Ngừng xây một loạt nhà chọc trời: “Cảm ơn ông Bush!”

26/11/2008 11:11 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Kiến trúc sư người Anh lừng danh Norman Foster hết sức bất ngờ khi cuối tuần qua có tin Russia Tower, tòa nhà cao nhất châu Âu do ông thiết kế, đang xây ở Moskva (Nga) đã phải tạm ngừng thi công do thiếu kinh phí. Hôm thứ hai vừa rồi hãng Roche cũng tuyên bố phải từ bỏ kế hoạch xây nhà tòa nhà cao nhất Thụy Sĩ.

"Cảm ơn Tổng thống George Bush!"

Russia Tower Tòa nhà cao nhất châu Âu – phải ngừng thi công
Russia Tower được khởi công khởi công tháng 9/2007 và theo kế hoạch đến năm 2012, tòa nhà cao 612 mét này - như tờ Guardian (Anh) cho biết - sẽ "hạ bệ" tòa nhà Canary Wharf ở London, đoạt danh hiệu "Tòa nhà cao nhất châu Âu".

Đó là một tòa nhà hình kim tự tháp, gồm 118 tầng, có sức chứa tối đa khoảng 30.000 người, tương đương một thị trấn ở châu Âu. Người thiết kế tòa nhà là kiến trúc sư người Anh nổi tiếng Norman Foster, tác giả của những công trình khổng lồ như sân vận động Wembley, sân bay quốc tế Bắc Kinh... Với 612 mét, Russia Tower sẽ là tòa nhà cao thứ hai thế giới hiện nay, chỉ sau tháp Burj (818 mét) ở Dubai và là một biểu tượng cho sự phục hồi của quyền lực kinh tế Nga.

Thế nhưng cuối tuần qua "ông hoàng bất động sản" Shalva Chigirinsky đã phải thông báo công ty của ông không còn đủ tiền để tiếp tục thực hiện dự án tốn kém tới 2 tỷ USD này. Chigirinsky cho biết kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, ông không còn khả năng kiếm được các khoản vay tín dụng. "Xin cảm ơn ông Alan Greenspan và George Bush", ông Chigirinsky chua chát nói với hãng tin Reuter. Ông cho rằng chính Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan và Tổng thống Mỹ George Bush đã đẩy kinh tế thế giới vào nông nỗi như hiện nay.

Tuần trước, thành phố St Petersburg (Leningrad cũ) cũng đã rút khỏi dự án xây tòa nhà Gazprom Tower cao 396 mét do văn phòng kiến trúc sư RMJM (Anh) thiết kế. Thành phố St Petersburg, theo kế hoạch sẽ góp 49% trong tổng kinh phí của tổ hợp kiến trúc 2,2 tỷ USD này, phải tuyên bố rút lui do khả năng có lãi của công trình không còn được bảo đảm trong "những điều kiện thị trường mới", như phó thị trưởng M. Oseyewskiy cho biết: Sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính, giá trị cổ phiếu của tập đoàn dầu khí Gazprom giảm tới 70% vì giá dầu và khí đốt không ngừng hạ.

Việc dự án Gazprom Tower có nguy cơ không thực hiện được đã làm không ít người dân St Petersburg vui mừng. Từ lâu đã có một làn sóng phản đối công trình này vì nó được xây ngay sát trung tâm lịch sử của thành phố. Nếu được xây lên, tổ hợp kiến trúc cao ngót 400 mét này sẽ che khuất toàn bộ khu trung tâm đã được công nhận là Di sản thế giới nói trên. UNESCO thậm chí đã đe dọa sẽ tước bỏ danh hiệu này, nếu tòa nhà được xây dựng.

Người Thụy Sĩ giầu có cũng phải xem lại túi tiền

Tại Thụy Sĩ, có một dự án nhà chọc trời thậm chí bị loại bỏ do cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là tòa nhà trụ sở của tập đoàn dược phẩm Roche, do văn phòng kiến trúc Herzog & de Meuron (tác giả của SVĐ "Tổ chim" ở Bắc Kinh nhân dịp Olympic 2008) thiết kế. Theo kế hoạch được thông qua năm 2006, tòa nhà 42 tầng này sẽ được xây xong vào năm 2012 với kinh phí xấp xỉ 0,5 tỷ USD. Có chiều cao 154 mét, đây sẽ là tòa nhà cao nhất Thụy Sĩ.
 
Tháp Roche – dự kiến là tòa nhà cao nhất Thụy Sĩ – đã bị loại bỏ

Nhưng đầu tuần qua qua Roche bất ngờ quyết định bỏ dự án này với lý do Herzog & de Meuron đã chọn một phương án kiến trúc quá phức tạp (hình khối xoắn ốc), khiến việc thực hiện nó sẽ đòi hỏi những chi phí vô cùng tốn kém, điều không phù hợp với điều kiện tài chính hiện nay. Giám đốc hành chính Franz Humer cho biết: "Việc chúng tôi phải từ bỏ dự án này là một quyết định hết sức khó khăn. Tuy nhiên bất kể dự án nào cũng cần được xem xét lại về tính kinh tế của nó". Roche sẽ cho thiết kế lại một tòa nhà trụ sở khác, có thể không còn là nhà chọc trời nữa, để sao cho nó vừa có tính kinh tế, vừa giầu công năng hơn là tòa nhà xoắn ốc kể trên.

Việc xây dựng những tòa nhà chọc trời chi phí thường rất tốn kém. Theo công thức tính của các KTS, hễ một ngôi nhà cao lên gấp đôi thì giá thành xây dựng tính theo m2 sẽ tăng gấp 8 lần. Trong bối cảnh tình hình kinh tế ảm đạm như hiện nay, chắc chắn nhiều chủ đầu tư sẽ phải xem xét lại những công trình quá cao của mình.
 
GazpromTower, bị hoãn thi công vô thời hạn

Thời gian qua, trước khi cuộc khủng hoàng tài chính xảy ra, thế giới lại lên một cơn sốt xây nhà chọc trời, thậm chí là siêu chọc trời. Hiện tại ngoài tháp Burj (UAE, 818 m) và Russia Tower (Nga, 612 m), còn có 6 dự án khác cao hơn 600 mét đang và sắp được triển khai thực hiện là Mubarak Al-Kabir (Kuwait, 1.000m), Pagcor Tower (Philippines, 665m), Lanco Hills Signature Tower (Ấn Độ, 640m), Shanghai Center (Trung Quốc, 632m), Pentominium (UAE, 618m) và Songdo Incheon Towers (Hàn Quốc, 614mét).

Nhưng giờ đây khi kinh tế thế giới lao đao, không rõ những công trình nêu trên có tiếp tục được thực hiện theo như kế hoạch hay cũng sẽ bị gác lại, thậm chí là bị loại bỏ như 3 dự án nhà chọc trời nêu trên.
 
Phan Đức

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm