Dự án “100 kiệt tác sân khấu VN và thế giới”: Ồn ào và... chết yểu?

04/07/2012 10:01 GMT+7 | Văn hoá

Với thời gian chờ duyệt kéo dài kỷ lục, dư luận đang hồ nghi, phải chăng, dự án có mức kinh phí bao cấp khổng lồ này đã… chết yểu?


Cảnh trong vở All My Sons

Có lẽ, trong lịch sử sân khấu Việt Nam, chưa dự án nào có số phận bảy nổi ba chìm như “100 kiệt tác sân khấu Việt Nam và thế giới”. Khởi nguồn từ nhà hát Tuổi Trẻ với tên gọi “100 kiệt tác sân khấu thế giới”, đề án nhanh chóng bị các đơn vị nghệ thuật trong cả nước phản ứng dữ dội. Và để trấn an dư luận, bộ Văn hoá – thể thao và du lịch đã giao dự án cho cục Nghệ thuật biểu diễn soạn thảo lại, với tên gọi mới, cùng tinh thần cũng rất mới: phân phối đều tác phẩm cho các nhà hát. Sau nhiều lần thu thập ý kiến của giới nghệ sĩ sân khấu, đúng thời điểm tuyên bố “chốt hạ” để trình lên bộ vào đầu năm 2009, dự án lại gây ra một cuộc tranh cãi liên quan đến cơ chế đầu tư “cào bằng” cùng yêu cầu về mật độ sáng đèn đủ khiến hầu hết các đơn vị nghệ thuật chào thua. Kể từ đó, người ta không nghe thấy thông tin gì mới về dự án.

Hai năm sau ngày trình bộ, nhắc đến dự án từng đảm nhận trọng trách xây dựng, nhà viết kịch bản Nguyễn Đăng Chương trầm ngâm: “Tôi không thấy bộ cho ý kiến, và không thấy ai quan tâm đến dự án nữa nên đành thôi”. Nguyên nhân của sự thờ ơ này được nhiều người phỏng đoán, một phần do tâm lý ngại dư luận, một phần do những người chịu trách nhiệm thẩm định dự án đã về hưu, hoặc chuyển sang bộ phận khác. Còn những người lên thay, thì hoặc là không nắm rõ dự án, hoặc là chẳng dại gì “nhúng tay”. Dự án được cả giới sân khấu chờ mong, được những người làm nghề đánh giá cao về ý nghĩa, hiệu quả đã chìm xuống như thế.

Điều thú vị, trong thời gian ấy, dạo một vòng quanh các khán phòng trong Nam ngoài Bắc cũng chỉ thấy có mỗi nhà hát Tuổi Trẻ, đơn vị đầu tiên khởi thảo dự án, là vẫn đều đặn ra mắt các tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới như: Brand, All My Sons… Sau này, nhà viết kịch bản Nguyễn Đăng Chương có lần chia sẻ: thực ra, chỉ có một số nhà hát đủ sức đảm đương các vở diễn lớn, đặc biệt là những vở kinh điển, đòi hỏi không những kinh phí đầu tư cao, mà còn có đội ngũ nghệ sĩ đông đảo và tài năng. Đi theo phân tích này, phải chăng, nếu có cơ hội sống lại, dự án nên do hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam làm đầu tàu, với những tác phẩm được lựa chọn từ kho tàng kịch bản của Việt Nam và thế giới, quy tụ diễn viên của nhiều nhà hát, như cách câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm (hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) vẫn thực hiện?

Xới lại một câu chuyện đã chìm vào quên lãng, một dự án đã có dấu hiệu chết yểu, vào thời điểm đang diễn ra liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2012 (từ ngày 1 – 31.7 tại Huế), xem chừng cũng hợp lý. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, liên hoan đón chào một tác phẩm dán mác ngoại – vở kịch All My Sons, nằm trong danh sách kiệt tác sân khấu thế giới, công diễn chào mừng.

Vậy, liệu đây có phải là tín hiệu để dự án 100 kiệt tác sẽ hồi sinh và trở thành món ăn tinh thần mà khán giả yêu kịch nói đang nóng lòng chờ đợi?

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm