Tuyệt kỹ của Leandro và chuyện “sao nội”

21/08/2010 12:08 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Ở thời điểm hiện tại, xét về mặt chuyên môn, không ai có thể được xếp ngang hàng với Leandro, cho dù đó là Lee Nguyễn, là Công Vinh, hay “cậu bé vàng” một thời Văn Quyến. Và nếu bớt đi được cái “tật” của mình, chắc hẳn cái “tài” của tiền vệ xứ Samba sẽ được nhiều đồng nghiệp đang thi đấu tại V-League “tôn” làm “đại ca”.

Vậy đối với các cầu thủ nội, liệu có cái tên nào sở hữu được một trong những phẩm chất “siêu Việt” mà Leandro đang có?



Leandro là cầu thủ sở hữu những phẩm chất kỹ thuật thuộc hàng số một
V-League. Ảnh: VSI


*Khả năng sút phạt

Leandro: Bất kể là điểm sút phạt ở bên trái hay chếch sang phải, ở xa hay gần cầu gôn, cứ hễ Leandro đứng trước bóng để chuẩn bị cú “kick-off” của mình là y như rằng từ hàng rào cho tới thủ môn đối phương đều toát lên vẻ mặt đầy lo sợ. Họ bất an không phải vì sợ trái bóng sẽ “găm” ở đâu đó trên cơ thể mình, mà lý do duy nhất chính là việc họ không thể biết Leandro sẽ thực hiện quả phạt đó theo ý đồ nào.

Nhờ sở hữu khả năng kỹ thuật cơ bản hoàn hảo nên những cú “xiết” bóng của Leandro luôn có lực và độ cuộn rất khó lường. Bên cạnh những pha “cứa” lòng sở trường ở cự ly gần, tiền vệ mang áo số 18 còn cho thấy sự đa dạng trong tình huống đá phạt của mình khi điểm đặt bóng cách xa cầu gôn, đó là những cú “nã đại bác” bằng mu lai má cực kỳ hiểm hóc, xuất phát từ những bước chạy đà hệt như một VĐV nhảy cao.

Cầu thủ Việt: Bóng đá VN ngày nay sản sinh ra không ít các tài năng sút phạt, nếu không tính các cầu thủ thuận chân phải, cũng có thể liệt kê ra rất nhiều cái tên đáng chú ý có khả năng đá phạt bằng “kèo” trái rất hay. Chẳng hạn như Thành Lương, Thanh Trung, Vũ Anh Tuấn, Được Em và Danh Ngọc…Trong số các chân sút kể trên, nếu là đá phạt ở cự ly gần và trung bình (khoảng 20m đổ lại), họ hoàn toàn có thể sánh ngang với Leandro về độ “xiết” bóng cũng như tính chính xác của quả đá phạt.

Tuy nhiên, nếu điểm đặt bóng rời xa khung thành hơn, đòi hỏi người đá phạt phải thay đổi cách đá từ kỹ thuật sang “nã đại bác”, thì tất cả cầu thủ VN phải “chào thua” Leandro. Đấy chính là một trong những điểm toàn diện và tạo ra sự khác biệt giữa Leandro và cầu thủ nội.

*Kỹ năng dứt điểm

Leandro: Sự đa dạng trong khâu dứt điểm chính là một trong những ưu điểm lớn nhất của cầu thủ này, dù là tình huống bóng chết hay bóng động, tầm thấp hay cao, Leandro luôn khiến các khán giả cũng như đồng nghiệp của mình phải bất ngờ. Đặc biệt hơn, Leandro còn có cảm giác bóng rất tốt, điều này giúp cho anh thường xuyên có được những pha ngả người bắt vô-lê vô cùng đẹp mắt và chuẩn xác.



Những pha xử lí của Leandro thường có dấu ấn rất riêng và gần như
không thể bắt chước. Ảnh: VSI

Một trong những bàn thắng đã lột tả hết những phẩm chất siêu việt của cầu thủ này chính là cú “đờ mi vô-lê” trong trận thắng ĐT.LA tại vòng 5 V-League 2010. Đón bóng từ pha đá phạt góc của Đồng Đức Thắng, trong tư thế khá trống trải, Leandro táo bạo thực hiện pha ngả người để bắt vô-lê bằng chân trái rất chính xác, khiến bóng bay thẳng vào góc xa khung thành TM Santos. Một bàn thắng xứng đáng là một tuyệt phẩm của V-League 2010!

Cầu thủ Việt: Trong những năm gần đây, Công Vinh luôn được coi là tiền đạo toàn diện nhất của BĐVN nhờ khả năng dứt điểm khá đa dạng bằng cả 2 chân và đầu. Tuy nhiên, Công Vinh chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng kỹ thuật cá nhân và cảm giác bóng của Vinh cũng khó có thể coi là nhạy cảm, điều này đôi khi khiến Vinh có những tình huống xử lý bóng rất “phô”. Hơn nữa, sau khi bị những tác động ngoài sân cỏ làm ảnh hưởng tới phong độ, người hâm mộ đã không còn đặt nhiều kỳ vọng vào tiền đạo xứ Nghệ.

Người hứa hẹn sẽ tạo ra một luồng sinh khí mới cho BĐVN lúc này, không ai khác ngoài Quang Hải. Với những gì đã thể hiện trong thời gian qua, Hải “gà” đang bộc lộ là chân sút rất cừ khôi, bởi ở anh, ngoài một nền tảng kỹ thuật cá nhân khéo léo, tiền đạo của K.Khánh Hòa còn cho thấy sự đa dạng trong khâu dứt điểm và ghi bàn. Đấy chính là lý do vì sao mà QBV 2008 Thành Lương từng có lời ngợi khen về người đồng đội tại ĐTQG: “Quang Hải là tiền đạo rất đặc biệt và hiếm của BĐVN, tôi rất ngưỡng mộ anh ấy ở khả năng dứt điểm rất độc đáo của mình”.

* Làm bóng

Leandro: Leandro là cầu thủ hội tụ đầy đủ những phẩm chất để trở thành mẫu tiền vệ số 10 điển hình. Ngoài khả năng dứt điểm ở mọi tư thế, mỗi khi tận mắt xem tiền vệ này thi đấu, chúng ta luôn được thấy tinh hoa của bóng đá qua những cú “vẩy” bóng bằng má ngoài rất độc đáo. Ngoài ra, ở những tình huống chuyền bóng dài, nếu để ý kỹ, Leandro không bao giờ sử dụng kỹ thuật chuyền bóng cơ bản và thông dụng của cầu thủ VN, là điểm tiếp xúc giữa chân và trái bóng luôn ở phần đáy, mà tiền vệ người Brazil luôn áp dụng một kỹ thuật rất khó là “chặt bóng” trong những đường chuyền dài và trung bình của mình.

Trên thế giới, do đây là động tác kỹ thuật khá phức tạp nên cũng không nhiều cầu thủ thường xuyên áp dụng nó. Cầu thủ điển hình hay sử dụng những pha “chặt bóng” mà người hâm mộ bóng đá VN có thể biết tới, chính là tiền vệ đang khoác áo Man Utd, Paul Scholes. Ưu điểm của những đường chuyền này là khiến hậu vệ đối phương rất khó phán đoán, bởi lực bóng đi căng, do vậy nó luôn là mối nguy hiểm rình rập tới bất cứ hàng phòng ngự nào.

Cầu thủ Việt: Ở khía cạnh này, về kỹ năng “vẩy bóng” bằng má ngoài, trước đây, bóng đá VN từng sở hữu một “quái kiệt” nổi tiếng với “món nghề” trên, đó là tiền vệ Vũ Minh Hiếu của CAHN. Ngày đó, Minh Hiếu và Hồng Sơn được coi là 2 tiền vệ hào hoa và tài năng nhất của bóng đá nước nhà. Nếu như Hồng Sơn nổi trội ở khả năng dùng kỹ thuật cá nhân qua người cùng những màn trình diễn như xiếc với trái bóng, thì Minh Hiếu là một người làm bóng đúng nghĩa, nhờ sở hữu lối đá thông minh, đặc biệt là có những đường chuyền “chết người”.

Ở thời điểm hiện tại, để tìm ra một “phiên bản 2.0” của Minh Hiếu là không dễ, nếu không nói là không thể. Đâu đó người ta nhắc tới Minh Phương như một sự gán ghép miễn cưỡng, chứ thực ra, Minh Phương khác biệt hoàn toàn so với Minh Hiếu, nhất là tuyển thủ này không có những cú “vẩy bóng” kiểu đàn anh xưa kia, dù Phương cũng được đánh giá cao ở khả năng làm bóng.

Còn với những pha “chặt bóng”, kể cả từ trước đến nay, không ai có thể qua mặt được với tiền vệ gốc Thanh Hóa, Lê Hồng Minh. Dù hiện nay đã qua thời đỉnh cao và không thể áp dụng những cú “chặt bóng” sở trường như cách đây vài năm, nhưng Hồng Minh vẫn tạo ra sự khác biệt ở độ chuẩn xác bằng các pha mở biên và kiến tạo của mình, một “ngón nghề” mà không phải ai cũng có thể thực hiện được với tần suất liên tục trong một trận đấu, như Hồng Minh và Leandro từng làm.

                                                                                                                                        Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm