Hearst Tower: Nhà chọc trời đẹp nhất thế giới 2008

02/01/2009 15:41 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Nó đã tạo ra một chuẩn mực mới cho những cao ốc văn phòng tại thành phố nhà chọc trời New York” – Đó là lời đánh giá của hội đồng giám khảo về tòa nhà Hearst Tower cao 182 m của kiến trúc sư Norman Foster. Công trình này vừa được trao Giải thưởng Nhà cao tầng quốc tế 2008.

Sau vụ tấn công khủng bố hai tòa tháp WTC ở New York ngày 11/9/2001, tưởng như là thời đại đua nhau xây nhà chọc trời đã chấm dứt. Do ngẫu nhiên mà chỉ ít tuần sau đó ở ngay chính khu Manhattan người ta đã giới thiệu một dự án xây nhà cao tầng mới do KTS nổi tiếng Norman Foster thiết kế.
 
Hearst Tower: Nhà chọc trời đẹp nhất thế giới 2008

Từ dự án đó, tòa nhà chọc trời đầu tiên đã được xây dựng ở New York sau vụ khủng bố 11/9, khánh thành cách đây hơn 2 năm: Hearst Tower – trụ sở chính của tập đoàn xuất bản Mỹ Hearst.
 
Thêm một công trình “để đời” của “Lord” Norman Foster

Có độ cao tương đối khiếm tốn là 182 mét (46 tầng), nhưng Hearst Tower vẫn gây được sự chú ý đặc biệt vì có một vẻ ngoài khác thường, gồm hai phần: Phần đế của nó là tòa nhà 6 tầng xây theo phong cách Art Deco được giữ nguyên từ hồi năm 1928; phần trên là một khối kiến trúc hiện đại có mặt tiền được khắc họa bởi những hình tam giác và những góc nhà zích-zắc. Sự pha trộn giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại này là một dấu nhấn mới đầy hấp dẫn trong rừng những ngôi nhà chọc trời Manhattan.
 
Vẻ ngoài zích-zắc của tòa nhà được tạo ra không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của một sự cách tân kiến trúc: Những kết cấu chịu lực đan chéo như vậy đã giúp người ta tiết kiệm được 20% lượng thép xây dựng. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, việc thi công tòa nhà tiêu tốn một lượng điện năng thấp hơn 26% so với mức tiêu thụ tối thiểu dành cho những công trình có quy mô tương đương.
 
Phần đế của Hearst Tower là tòa nhà 6 tầng
xây theo phong cách Art Deco
 
Hearst Tower còn mang tính cách mạng khi nó được đánh giá là tòa nhà sinh thái đầu tiên ở New York. Trong đó một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng đã được đưa ngay vào bản thiết kế, chẳng hạn: Tòa nhà có thể tận dụng một cách tối đa ánh sáng tự nhiên và tùy theo lượng ánh sáng này cũng như căn cứ vào cảm biến chuyển động, mỗi phòng sẽ tự tắt những bóng đèn không cần thiết hoặc tự tắt máy vi tính khi phòng làm việc bỏ trống; dưới các mặt sàn của tòa nhà có lắp đặt một hệ thống ống nhựa mùa hè được bơm nước lạnh, mùa đông bơm nước nóng để điều hòa nhiệt độ; trên mái của tòa nhà có bể hứng nước mưa để sử dụng cho hệ thống điều hòa bằng nước nói trên, để tưới cây cũng như cho đài phun nước ở sảnh chính của tòa nhà v.v…

Ngoài việc có vẻ đẹp thẩm mỹ, tiết kiệm chi phí xây dựng, đạt những tiêu chuẩn sinh thái, Hearst Tower còn được được đánh giá cao về tính hòa nhập của nói đối với cảnh quan kiến trúc xung quanh.

Đó chính là những lý do khiến Hội đồng giám khảo đã quyết định trao giải Giải thưởng Nhà cao tầng quốc tế 2008 cho tác giả của Hearst Tower, kiến trúc sư người Anh Norman Foster, kèm khoản tiền thưởng 50.000 euro

Norman Foster, sinh 1935, là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế giới hiện nay (giải Pritzker năm 1999, được Nữ hoàng Anh phong tước hiệu Nam tước), đã có nhiều công trình “để đời” như Cầu thiên niên kỷ (London, 1999), Vòm nhà Quốc hội Đức (Berlin, 1999), Cầu Millau (Pháp, 2004), sân bay quốc tế Bắc Kinh (2008)… Trong danh sách đó giờ đây có thêm Hearst Tower.

700 công trình được khảo sát

Giải thưởng Nhà cao tầng quốc tế (International Highrise Award), do thành phố Frankfurt (Đức) phối hợp với Bảo tàng Kiến trúc Đức và Ngân hàng Deka-Bank thành lập năm 2004 nhằm khích lệ các kiến trúc sư thiết kế những tòa nhà chọc trời có thể tạo ra được những chuẩn mực cho tương lai. Giải được trao hai năm một lần. Trước Hearst Tower, mới có hai công trình khác được trao giải này là tòa nhà De Hoftoren ở The Hague (thiết kế: Kohn Pedersen Fox Associates) năm 2004 và tòa nhà Torre Agbar ở Barcelona năm 2006 (thiết kế: Ateliers Jean Nouvel).

Để trao Giải thưởng Nhà cao tầng quốc tế 2008, có gần 700 nhà chọc trời (độ cao từ 100 mét trở lên) ra đời trong 2 năm gần đây trên khắp thế giới được khảo sát. Từ đó có 26 công trình được chọn vào dự thi và con số này tiếp tục được rút lại còn 5 công trình vào chung khảo.
 
 Tòa nhà New York Times Building (trái) ở New York và chung cư
cao tầng Newton Suites ở Singapore
 
Ngoài Hearst Tower trúng giải, 4 công trình vào chung khảo còn lại là: tòa nhà Missing Matrix Building (Seoul) của KTS Hàn Quốc Minsuk Cho, chung cư cao tầng Newton Suites (Singapore) của Woha (KTS Singapore Wong Mun Summ và KTS Australia Richard Hassell), tòa nhà New York Times Building (New York) của kiến trúc sư Italia Renzo Piano cũng như Trung tâm Văn hóa Truyền hình Bắc Kinh (TVCC) của KTS Hà Lan Rem Koolhaas.

Missing Matrix Building
(Hàn Quốc)
Trong đó KTS Hàn Quốc Minsuk Cho, sinh 1966 và hiện là Giám đốc văn phòng kiến trúc Mass Studies ở Seoul, đặc biệt được chú ý. Hội đồng giám khảo đánh giá anh là một trong những tài năng trẻ kiến trúc lớn nhất thế giới hiện nay. Missing Matrix Building, công trình lọt vào chung khảo của anh, là một tòa nhà vuông nổi bật trên không gian đô thị lộn xộn và dày đặc bê tông của Seoul, với những mặt tiền bị cắt bởi những mảng lớn khoét sâu, là một một sự hỗn hợp đầy thông minh giữa nhà ở, văn phòng làm việc và những không gian sinh hoạt cộng đồng.
 
Thông minh thay cho kỷ lục về chiều cao

KTS Anh Norman Foster và KTS Hàn Quốc Minsuk Cho cho thấy một xu hướng rất rõ ràng trong kiến trúc nhà cao tầng hiện nay: Được đánh giá cao không phải là những tòa nhà đạt kỷ lục về chiều cao, mà là những tòa nhà thông minh, được tạo ra bởi các biện pháp đổi mới kỹ thuật, xây dựng và kiến trúc, để sao cho các tòa nhà chọc trời ngày càng thân thiện với môi trường, có tính kinh tế cao và hòa hợp với cảnh quan.
 
Trung tâm Văn hóa Truyền hình Bắc Kinh (TVCC) của
KTS Hà Lan Rem Koolhaas

Điều này cũng đúng với công trình chung cư cao tầng Newton Suites (Singapore) của hai KTS Wong Mun Summ và Richard Hassell. Với những thảm cây leo trên tường và những diện tích trồng cây dày đặc trong tòa nhà, họ đã chứng minh được rằng, ngay trong những ngôi nhà chọc trời người ta vẫn hoàn toàn có thể sống hòa hợp với thiên nhiên.

Tòa nhà New York Times Building của KTS Renzo Piano cũng được đánh gia cao vể vẻ đẹp kiến trúc và giàu tính sinh thái. Như các công trình nêu trên, Trung tâm Văn hóa Truyền hình Bắc Kinh (TVCC) của KTS Hà Lan Rem Koolhaas cũng được coi là một công trình thuộc thế hệ nhà cao tầng mới, có tính tổ chức và độ phức hợp cao hơn so với các thế hệ trước đây.
 
Phan Đức


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm