Vụ máy bay MH370 mất tích: Sức khỏe tinh thần của phi công vào tâm điểm chú ý

25/03/2014 07:07 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Cửa cường lực được khóa mã từ trong khoang lái, soi quét cẩn thận và lục soát toàn thân, các biện pháp tăng cường an ninh khi phi công phải sử dụng phòng vệ sinh... là những chiến thuật được thiết kế để ngăn không cho những kẻ nguy hiểm vào khoang lái. Nhưng nếu những kẻ nguy hiểm chính là phi công, người ta sẽ phải làm gì?

Theo sau vụ mất tích chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, các nhà điều tra hiện đang hướng sự chú ý vào sức khỏe tinh thần của các phi công và việc các hãng hàng không xử lý vấn đề này ra sao.

Châu Á kiểm tra cẩn thận nhất

Mối quan tâm mới hình thành sau khi nhà chức trách Malaysia cho nghiên cứu hành vi của tổ lái MH370, gồm cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid, để tìm manh mối về trạng thái tinh thần của họ. Người ta muốn tìm hiểu xem liệu phi công tự sát có là nguyên nhân khiến máy bay mất tích.

Nhưng trước vụ MH370, hệ thống của Malaysia Airlines luôn có các bài kiểm tra tâm lý cần thiết để ngăn không cho phi công có vấn đề về tinh thần lên máy bay. Hoạt động kiểm tra kiểu này cũng khá phổ biến ở châu Á, nơi có 2/5 hãng hàng không từng đối mặt với hoạt động tự sát trong chuyến bay kể từ năm 1982.


Nhiều thân nhân hành khách đi trên chuyến bay MH370 mất tích đã tuyệt vọng sau thời gian dài đợi tin

Hàn Quốc và Singapore hiện đi đầu trong hoạt động đánh giá chi tiết cá nhân khi tuyển dụng phi công. Theo ông Kwon Yong-bok, Tổng giám đốc Văn phòng chính sách an toàn hàng không của Cơ quan hàng không dân dụng Hàn Quốc, các hãng hàng không nước này sử dụng một bản đánh giá cá nhân gồm 350 câu hỏi khi tuyển dụng. Hoạt động kiểm tra tâm lý tiếp tục diễn ra sau tuyển dụng và thậm chí còn mở rộng ra cả các thành viên trong gia đình phi công nếu cần thiết.

Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ 2 Hàn Quốc, tổ chức đánh giá tâm lý phi công và các tiếp viên mỗi năm một lần, cùng với đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các thành viên phi hành đoàn phải trả lời một danh sách các câu hỏi do chính quyền quy định.

Trái với châu Á, tại Mỹ và châu Âu, nơi chưa từng có chuyện phi công máy bay phản lực dân dụng cỡ lớn tự sát trong khoảng thời gian từ 1982 trở lại đây, cơ quan điều hành đã không yêu cầu kiểm tra tâm lý bắt buộc. Họ để phi công tự tiết lộ các vấn đề tâm lý của bản thân trong quá trình kiểm tra y tế.

Những người làm trong hoạt động huấn luyện phi công nói rằng các bài kiểm tra tâm lý là không cần thiết tại Mỹ - thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Nguyên nhân do các hãng hàng không Mỹ thường thuê các phi công quân sự hoặc dân sự đã có hàng ngàn giờ bay kinh nghiệm và họ cũng chứng tỏ được tinh thần tốt của mình khi điều khiển các máy bay chở khách.

Che giấu bệnh tâm thần vì sợ mất việc

Giới trong nghề ở Mỹ chỉ ra rằng chỉ riêng yếu tố kinh nghiệm bay lớn đã giúp loại bỏ các tân phi công non nớt, yếu tâm lý. "Phi công phải vất vả vượt qua tất cả các hoạt động đào tạo khó khăn để đạt được các tiêu chuẩn cấp cao đó" - Ken Byrnes, chủ tịch khoa huấn luyện bay ở Đại học Hàng không không gian Embry-Riddle tại Florida cho biết - "Nếu có vấn đề gì, họ sẽ bị loại ngay".

Giống Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) không yêu cầu kiểm tra tâm lý thường xuyên. Những hoạt động đánh giá tâm lý như thế sẽ chỉ được tiến hành nếu các bác sĩ phát hiện điều gì đó trong hoạt động khám sức khỏe định kỳ.

Thực tế hiện nay phần lớn hoạt động tự sát của phi công thường nằm trong cộng đồng điều khiển máy bay bình thường, nơi các phương tiện bay chủ yếu thuộc loại nhỏ, dễ tiếp cận và hoạt động quản lý mềm dẻo hơn so với máy bay phản lực chở khách cỡ lớn.

Giám đốc điều hành Ahmad Jauhari Yahya nói rằng hãng Malaysia Airlines có thể sẽ thay đổi hoạt động kiểm tra tâm lý bắt buộc dành cho các phi công sau vụ mất tích MH370. "Chúng tôi hiển nhiên sẽ đánh giá lại mọi chuyện để xem xét liệu có thể tăng cường, siết chặt thêm nhiều quy định và bài kiểm tra (tâm lý) hay không" - ông nói.
Nhưng dù Mỹ chưa từng xảy ra vụ phi công lái máy bay phản lực chở khách cỡ lớn nào tự sát, đã từng có chuyện phi  công "làm loạn" giữa hành trình. Cụ thể năm 2012, trong chuyến bay của hãng JetBlue Airways, cơ trưởng đã bị khóa không cho vào khoang lái. Ông này sau đó bị các hành khách khống chế khi đấm vào cửa khoang lái, hò hét và cầu nguyện lớn tiếng. Trong năm 1994, một viên phi công của hãng FedEx đã dùng búa và súng bắn lao tấn công phi hành đoàn trước khi bị khống chế.

Các nhà quan sát cũng cảnh báo hoạt động kiểm tra tâm lý dựa vào sự tự giác của phi công dẫn tới hạn chế là họ có thể nói dối mà không bị phát hiện. Nhằm khuyến khích việc tiết lộ vấn đề tâm lý, Australia đã cho phép phi công tiếp tục được bay, kể cả khi người này đang dùng thuốc chống trầm cảm. Cần biết rằng ở phần lớn các nước khác, những phi công như thế sẽ bị cấm bay ngay.

Gordon Cable, người tham gia hoạt động kiểm tra y tế ở Adelaide, Nam Australia, nói rằng đây là động thái tốt. "Định kiến thường khiến người ta che giấu mọi biểu hiện bị bệnh tâm thần" - Cable nói - "Các phi công che giấu còn kinh khủng hơn vì họ sợ bị giữ lại dưới mặt đất. Họ sợ bị mất việc".

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm