Đẹp & buồn như Cánh đồng bất tận

24/10/2010 10:47 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Hôm 22/10, bộ phim được mong chờ Cánh đồng bất tận (KB: Ngụy Ngữ, ĐD: Nguyễn Phan Quang Bình) đã công chiếu trên toàn quốc. Dù có cách thể hiện khá độc lập với nguyên tác, nhưng vẫn không phụ lòng những độc giả đã mến mộ tác phẩm này, vì nó vẫn làm toát lên được vẻ đẹp, nỗi buồn của đất và người Nam bộ.

Trước khi nói về không khí của phim, xin dông dài một chút: Người phương Đông thường quan niệm rằng cái đẹp sâu thẳm là phải làm cho trí tuệ biết khóc và trái tim biết cười. Mà muốn thấy, muốn cảm được cái đẹp... thì cũng cần có khoảng cách, độ lùi, sự tĩnh lặng và cả tấm lòng mà người ta muốn dành cho nó.

Đẹp & buồn

Nguyễn Ngọc Tư trong truyện ngắn của mình đã kể một câu chuyện như thế nào chắc nhiều người đọc đã nhận ra. Riêng về cái đẹp của không gian sống, của miền đất phương Nam, tôi cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã quá “cận cảnh buồn”, khiến cho người đọc bình thường khó nhận ra được “toàn cảnh đẹp” của xứ sở này. Hay nói khác đi, phương Nam buồn quá, nên không còn tâm trạng nào để cảm nhận cái đẹp vốn đang hiện diện ở xung quanh.

Cánh đồng bất tận khi lên phim, qua cái nhìn của nhà biên kịch và đạo diễn, rồi góc máy, ánh sáng, âm nhạc... đã làm cho phương Nam hiện rõ hơn những điệu buồn. Cái đẹp ở đây là một “hành trình trên đất phù sa”, là một tiếp nối cảm hứng từ Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu cho đến những trang văn sắc, lạnh của Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim là một khúc ca cất lên từ quan niệm về cái đẹp, như đã nói ở trên, làm cho trí tuệ biết khóc và trái tim biết cười.


Diễn viên Đỗ Hải Yến (vai Sương)
Trải qua tất cả những bĩ cực, đau khổ... tưởng chừng như tuyệt vọng, trái tim của ông Võ (Dustin Nguyễn), trái tim của bộ phim và của người xem đã biết cười, ấy là thông điệp.

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã tiết chế tuyệt đối cái nhìn “hương xa” (hương vị phương xa) và du lịch trong phim này, dù bối cảnh làm nên phim thì rất đẹp. Cái đẹp ấy - cũng như Nguyễn Ngọc Tư đã từng giấu kín trong các con chữ, câu văn - không thể thay thế cho một hiện thực cam go, sống trong sự bấp bênh. Phương Nam sẽ đẹp và hào sảng trong con mắt của người ở xa mới đến, nhưng trong thực tế, con người và cuộc sống ở đây có khi còn buồn lắm, nên không thể nào đủ bình tâm để chiêm ngưỡng, ngợi ca hay tự hào về cái đẹp ở bên ngoài.

Cánh đồng bất tận cố gắng che giấu cái đẹp, dù cảnh đẹp vẫn ở đó và phơi bày ra. Một câu thơ của Nguyễn Du hợp với không khí phim này: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.


Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận
So với vở kịch nói Cánh đồng bất tận (ĐD: Minh Nguyệt), chọn cái nhìn tươi sáng hơn khi cho Nương học võ từ nhỏ, để cuối cùng tự vệ và tránh bị hiếp dâm. Nguyễn Phan Quang Bình thì trung thành với nguyên tác, chọn cách thể hiện cảnh làm nhục khá tàn bạo, để cho Út Võ vì thảm kịch mà quay đầu, để tìm một sự tươi sáng hơn. Nếu xét về không khí buồn, văn học buồn nhất, phim xếp thứ nhì, kịch nói xếp thứ ba.

Diễn xuất tuyệt vời

Phim chọn lối diễn kiệm lời, nên sẽ là thách thức với những diễn viên thiếu bản lĩnh. Không kể sự cao tay nghề của Dustin Nguyễn, thì Đỗ Hải Yến (vai Sương), Lan Ngọc (vai Nương) và Võ Thanh Hòa (vai Điền) đều đem đến được cho người xem hai điều mà phim muốn nói: buồn và đẹp.

So với các vai trong Người Mỹ trầm lặng Chuyện của Pao... thì Đỗ Hải Yến đã làm nên một diện mạo mới, đầy khác biệt. Chính sự lột xác này đã khẳng định sự chọn lựa của đạo diễn là đúng, khi cho một phụ nữ làm đĩ người Bắc trôi dạt cùng gia đình chăn vịt người Nam, dù nguyên tác không phải vậy.

Sau khi xem phim, diễn viên kì cựu, NSND Thế Anh đã nhận xét trên một tờ báo: “Ninh Dương Lan Ngọc khắc họa nội tâm nhân vật bằng cả trái tim, bằng xúc cảm thực sự của mình, nên diễn mà như không diễn. Về quay phim, chỉ có thể nói: Tuyệt vời”. Quả thật khó có lời nhận xét nào đúng với Lan Ngọc hơn trong trường hợp này.

Riêng diễn viên trẻ Võ Thanh Hòa, dù trong cách diễn và điệu bộ có phảng phất phong thái lãng tử của Dustin Nguyễn, nhưng sự nhập vai và xả thân cho vai diễn là đáng khích lệ. Tuy vậy, nhưng vì Điền là con trai Út Võ (trước kia ông vốn là một chàng chơi đờn cò), ngày ngày theo cha lùa vịt, nên cốt cách giống cha cũng là điều đương nhiên.

Sự thành công của các vai diễn còn được đạo diễn hình ảnh Nguyễn Tranh, nhạc sĩ Quốc Trung, chuyên gia dựng phim Folmer Martin Wiesinger chăm chút đến từng chi tiết, nên phim khá nhuần nhuyễn, hợp lý.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm