Xử phúc thẩm Dương Tự Trọng vụ 'Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài'

22/05/2014 09:37 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 22/5, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án Dương Tự Trọng và các bị cáo khác bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài," theo đơn kháng cáo của các bị cáo.

Tham gia Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao do Thẩm phán Hà Thị Xuyến làm chủ tọa. Một Kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Trong buổi xét xử sáng nay, các luật sư đã có mặt để tham gia bào chữa cho 6 bị cáo có đơn kháng cáo. Tham gia phiên tòa có những người làm chứng.


Bị cáo Dương Tự Trọng và đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo bản án sơ thẩm số 06/2014/HSST ngày 08/01/2014 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng xét xử đã xử phạt các bị cáo trong vụ án này gồm: Dương Tự Trọng, sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tổng cục VII, Bộ Công an với 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn, sinh năm 1966, nguyên Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng, với 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng, sinh năm 1970, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hải Phòng là 5 năm tù.

Các bị cáo Đồng Xuân Phong, sinh năm 1974, nguyên cán bộ Cục Hải quan thành phố Hải Phòng với 7 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn), sinh năm 1968, ở Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng là 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh, sinh năm 1985, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng với 6 năm tù; Phạm Minh Tuấn, sinh năm 1961, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng là 5 năm tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm, 6/7 bị cáo đã làm đơn kháng cáo (riêng bị cáo Hoàng Văn Thắng không kháng cáo). Trong phiên xét xử sáng nay, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm tra căn cước những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; giải thích quyền, nghĩa vụ của bị cáo, người làm chứng.

Tại phiên tòa vắng mặt một số người làm chứng được triệu tập tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hỏi ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, luật sư, sau đó nghỉ hội ý và quyết định tiếp tục phiên tòa bởi, những người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa đã có lời khai tại cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm.

Nguyễn Cường - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm