01/01/2021 06:47 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Những thời khắc cuối cùng của năm 2020 đang qua đi, Năm mới 2021 đang đến rất gần. Chúng ta cùng đón năm mới với những cảm hứng mới cùng bạn bè trên khắp 5 châu. Cầu mong cho 1 năm mới bình an, hạnh phúc đến với nhân loại.
liên tục cập nhật
Giáo hoàng Francis không chủ trì Thánh lễ đêm Giao thừa và ngày đầu Năm mới
Theo thông báo của Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis sẽ không chủ trì các thánh lễ đêm Giao thừa 31/12 và ngày đầu Năm mới 1/1/2021 tại quảng trường St Peter ở Vatican vì bệnh đau dây thần kinh tọa tái phát. Giáo hoàng đã giao nhiệm vụ này cho Hồng y Giovanni Battista Re và Hồng y Pietro Parolin.
Theo đó, Đức Hồng y người Italy Giovanni Battista Re sẽ thay Giáo hoàng Francis chủ trì nghi thức đêm ngày 31/12. Thánh lễ ngày 1/1 sẽ do Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, chủ trì. Tòa thánh Vatican cho biết Giáo hoàng Francis sẽ dẫn đầu một buổi cầu nguyện khác vào chiều 1/1.
Giáo hoàng Francis lần đầu tiên tiết lộ ông bị đau dây thần kinh tọa (thoát vị đĩa đệm cột sống) trong cuộc họp báo trên chuyến bay khi đến thăm Brazil vào năm 2013. Dù vậy, ông vẫn duy trì công việc, các buổi gặp và bắt tay mọi người ở những cuộc gặp có quy mô nhỏ trong thời gian đó.
Đìu hiu khung cảnh đón Năm mới ở nhiều nước trên thế giới
Đúng 0h ngày 1/1 (giờ Australia, 21 giờ ngày 31/12 giờ Việt Nam), pháo hoa từ Nhà hát Opera Sydney đã thắp sáng rực rỡ bầu trời đêm để chào đón Năm mới 2021. Tuy nhiên, màn bắn pháo hoa mừng Năm mới đầu tiên của thế giới trong năm nay đã phải thu nhỏ quy mô đáng kể để hạn chế đám đông tụ tập.
Nhà chức trách Australia đã ra quy định hạn chế đi lại, cấm tụ tập và đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Thủ hiến bang New South Wales - nơi tọa lạc thành phố Sydney, đã bày tỏ hy vọng 2021 sẽ là một năm dễ dàng hơn đối với tất cả người dân.
Trong thông điệp Năm mới, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định người dân Australia cùng nhau bước vào năm 2021 “mạnh mẽ hơn, an toàn hơn”, sau khi đã chứng tỏ “sự gan dạ và khéo léo” trong việc đối đầu với đại dịch COVID-19, “thách thức lớn nhất của đất nước kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”. Ông Morrison gửi lời cảm ơn đặc biệt “tất cả những người dân Australia đã hy sinh rất nhiều, phục vụ rất nhiều và thậm chí ngay cả lúc này vẫn đang tiếp tục bền bỉ thực thi nhiệm vụ", bao gồm các nhân viên y tế đang thu thập các mẫu xét nghiệm và thực hiện truy vết, chăm sóc người cao tuổi, tư vấn và tham gia công tác cách ly cùng với lực lượng quốc đội, cảnh sát và nhân viên dịch vụ khẩn cấp”.
Nhiều sự kiện mừng Năm mới ở khắp nơi trên thế giới cũng chung cảnh đìu hiu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Màn trình diễn ánh sáng từ tòa tháp truyền hình ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã bị hủy, trong khi quảng trường Trafalfar ở London (Anh) cũng dựng rào chắn để ngăn cản đám đông tụ tập mừng Năm mới. Ở thủ đô Rome (Italy), đám đông sẽ không được phép tụ tập ở quảng trường St Peter, Giáo hoàng Francis sẽ không tổ chức lễ cầu nguyện... Còn tại quảng trường Thời đại ở thành phố New York, quả cầu pha lê đón Năm mới vẫn sẽ được thả xuống, nhưng thay vì cảnh tượng hàng trăm nghìn người dân thành phố cùng đón thời khắc Năm mới năm nay, chỉ có một nhóm nhỏ được tham gia như y bác sĩ, các nhân viên làm nhiệm vụ thiết yếu và người thân của họ. Mỗi người phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu.
Ở thành phố Vũ Hán (Wuhan) của Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 khởi phát, dự kiến hàng nghìn người sẽ tụ tập tại các tụ điểm ở trung tâm thành phố để tham dự các sự kiện đếm ngược đến Năm mới 2021.
Thế giới bắt đầu đón mừng Năm mới 2021
Gạt bỏ những phiền muộn và khó khăn chồng chất của năm 2020, người dân thế giới đã bắt đầu đón mừng Năm mới 2021 trong không khí hân hoan với nhiều hy vọng rằng tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ sớm chấm dứt và nhịp sống sôi động sẽ trở lại bình thường.
Vào lúc 17h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), tiếng chuông chào đón Năm mới ở đảo Tonga, đảo Christmas của CH Kiribati và Tây Samoa vang lên. Sau đó một giờ, New Zealand đã chính thức bước sang năm mới 2021 với màn bắn pháo hoa và trình diễn ánh sáng kéo dài 5 phút diễn ra tại Cầu cảng Auckland và Tháp Sky.
Tại Australia, các thành phố phía Đông gồm Melbourne, Sydney và Canberra sẽ là những nơi đón 2021 đầu tiên ở nước này. Đây cũng là nơi được trông đợi hàng năm với màn pháo hoa ngoạn mục, song năm nay mọi việc đã phải thay đổi. Sự kiện bắn pháo hoa mừng Năm mới tại thành phố Sydney đã phải thu nhỏ quy mô đáng kể để hạn chế đám đông tụ tập.
Các nước châu Á đón Năm mới trước Việt Nam lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Timor Leste... Việt Nam sẽ đón mừng Năm mới cùng lúc với Thái Lan, Indonesia, Campuchia. Do vị trí địa lý, vùng đất đón năm mới muộn nhất trên thế giới sẽ là đảo Baker và Howland – hai hòn đảo hẻo lánh ngoài khơi nước Mỹ.
Vào những năm trước, hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu, chào đón năm mới với những màn bắn pháo hoa rực rỡ, tụ tập tại các quảng trường lớn cùng người thân và bạn bè. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc người dân nhiều nước trên thế giới tụ tập cùng nhau đón chào khoảnh khắc đầu tiên của Năm mới cũng phải thay đổi theo.
Thế giới chuẩn bị đón mừng Năm Mới 2021
Thế giới đang trong những thời khắc cuối cùng của năm 2020 và chuẩn bị đón chào Năm Mới 2021, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành khiến bầu không khí cuối năm ở nhiều nước có phần ảm đạm.
Từ Sydney (Australia) cho đến Roma (Italy), các chương trình bắn pháo hoa cũng như biểu diễn mừng Năm Mới sẽ phải phát sóng trực tiếp trên truyền hình hoặc phát trực tuyến để khán giả có thể trải nghiệm không khí đón mừng Năm Mới, nếu các chương trình này không bị hủy do dịch bệnh.
Do vị trí địa lý, tia bình minh của ngày đầu tiên Năm Mới 2021 sẽ chiếu rọi các quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati và Samoa vào lúc 10h00 ngày 31/12 theo giờ GMT, tức 17h cùng ngày theo giờ Việt Nam, trong khi quần đảo không có người sinh sống Howland và Baker sẽ là nơi sau cùng đón Năm Mới, khoảng 26 giờ sau đó.
Tại thành phố Sydney của Australia, chương trình pháo hoa vẫn sẽ diễn ra tại khu cảng với những màn trình diễn hoành tráng, nhưng sẽ chỉ có một số ít người có mặt tại đây để xem tận mắt. Nước này đã hủy kế hoạch cho phép tập trung đông người sau khi phát hiện ổ dịch 150 người dương tính với SARS-CoV-2 đã đến và đi từ Sydney, theo đó phải áp đặt các biện pháp hạn chế gắt gao tại thành phố này. Phần lớn người dân thành phố Sydney sẽ thưởng thức các chương trình biểu diễn trên truyền hình ở nhà và gia chủ cũng chỉ được phép đón tiếp tối đa 5 khách.
Tương tự, tại thủ đô Rome của Italy, màn đốt giàn thiêu theo truyền thống đêm Giao thừa ở sân vận động Circus Maximus, cùng với một chương trình biểu diễn ra các nghệ sĩ kéo dài 2 giờ đồng hồ, sẽ được phát trực tuyến để người dân theo dõi. Italy hiện đang áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc đến ngày 7/1 và lệnh giới nghiêm từ 22 giờ hằng ngày.
Từ Pháp tới Latvia và Brazil, cảnh sát và quân đội được triển khai để đảm bảo thực thi lệnh giới nghiêm ban đêm và cấm tập trung đông người.
Trái với không khí tại châu Âu, người dân nhiều nước Arab nô nức đón chào Năm Mới. Tại Dubai, hàng nghìn người sẽ tham gia các chương trình pháo hoa và chiếu đèn laser tại Burj Khalifa - tòa tháp cao nhất thế giới, mặc dù nước này vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới COVID-19. Toàn bộ người tham gia sự kiện đều phải đảm bảo tuân thủ đeo khẩu trang và đăng ký mã QR.
Tại Beirut (Liban), giới chức thành phố đã cho phép lùi thời gian giới nghiêm đến 3 giờ sáng, các quán rượu, nhà hàng và câu lạc bộ giải trí đều mở cửa.
Tại châu Á, chính quyền thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) quyết định hủy chương trình biểu diễn ánh sáng tại Tháp truyền hình trung ương. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã hủy mọi sự kiện đón mừng Năm Mới và giảm các dịch vụ tàu điện từ ngày 31/12 đến 1/1/2021. Trong ngày 31/12, tuyết rơi dày đặc tại nhiều địa phương ở Nhật Bản, khiến hơn 140 chuyến bay bị hủy và giao thông hàng không hỗn loạn.
Tại Singapore, nước này lần đầu tiên kể từ năm 2005 sẽ không tổ chức chương trình bắn pháo hoa truyền thống tại Marina Bay. Quốc đảo Sư tử sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại địa điểm khác để đón mừng Năm Mới.
Các phi hành gia từ ISS gửi lời chúc mừng Năm Mới tới Trái Đất
Hai nhà du hành vũ trụ Nga Sergey Ryzhikov và Sergey Kud-Sverchkov hiện đang làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã gửi lời chúc mừng Năm Mới tới các cư dân Trái Đất với thông điệp "hãy luôn ở bên nhau và quan tâm đến nhau".
Trong video quay trên ISS, phi hành gia Ryzhikov đã gửi lời chúc mừng đến người dân Nga và thế giới, mong mọi người đều khỏe mạnh và quan tâm đến nhau. Phi hành gia Ryzhikov nhấn mạnh đây là điều quan trọng nhất bởi nó sẽ giúp mọi người vượt qua tất cả. Theo ông Ryzhikov, năm 2020 đã trở thành "một thử thách nghiêm trọng đối với toàn bộ hành tinh chúng ta", nhưng con người đã chứng minh rằng nhân loại có thể vượt qua bất kỳ đại dịch nào nếu đoàn kết với nhau.
Về phần mình, phi hành gia Kud-Sverchkov nhắc lại rằng năm 2020 là một năm kỷ niệm của Trạm vũ trụ quốc tế bởi cách đây đúng 20 năm, phi hành đoàn quốc tế đầu tiên bắt đầu làm việc trên trạm ISS.
Hiện nay, nhân sự làm việc trên trạm ISS gồm có 2 phi hành gia của Nga Sergey Ryzhikov và Sergey Kud-Sverchkov, 4 phi hành gia của Mỹ Kathleen Rubins, Michael Hopkins, Victor Glover và Shannon Walker, cùng với phi hành gia Soichi Noguchi của Nhật Bản.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất