tôi tin rằng những trung tâm xòe của người Thái như Mường Lò, Mường La, Mường Lay, Phong Thổ,… và nhiều vùng khác sẽ phát triển xòe như một sinh hoạt thường nhật cho người dân. Xòe đã ở trong máu thịt của người Thái, và sẽ phát triển mạnh mẽ mà không cần đến các cuộc vận động để bảo vệ, phục hồi, phục dựng như nhiều di sản phi vật thể khác.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
(Còn tiếp)
Công Bắc (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất