Mỹ sẽ cách mạng hóa chiến tranh với vũ khí laser

05/01/2014 12:50 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng 12/2013, Lục quân Mỹ đã thử nghiệm thành công pháo laser gắn trên xe, hệ thống được xem là có thể thay đổi cuộc chơi nếu đưa ra chiến trường.

Cuộc thử nghiệm hệ thống Trình diễn laser năng lượng cao di động (HEL MD) của Lục quân Mỹ đã diễn ra tại bãi thử tên lửa White Sand, New Mexico.


Hệ thống pháo laser HEL MD của Lục quân Mỹ

Hiệu quả siêu cao

Được lắp đặt trong một tháp pháo có hình mái vòm, hệ thống HEL MD đã bắn hạ hơn 90 quả đạn cối và hàng loạt máy bay không người lái cỡ nhỏ tại cuộc thử nghiệm dài 6 tuần.

Trong quá trình thử nghiệm, pháo laser đã được khai hỏa vào các quả đạn cối 60mm, với tầm bắn từ 1.800 - 2.700 mét. Giới chức quân sự nói rằng hệ thống đã tiêu diệt hiệu quả các mối đe dọa này, dù không thông báo con số cụ thể có bao nhiêu quả đạn cối đã bắn lên và bị tiêu diệt.

“Hệ thống có khả năng bám bắt rất nhanh các mục tiêu rất nhỏ này bằng rađa rồi chiếu tia laser có kích cỡ bằng một đồng xu, tiêu diệt mục tiêu khi nó đang bay” - giám đốc dự án của Boeing là Mike Rim nói. Boeing hiện là nhà thầu chính đứng đằng sau HEL MD.

Mới đây Lục quân đã công bố video về cuộc thử nghiệm. Trong 2 phút đầu của  đoạn video, người ta có thể thấy pháo laser ngắm bắn một chiếc máy bay không người lái. Thoạt nhìn, hệ thống pháo trông giống như chỉ theo dõi đường bay của chiếc máy bay.

Tuy nhiên do tia laser vô hình trước mắt thường nên người ta không hề biết là nó đang khai hỏa. Đường đạn laser chỉ hiện ra sau đó trên một khung hình nhỏ nằm phía bên trái đoạn video. Chiếc UAV trúng đạn laser đã bay được một quãng ngắn trước khi đâm thẳng xuống đất. Phần sau của đoạn video có cảnh hệ thống bắn vào đạn cối. Những quả đạn bay rất nhanh, nhưng vẫn nổ tóe ra như pháo hoa khi bị laser chiếu trúng.



Pháo laser thử nghiệm LAWS lắp trên tàu chiến của Hải quân Mỹ

"Bắn đâu trúng đấy"

Lục quân lần đầu thử nghiệm pháo laser với hệ thống 300 watt hồi năm 2011. Nhưng thử nghiệm mới dùng laser mạnh hơn. Laser sử dụng trong cuộc thử nghiệm mới nhất có công suất 10 kW và hiển nhiên đây chưa phải mức cuối cùng. Chương trình sẽ tiếp tục thử nghiệm các hệ thống laser với công suất mạnh hơn là 50 kW và cuối cùng là 100 kW.

“Nếu anh tấn công một mục tiêu ở cùng một cự ly, một chùm laser 100 kW sẽ tiêu diệt mục tiêu chỉ mất 1/10 thời gian so với laser 10 kW"- Terry Bauer, giám đốc chương trình tại Boeing cho biết. Đáng chú ý là pháo chỉ dùng hệ thống pin và nhiên liệu diesel,  không sử dụng các hệ thống cấp điện "hoành tráng" như nhiều pháo laser thử nghiệm trước đây.

Một quan chức Lục quân nói với Yahoo News rằng thử nghiệm giúp mang tới cho quân đội Mỹ lợi thế trong việc có được công nghệ phòng vệ chi phí thấp và hiệu quả cao.  “10 kw là cột mốc hướng tới các pháo laser có công dụng quân sự lớn hơn. Dù tia laser mới chỉ bắn được một mục tiêu mỗi lần, chúng tôi đã có thể bám bắt nhiều mục tiêu" - Terry Bauer nói - "Ngoài ra số phát bắn có thể thực hiện là đặc biệt cao so với một hệ thống thông thường. Chúng tôi ngắm vào đâu là bắn trúng đấy"

Cũng theo Bauer, những quả đạn pháo cối và UAV xuất hiện trong thử nghiệm đã mô phỏng các điều kiện chiến trường mà binh lính Mỹ đang đối mặt. Vì thế hệ thống HEL MD sẽ càng trở nên hữu dụng hơn, khi các quân đội tăng cường sử dụng UAV trong tương lai. Pháo laser còn có một lợi thế lớn nữa là hoạt động theo tốc độ ánh sáng, khiến nó luôn bắn trúng ngay cả những mục tiêu di chuyển nhanh nhất.

Hoạt động tốt hay không phụ thuộc vào... thời tiết

Tháng 4 năm ngoái, Hải quân Mỹ đã thông báo việc lắp pháo laser lên một tuần dương hạm và sẽ điều con tàu tới Vịnh Ba Tư trong năm nay. Song Hải quân không tiết lộ việc công nghệ laser vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết, ví dụ như nó chỉ bắn được tốt khi trời quang mây tạnh, không khí không quá ẩm ướt.

Bản thân Lục quân cũng không tiết lộ nhiều thông tin liên quan tới hệ thống pháo HEL MD của họ. Các thông tin như laser có thể bắn bao xa, bắn bao lâu trước khi cần thay pin... đều nằm trong vòng bí mật. Các khiếm khuyết của hệ thống pháo di động này ra sao cũng chẳng ai biết.

Nhưng những người như Bauer vẫn luôn miệng khẳng định sự ưu việt của pháo. Bauer nói rằng dù chi phí phát triển pháo rất đắt đỏ, tính cơ động và việc nó không phải dùng đạn nặng, đắt tiền sẽ cả khiến hệ thống trở nên hiệu quả về mặt chi phí theo thời gian.

HEL MD, về cơ bản là 3-5 hệ thống phóng tia laser kết hợp lại trong một hệ thống pháo chung, được thiết kế để bảo vệ các căn cứ nằm biệt lập, khỏi bị quân địch dùng pháo, đạn cối hoặc rocket tấn công. Những cuộc tấn công như thế vẫn thường diễn ra tại các căn cứ tiền tiêu ở Iraq và Afghanistan trong thập kỷ qua.


Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm