21/03/2023 08:26 GMT+7 | Văn hoá
Là phim tài liệu Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tranh giải Oscar, Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã đem đến một cái nhìn cận cảnh và đa chiều về tục kéo vợ của người Mông miền núi phía Bắc.
1. Vài ngày trước, Những đứa trẻ trong sương đã được công chiếu tại hệ thống rạp Beta Cinemas toàn quốc. Từng dự hơn 100 liên hoan phim trên toàn thế giới, và đem lại cho Hà Lệ Diễm giải Đạo diễn Xuất sắc nhất tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan), bộ phim nhanh chóng được cộng đồng làm phim độc tập tại Việt Nam dành cho một sự quan tâm đặc biệt.
Ở đó, trong buổi chiếu dài gần 100 phút, khán giả sẽ theo gót cô bé Mả Thị Di, 15 tuổi, người Mông, trong nhịp sống xoay vòng giữa giờ học ở trường, việc đồng áng và những lễ hội đầu năm. Khi mùa Xuân đến gần, và tục "kéo vợ" sắp diễn ra giữa những thiếu niên đi chơi Xuân, Di hiểu rằng mình sắp phải chọn giữa đời sống vô lo của một học sinh cấp 2 và chuyện chồng con của một phụ nữ.
Sức hút của bộ phim không chỉ đến từ vẻ hùng vĩ của miền núi Sa Pa lẩn khuất trong sương, hay lối sống có phần hào sảng của những người Mông mà máy quay ghi lại. Phá vỡ định kiến quen thuộc của khán giả, rằng phim tài liệu sẽ nghiêm túc và khô khan, phim đưa người xem qua đủ cung bậc lên bổng xuống trầm trong chuyện tình cảm của một cô bé mới lớn.
Suốt buổi chiếu, khán giả đã nhiều lần cười ồ khi thấy Di bông đùa đáp trả những cuộc điện thoại "thả thính", hay khi cô bé nói trong đêm rước đèn ông sao cùng các bạn: "Di muốn đi học rồi kiếm thật nhiều tiền, nhiều tiền thì muốn bao nhiêu người yêu cũng được, ha ha!". Cá tính mạnh của Di và những nhân vật khác được máy quay tinh tế ghi lại, như cô giáo hài hước, bà mẹ sắc sảo, hay ông bố say xỉn hay cười. Tất cả đã đem đến cho Những đứa trẻ trong sương một sức hút và chiều sâu không thua kém nhiều phim truyện thuộc mảng tâm lý xã hội.
Những đứa trẻ trong sương là bộ phim Việt Nam mà khán giả nên xem nếu muốn tìm một bộ phim gia đình có chiều sâu hay những thước phim tài liệu chân thực về một cộng đồng khác.
2. Ngày nọ, vì giận dỗi mẹ, Di đồng ý để cậu bé Vàng ở bản bên "kéo" về. Biến cố này tình cờ hé lộ bức tranh hiện thực về tục "kéo vợ" của người Mông, mà truyền thông xã hội thường bóp méo vì định kiến. Qua những thước phim tài liệu, ta thấy ở cộng đồng người Mông một mức độ tự do yêu đương lớn hơn nhiều so với mức trung bình của các xã hội Á Đông.
Khán giả bất ngờ khi thấy Di công khai việc hẹn hò với gia đình, hay thoải mái trò chuyện với mẹ về tình yêu - một việc còn hiếm thấy trong nhiều gia đình người ở các thành phố lớn. Khi Di bị Vàng "kéo", cha Di nói rằng "chỉ bọn trẻ mới quyết được" chuyện cưới hỏi, nếu chúng thật sự muốn thì cha mẹ không có quyền ngăn. Sau cùng, vì không ưng Vàng, Di đã bỏ về nhà và hủy hôn, dù Vàng và nhà trai níu kéo.
Dù vậy, tục "kéo vợ" cũng đang đối mặt với nhiều thử thách của xã hội hiện đại - thể hiện qua cảnh mẹ Di sợ con mình bị lừa bán sang Trung Quốc, nhà trường thuyết phục Di học hết lớp 9 trước khi lấy chồng,hay công an can thiệp vì lo ngại tảo hôn. Bộ phim đã mô tả chuyện cưới hỏi của Di như một cuộc thương lượng giữa nhiều bên, trong đó Di giữ vai trò quan trọng, từ đó thể hiện cái nhìn đa chiều của nhiều thiết chế và cá nhân khác nhau trước cùng một sự việc.
Trailer phim "Những đứa trẻ trong sương"
3. Trong buổi chiếu thân mật và giao lưu với khán giả, đạo diễn Hà Lệ Diễm (sinh năm 1992) cũng chia sẻ về hành trình làm phim của cô. Sau khi tốt nghiệp ngành báo chí, rồi trải qua 2 khóa học làm phim tại Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD (2012) và Trại sáng tác phim tài liệu Varan Vietnam (2016), nữ đạo diễn người Tày này đã quyết tâm chọn con đường làm phim tài liệu độc lập, dù phải từ bỏ những công việcổn định trong lĩnh vực báo chí. Đây là một quyết định rất can đảm, vì buộc cô phải đối mặt với cảnh bấp bênh kinh tế và sự phản đối của gia đình.
Dù vậy, niềm đam mê đã sớm đem lại cho Diễm những thành công bước đầu, khi phim tài liệuCon đường đi học của cô đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2013 cho hạng mục phim ngắn.
Để hoàn thành Những đứa trẻ trong sương, nữ đạo diễn đã trải qua một khóa học tiếng Mông và 3 năm rưỡi ăn ngủ cùng nhân vật để ghi hình bằng chiếc máy quay có nhiều hạn chế kỹ thuật. Bộ phim in đậm dấu ấn cá nhân của cô, người cũng từng sống thời thơ ấu trên vùng cao như cô bé Di và các bạn. Được trao giải tại 9 liên hoan phim quốc tế cho đến thời điểm hiện tại, Những đứa trẻ trong sương đã để lại một dấu son trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Vào cuối năm 2022, Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật Mỹ (AMPAS) công bố danh sách rút gọn cho 10 hạng mục của Oscar 2023, theo đó phim Những đứa trẻ trong sương lọt top 15 đề cử hạng mục Phim tài liệu dài. Đây là phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam đoạt được thành tích này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất