Năm Rồng: Hãy để trí tưởng tượng bay bổng!

19/01/2012 09:27 GMT+7 | Văn hoá




Tranh rồng của họa sĩ Lê Trí Dũng

Trong 12 con giáp, Rồng, cho đến hiện tại dường như vẫn là con vật duy nhất không có thật. So với sự nhỏ bé và ranh mãnh của Chuột (Tý), sự cần cù của Trâu (Sửu), sức mạnh của Hổ (Dần), sự mềm mỏng của Mèo (Mão), sự luồn lách của loài Rắn (Tỵ), sự hoang dã của Ngựa (Ngọ), ham muốn dục vọng của Dê (Mùi), sự ma lanh của Khỉ (Thân), sự cặm cụi của Gà (Dậu), sự trung thành của Chó (Tuất) hay sự no đủ của Lợn (Hợi), thì duy nhất con Rồng (Thìn) không màng tới những gì dưới mặt đất. Rồng bay bổng trong trí tưởng tượng. Nhưng cũng từ trí tưởng tượng, cả một thế giới có thực của con người đã được dựng lên.


(TT&VH) - Ngày cuối năm bận rộn, câu chuyện lại rất khó… nắm bắt: SỰ TƯỞNG TƯỢNG. Hai khách mời từ hai “phương trời” hoàn toàn xa cách nhau: GS-TS vật lý lý thuyết Nguyễn Văn Trọng, người lúc nào cũng chỉn chu, gọn ghẽ và nhạc sĩ Dương Thụ, người lúc nào cũng lơ mơ, kềnh càng. Trở thành cuộc đối thoại đặc biệt nhất trong năm của TT&VH không chỉ bởi sự đặc biệt của hai khách mời mà bởi cái kết của cuộc đối thoại hoàn toàn nằm ngoài… sự tưởng tượng của chúng tôi... (*)

TT&VH: Khi chọn chủ đề cho số báo TT&VH Xuân Nhâm Thìn 2012, hình ảnh con Rồng lập tức khiến chúng tôi nghĩ đến sự tưởng tượng. Trong 12 con giáp, chỉ duy nhất con Rồng, cho tới giờ này vẫn được khoa học tạm thời xác nhận là con vật không có thật, tức là chỉ có trong tưởng tượng. Nguồn gốc người Việt Nam chúng ta cũng gắn một nửa với Rồng - CON RỒNG, một nửa với một nhân vật khác cũng nằm trong tưởng tượng nốt - CHÁU TIÊN. Người anh hùng đầu tiên trong lịch sử giữ nước và dựng nước của người Việt cũng là một nhân vật được vẽ nên bằng trí tưởng tượng bay bổng tuyệt vời - THÁNH GIÓNG. Nói tóm lại, chúng ta ngồi đây bàn về một chuyện mà lâu nay người ta ít bận tâm đến nó: tưởng tượng. Vậy nói tới hai chữ này các ông nghĩ tới điều gì?

TS Nguyễn Văn Trọng (N.V.T): Đâu chỉ người Việt, Sử thi của Homere, Thần thoại Hy Lạp…, tất cả đều là tưởng tượng, phải nói là những “kinh điển” của trí tưởng tượng. Nhiều phát minh khoa học nếu không có tưởng tượng sẽ không thể hình thành. Tưởng tượng nghĩ ra mọi thứ mới mẻ, chưa từng có. Người cổ đại tưởng tượng Trái đất là lưng con voi đứng trên một con rùa bơi trong bể nước, hỏi đáy bể ở đâu thì không ai biết. Ngày nay khoa học cho biết Trái đất là trái banh quay tít, con người đứng trên mặt đất ở hai nửa Trái đất khác nhau thực ra là đầu lộn ngược nhau. Tất cả những tưởng tượng ấy đều rất thi vị.

TS Nguyễn Văn Trọng

Nhạc sĩ Dương Thụ (D.T): Tôi cho rằng tưởng tượng không hoàn toàn là hình dung ra cái không có. Tưởng tượng là cái ta hình dung ra trong đầu. Tưởng tượng là khả năng bình thường của con người, không phải là đặc thù của giới nào, nó là thứ giời cho. Vấn đề là (tưởng tượng) nhiều hay ít và sự tưởng tượng ấy mang theo cái gì, mở ra cái gì. Bởi vậy, theo tôi cần phân biệt trí tưởng tượng thông thường - về phương diện này thì trẻ con là số một, con người càng về già tưởng tượng càng kém - với tưởng tượng sáng tạo, tức là trên cơ sở những tưởng tượng đó để sáng tạo ra cái hữu ích với cuộc sống, như một cỗ máy, một công thức khoa học, một tác phẩm nghệ thuật… Trí tưởng tượng sáng tạo thì mỗi loại người có khác nhau. Với tôi, tưởng tượng không nằm trong hình ảnh, mà nằm ở âm thanh. Có người hỏi tôi không có đàn có sáng tác được không. Thực tế tôi vẫn có thể sáng tác khi không có đàn. Cả giai điệu, hòa thanh lẫn tiết tấu tôi có thể tưởng tượng trong đầu…

N.V.T: Điều ấy lý giải tại sao Beethoven điếc mà vẫn sáng tác những bản giao hưởng tuyệt vời. Nốt nhạc với nhạc sĩ là cái ông ấy hình dung trong đầu chứ không phải là cái nghe thấy.

D.T: Theo tôi vật liệu của tưởng tượng trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng tựu trung lại nó tạo ra những sự thật - một bài hát, một bản nhạc, một bản giao hưởng - khi vang lên, người nghe sống cùng với nó được, tức là nó có thực, chứ không còn là tưởng tượng. Với người làm nghệ thuật trí tưởng tượng rất quan trọng.

Nhạc sĩ Dương Thụ

N.V.T: Trong khoa học cũng thế thôi, ngành vật lý chẳng hạn, Einstein đã xây dựng lại khái niệm về không - thời gian với những thí nghiệm tưởng tượng, tất cả đều được ông hình dung trong đầu. Những thí nghiệm tưởng tượng đặc biệt có giá trị đối với vật lý hiện đại - vật lý nguyên tử. Và không phải chỉ vật lý, triết học cũng cần tưởng tượng. Các mẫu hình xã hội trong lịch sử dường như cũng được tưởng tượng. Ví như Khổng Tử tưởng tượng về xã hội như một gia đình lớn, mới có lý thuyết quân thần, phụ tử… Một số triết gia phương Tây lại hình dung xã hội như một cơ thể sống, mỗi cá nhân là mỗi tế bào trong đó... Tuy nhiên có tai họa là những phóng chiếu ấy đôi khi không ổn vì thực tế vốn phức tạp hơn nhiều. Ví như Khmer Đỏ Polpot cho rằng con người tốt xấu là hoàn toàn quyết định bởi tính chất giai cấp của người đó. Vì vậy mà chúng muốn loại bỏ hết những thành phần xã hội xấu để xây dựng một xã hội hoàn hảo. Mọi lý thuyết xã hội đều được phóng chiếu từ một cái gì đó có trên thực tế, nhưng nếu quá trình phóng chiếu ấy bỏ sót những sự kiện khác thì sẽ dẫn đến nguy hiểm khôn lường.

Điểm này theo tôi, hơi khác với nghệ thuật. Vì tưởng tượng trong khoa học hướng tới Chân (cái thực), trong khi nghệ thuật lại hướng tới Mỹ (cái đẹp). Bởi vậy tưởng tượng trong khoa học luôn phải dè chừng. Trong nghệ thuật có lẽ đỡ hơn vì sự tưởng tượng của nghệ thuật không quy định tất cả mọi người phải theo.

Cái đầu vĩ đại nhất thế kỷ 20, nhà bác học Einstein đã xây dựng lại khái niệm về không - thời gian và thuyết tương đối với những thí nghiệm tưởng tượng, tất cả đều được ông hình dung trong đầu.

D.T: Sản phẩm nghệ thuật là kết quả của trí tưởng tượng nhưng sản phẩm đó có thể sống trong đời sống không (có xem được, nghe được không…) là chuyện khác. Có những sản phẩm rất đồi bại, nếu nó là một xu hướng và phổ biến thì có thể dẫn đến sự xói mòn những giá trị, phá hủy nhân cách con người, và điều này, theo tôi cũng gần như tác hại của một nhà máy điện nguyên tử khi chúng bị rò rỉ.

Trong chuyện này, tôi lại thấy khoa học có cái dễ hơn. Trong khoa học, kiểm nghiệm thấy không được thì loại bỏ. Nhưng còn với nghệ thuật, sự tác động tới xã hội khó nhận ra ngay, có khi phải chờ đến vài chục năm…

TT&VH: Như vậy tưởng tưởng nhiều quá thì cũng… kinh!

D.T: Trong xã hội luôn có người giàu hoặc nghèo tưởng tượng. Có 3 loại người một cách tự nhiên, theo tôi, giàu tưởng tượng nhất. Một là trẻ con, vì ít biết nên chúng dùng tưởng tượng để khám phá thế giới. Thứ hai là người làm nghệ thuật và thứ ba là người làm khoa học. Ba loại người này đồng đẳng về tưởng tượng. Tuy nhiên tưởng tượng của trẻ con chỉ hấp dẫn là chính, trong khi tưởng tượng của nhà khoa học thì có thể giải quyết nhiều vấn đề. Nhưng chắc chắn thiên tài là người giàu tưởng tượng nhất. Với tôi, trí tưởng tượng giống như năng khiếu, là thứ trời cho. Nếu năng khiếu cần được rèn luyện thì tưởng tượng cũng thế.

N.V.T: Tôi thì nghĩ mọi hoạt động hữu ích của con người đều cần tưởng tượng để sáng tạo cả. Một cầu thủ trước khi đi một đường bóng cũng phải tưởng tượng ra kỹ năng để đi được đường bóng ấy. Lao động cũng phải nghĩ/tưởng tượng ra cách cải tiến: phương pháp sản xuất dây chuyền chẳng hạn… Ngay cả đến những cú lừa trong giới tài chính xảy ra gần đây cũng cần tới tưởng tượng… Tưởng tượng, theo tôi, là một công cụ. Tưởng tượng tự thân nó không mang tính đạo đức.

D.T: Nhưng tưởng tượng có tính hai mặt. Là một năng lực trí tuệ của con người, tưởng tượng chỉ được sử dụng tốt khi nó được giao vào tay những nhà khoa học chân chính, những nghệ sĩ chân chính. Nếu giao vào tay ác quỷ thì thật khủng khiếp. Vì một thế giới trong tưởng tượng của Hitler mà hàng triệu người đã chết, chẳng hạn… Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không ủng hộ sự phát triển trí tưởng tượng. Thế giới này, tất cả, cái tốt lẫn cái xấu, đều là thành quả được xây từ trí tưởng tượng.

Bài tiếp: Người Việt giàu hay nghèo tưởng tượng?

(*) Các trao đổi trong bài viết này là ý kiến cá nhân của khách mời. Các trao đổi của bạn đọc xung quanh chủ đề này xin gửi về địa chỉ: [email protected]

Phạm Thị Thu Thủy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm