Hầu đồng: Càng mập mờ, càng biến tướng

10/08/2009 09:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Từng bị xem là mê tín dị đoan, phải hoạt động “chui”, nay hầu đồng đã được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đề nghị đưa vào danh sách đề cử Di sản văn hóa phi vật thể, đúng vào thời điểm Liên hoan diễn xướng hầu đồng lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam) mới đây. Đề nghị trên đang gây tranh cãi với nhiều ý kiến khác nhau. Chuyên mục Gặp gỡ cuối tuần kỳ này có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, chuyên gia nghiên cứu về hầu đồng và đạo Mẫu xung quanh loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo và còn nhiều tranh cãi này.

Kho tàng sống của di sản văn hóa Việt

* Thưa Giáo sư, gần đây hầu đồng đang được nhắc đến nhiều bởi thông tin nó sẽ được chuẩn bị đưa vào danh sách đề cử di sản văn hóa nhân loại. Đối với nhiều người, hầu đồng còn chưa được hiểu rộng rãi. Là người có nhiều năm nghiên cứu về đạo Mẫu và lên đồng, ông có thể cho biết khái quát về khái niệm này?


GS-TS Ngô Đức Thịnh hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Các công trình chính đã xuất bản: Hát văn – 1992, Đạo Mẫu (2 tập, 1994 - tái bản bốn lần), Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận (2008).
Hầu đồng là một nghi lễ của đạo Mẫu, chứa đựng những giá trị về văn hóa, nghệ thuật rất đặc sắc. Đây là một hình thức nhân hóa, nữ tính hóa tự nhiên, và cho đến nay, đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa duy nhất chứa đựng quan điểm về vũ trụ, đồng nhất với thờ Mẫu. Điều này không tìm thấy ở thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng cũng như thờ các anh hùng dân tộc.

Đạo Mẫu và hầu đồng quan niệm thế giới thành bốn vùng miền khác nhau: thiên (miền trời), địa (miền đất), thoải (miền nước), thượng ngàn (miền rừng). Hầu đồng thể hiện điều đó rất rõ, biểu trưng thế giới qua màu sắc: đỏ, vàng, trắng, xanh... mang ý nghĩa bản địa hóa. Đồng thời, trong hầu đồng, lực lượng tự nhiên, siêu nhiên được biểu hiện dưới dạng nhân thần.

Đạo Mẫu không quan tâm đến cái chết và linh hồn, mà xác lập quan điểm hướng con người về đời sống trần gian, đó là sức khỏe và tài lộc. Chính vì vậy, đạo Mẫu và hầu đồng luôn luôn được cập nhật, biến đổi.

Một điều nữa, đạo Mẫu cũng xác lập được một ý thức xã hội lịch sử thông qua các vị thần (khoảng 50 - 60 vị), được sắp xếp theo thứ bậc từ Vua Cha, Thánh Mẫu, các quan, chầu, ông hoàng bà chúa, các cô, cậu... trong hệ thống thần linh. Đặc biệt, những vị thần này còn được lịch sử hóa, gắn với những nhân vật lịch sử, những vị có công với nước, với dân. Có thể nói, đạo Mẫu, thông qua nghi lễ lên đồng, đã thể hiện một thái độ xã hội và góp phần tái hiện lịch sử. Và với sức sống trong dân gian, nó đã trở thành một hình thức giáo dục truyền thống vô cùng hiệu quả. Rõ ràng ở đây, chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa và ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân.

Hầu đồng và đạo Mẫu là hai khái niệm không thể tách rời. Việc nhìn nhận, nghiên cứu hầu đồng cần phải đặt nó trong nghiên cứu về đạo Mẫu, để thấy hết giá trị của nó.

* Vậy, trong nghi lễ hầu đồng chứa đựng những giá trị văn hóa nghệ thuật nào, thưa Giáo sư?


Hầu đồng ở  Phủ Giầy - Ảnh Nguyễn Mạnh Hà
- Hầu đồng là một nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh vào thân xác ông đồng, bà đồng, là sự tái sinh hình ảnh các vị thánh. Những người hầu đồng được cho là có khả năng tiếp xúc với thần linh, người dân tham gia hầu đồng với niềm tin rằng họ được tiếp xúc với thần linh để cầu mong tài lộc và sức khoẻ. Hầu đồng là một nghi lễ tổng hợp, tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian đúc kết từ bao đời nay. Có thể thấy trong hầu đồng một di sản về văn học, âm nhạc, rồi vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn... Về văn học, có cả một kho tàng văn học được lưu giữ trong hầu đồng. Về âm nhạc, hầu đồng đã sinh ra một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là hát chầu văn. Về vũ đạo, riêng nghiên cứu trong hầu đồng, đã có hàng chục điệu múa: múa kiếm, long đao, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa, dệt gấm... rất mềm mại đề cao nữ tính. Đạo Mẫu và hầu đồng cũng để lại những giá trị mỹ thuật qua hệ thống trang trí tượng thờ, tranh thờ; di sản kiến trúc qua hệ thống đền phủ; các hình thức trình diễn dân gian qua lễ hội...

Trong một cuộc hội thảo quốc tế về hầu đồng, TS. Frank Broschan từng nhận định rằng đây là một “kho tàng sống của di sản văn hóa Việt”. Và cũng chính vì vậy, hầu đồng đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài.

Không nên đua thành tích

* Thưa giáo sư, hầu đồng và những giá trị nguyên bản của nó liệu có còn tìm thấy trong những giá đồng ngày nay?

- Ngày xưa, chỉ cần một cái khăn đỏ là có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ là vài quả táo tượng trưng... Nhưng ngày nay, mỗi giá đồng là một bộ quần áo, mỗi ông đồng bà đồng một lần lên đồng có hàng chục bộ trang phục cầu kỳ rất đẹp, đến nỗi có những nhà nghiên cứu nước ngoài đã làm hẳn một cái chuyên luận riêng về trang phục lên đồng. Bây giờ, có giá đồng riêng tiền phát lộc có khi lên đến hàng triệu... Chưa kể bao nhiêu biến tướng xô bồ chung quanh việc hầu đồng trong thế giới hiện đại.


Một giá đồng đơn giản
Những năm 40-50 của thế kỷ trước, các cung văn hát trong lễ hầu đồng là những người hát chuyên nghiệp. Trước kia đã từng có một cuộc thi hát văn với niêm luật rất chặt chẽ, tính chuyên nghiệp rất cao. Và hát chầu văn thực sự là một bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp. Giáo sư Trần Văn Khê từng đánh giá chầu văn cùng với ca trù là hai di sản âm nhạc cổ truyền có giá trị của Việt Nam. Nhưng bây giờ thì những người hát văn phần lớn là nghiệp dư. Có một bộ phận nghệ sĩ vốn hát cải lương, chèo, tuồng... đi hát văn vì mưu sinh. Tuy rằng trong hát văn vẫn tích hợp những yếu tố của các loại hình âm nhạc truyền thống khác, nhưng qua quá trình tồn tại và phát triển, nó đã trở thành một loại hình âm nhạc cổ truyền gắn với lời ca và cây đàn nguyệt, chuyên nghiệp và đặc trưng không lẫn với các loại hình khác. Chính các nghệ sĩ chèo, tuồng, cải lương... đã mang những yếu tố lai tạp đến cho hát văn. Đó cũng là một sự biến tướng làm suy giảm giá trị của nghệ thuật hát chầu văn.

* Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng báo động về những lai tạp, biến tướng của hầu đồng. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này?

- Quan điểm tổng quát của tôi về vấn đề này là: không có một tín ngưỡng nào trên đời dạy con người làm những điều xấu xa, chỉ có con người lợi dụng nó cho những mục tiêu xấu xa mà thôi.

Hầu đồng cũng vậy, bản chất nguyên sơ của nó là một hành vi tín ngưỡng chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh và văn hóa. Nhưng nó cũng không thoát khỏi bị lợi dụng. Ngày nay, lên đồng chủ yếu bị lợi dụng vì những lợi ích vật chất, và có nguy cơ trở thành một môi trường kiếm tiến, làm giàu. Trước đây, những người ra hầu đồng vốn được coi là có “căn”, và tín ngưỡng này ăn sâu trong gốc rễ đời sống tinh thần, nên những nghi lễ, trình diễn này được hiểu và diễn đúng với tâm linh, với trình tự.

Nhưng ngày nay, đã xuất hiện một tầng lớp mà dân gian gọi là “đồng đua”, vì họ không có căn cốt, nên trong hành vi ứng xử, họ cũng không biết thế nào là đúng, sai... Tuy rằng, “đồng đua” cũng là một nhu cầu của một bộ phận người dân, tôi cũng không phản đối điều đó. Nói thì hơi to tát, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải giáo dục, trang bị những hiểu biết đúng đắn về các hoạt động tín ngưỡng cho người dân. Một khi họ hiểu sâu gốc rễ cội nguồn tín ngưỡng và có niềm tin thực sự thì họ sẽ hành xử đúng.

* Gần đây, có thông tin rằng, có thể sẽ đưa hầu đồng vào danh sách đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Từ góc độ của nhà nghiên cứu, Giáo sư có thể cho biết quan điểm của mình?


Thay trang phục cho cô đồng
- Theo tôi, chúng ta không nên vội vàng đề cử hầu đồng. Vấn đề không phải là thế giới nhìn nhận như thế nào, mà theo tôi, chúng ta phải nhìn nhận như thế nào về di sản của mình trước hết.

Cá nhân tôi cho rằng, việc chúng ta cần làm bây giờ nghiên cứu, nhìn nhận đúng bản chất, nhận chân rõ giá trị của hầu đồng để bảo tồn, phát triển nó cho đúng hướng, chứ không phải vội vàng đưa ra thế giới vì một cái gì đó như là thành tích. Tôi thấy bây giờ hình như có “hội chứng công nhận di sản”, công nhận được thì cũng tốt thôi, nhưng quan trọng hơn là mình nhìn nhận nghiên cứu và bảo tồn di sản như thế nào, để nó giữ được giá trị, vẻ đẹp và có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng, chứ không phải công nhận rồi để đấy. Chưa kể, với hầu đồng, trong khi trong nước còn chưa có được tiếng nói đồng thuận, mang ra thế giới rất dễ gây tranh cãi. Tôi không cho rằng việc quốc tế công nhận hay không là mục đích, mà mục đích của chúng là phải nhận chân, bảo vệ và quản lý tốt di sản mình đang có.

* Theo GS, trước hết chúng ta cần phải làm gì để gìn giữ hầu đồng như một di sản quý giá?

- Trước hết, cần thừa nhận để quản lý nó. Công nhận hầu đồng tồn tại là một nghi lễ tín ngưỡng không thể tách rời đạo Mẫu, để phát huy mặt tốt, ngăn chặn những biến tướng, tha hóa của nó. Còn nếu mình càng mập mờ thì nó càng biến tướng phức tạp, cần có một tiếng nói đồng thuận về nghiên cứu và quản lý. Thực tế hầu đồng đang phát triển trong xã hội đương đại, và bên cạnh việc giáo dục người dân về tín ngưỡng, chúng ta cũng thấy rõ ràng không thể phục nguyên hầu đồng như diện mạo hồi những năm 50 của thế kỷ trước. Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn, hạn chế những biến tướng phản văn hóa, xa lạ với con người và thuần phong mỹ tục, nhưng một mặt, cũng cần phải nghiên cứu thấu đáo và thừa nhận bộ mặt thời đại của di sản.

* Xin cảm ơn Giáo sư.

Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ 16, có thể đạo Mẫu bắt đầu từ thế kỷ 15. Nhưng hiện tượng nhập đồng có từ thời nguyên thủy, có thể gọi là một thứ tôn giáo sơ khai. Hầu đồng còn có tên gọi khác là lên đồng, hầu bóng, thuật ngữ quốc tế là shamal. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.


Hồng  Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm