Uống rượu lái xe có thể bị phạt tới 18 triệu đồng

31/07/2016 17:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vi phạm nồng độ cồn, có thể bị phạt tới 18 triệu đồng. Đây là quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.

Nghị định quy định người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, về chất ma túy của người thi hành công vụ. Cũng với các hành vi trên, người điều khiển xe máy bị phạt từ 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.


Kiểm tra nồng độ cồn lái xe. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mức phạt này là rất nặng, bởi mức quy định đối với hành vi vi phạm tương tự của xe ô tô tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP, chỉ là từ 10 – 15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng; của xe máy là từ 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Những hành vi lạng lách, đánh võng trên đường, không tuân thủ hiệu lệnh khi tham gia giao thông, điều khiển xe chạy vượt quá tốc độ quy định… cũng bị xử phạt nặng. Người điều khiển xe ô tô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô-lăng khi xe đang chạy trên đường, bị phạt từ 7-8 triệu đồng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tới 18 – 20 triệu đồng. Điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h, bị phạt từ 5 – 6 triệu đồng, trên 35 km/h bị phạt từ 7-8 triệu đồng.

Người đi xe máy buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên, nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.

Vi phạm các hành vi trên gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 10 – 14 triệu đồng. Điều khiển xe máy chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h, phạt từ 3- 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, người điều khiển xe máy cũng bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng nếu sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn giao thông.

Nghị định cũng quy định mức phạt khá nặng đối với người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Đối với người điều khiển xe máy, mức phạt là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 3 – 4 triệu đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết các chế tài xử phạt đối với người đi bộ, xe đạp, xe thô sơ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ… với trên 100 hành vi vi phạm.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, những hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông đều có chế tài tăng nặng. Các chế tài Nghị định 46/2016/NĐ-CP đưa ra là đủ sức răn đe. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm các quy định. Bên cạnh việc tập huấn cho cán bộ, chiến sỹ hiểu đúng quy định pháp luật để triển khai nhiệm vụ, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời xử phạt đúng quy định, người dân sẽ thực hiện nghiêm... Khi thực hiện nghiêm Nghị định, chắc chắn vi phạm và tai nạn giao thông sẽ giảm – ông Khuất Việt Hùng nhận định.

Chu Thanh Vân - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm