Chuyện bây giờ mới kể về... cụ Rùa

31/01/2012 13:26 GMT+7 | Thế giới


"Cụ rất đẹp - đẹp hơn tất cả những bức ảnh anh từng được xem. Hơi lạ một chút, dù không ăn ảnh, nhưng có vẻ như cụ lại thích... chụp ảnh" - Đó là những khắc họa về cụ Rùa của ThS.Nguyễn Khắc Lâm – Phó GĐ Trung tâm giống Thủy sản Hà Nội

ThS. Nguyễn Khắc Lâm là thành viên trong nhóm chữa trị rùa Hồ Gươm, người cận kề, trực tiếp thuốc thang, chăm sóc suốt quãng thời gian cụ Rùa nằm viện.   

Ấn tượng lớn nhất với anh Lâm trong lần đầu tiên “mục sở thị” cụ Rùa là kích cỡ đáng nể của cụ. Dù đã từng nghiên cứu, tiếp xúc với nhiều loài rùa nước ngọt cũng như vích, đồi mồi ở biển, anh Lâm cũng chưa từng thấy một cá thể “kềnh càng” đến vậy. Không hề có cảm giác sợ, kỹ sư thủy sản đầy hứng khởi vì chạm đúng nghề. Gặp gỡ cụ Rùa thực sự là một cơ duyên với anh.
 


Cụ Rùa là một "bệnh nhân" rất thân thiện, hiền lành.

Cụ Rùa khi được đưa vào “bệnh viện” có vẻ chậm chạp. Không ít người lo ngại khi nhìn “dung nhan” loang lổ những điểm xây xước, lở loét của cụ. Bề mặt mai, thân thể cụ nấm mọc trắng. Vai, các đầu ngón chân loét sâu. Nhưng còn một nỗi lo lớn hơn về cách tiếp cận cụ trong quá trình điều trị. Chưa có tài liệu nào, càng chưa có thông tin, kinh nghiệm thực tế nói cụ Rùa dữ hay lành. Làm nghề quen, anh em chỉ biết, ba ba hay những loài rùa nuôi từng chữa bệnh trước đó đều rất dữ, phản ứng mạnh, có thể... đợp gãy tay người rình bắt. Vậy nên phương án tiếp xúc cụ Rùa thế nào để bôi thuốc, tiêm, cho uống thuốc… khiến mọi người đau đầu suy nghĩ.

Ngày đầu tiên cụ Rùa được đưa vào bể, anh Lâm trực đêm ngoài tháp Rùa. Một đêm đáng nhớ. Đội 4 người gần như không ngủ, phần vì lạnh với duy nhất một tấm chăn mỏng, ẩm ướt, một chiếc lều bạt du lịch nhỏ dựng tạm do một cán bộ Sở KH-CN mang đến, phần vì phấp phỏng giữa một roi đất nhỏ giữa mênh mông nước, với trách nhiệm canh chừng “báu vật” của Hà Nội.

Hiếm khi cụ Rùa... “nổi nóng”

ThS.Nguyễn Khắc Lâm: “Dẫu sao việc đưa được cụ Rùa vào “bệnh viện” làm vơi đi rất nhiều cảm giác buồn thê thảm với chúng tôi về lần vây bắt thất bại trước đó. Bao nhiêu công sức chuẩn bị, anh em đã làm hết sức, hết lòng vậy mà kết quả là một mảnh lưới rách toang, cụ Rùa đã thoát ra trong khi vẫn chưa xác định được bệnh trạng của cụ. Chuyện không bắt được cụ Rùa hôm ấy có lẽ là kỷ niệm ấn tượng nhất, cảm xúc mạnh mẽ, đáng nhớ nhất với tôi cho đến tận bây giờ. Không ngờ, sau đêm trắng đầu tiên ấy, rất nhiều lần trực đêm ở tháp Rùa trong suốt quá trình chữa trị về sau, với tôi, được trải nghiệm ban đêm ở ngoài tháp Rùa thật tuyệt. Có lẽ đây là chỗ yên bình nhất Hà Nội”.

Những ngày đầu, khi cụ Rùa vẫn còn ngự trong chiếc bể nhỏ, khuôn tạm trong một chiếc lồng để cẩu lên khám bệnh, bôi thuốc, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Khi cụ được chuyển sang bể to, việc bắt lên mỗi ngày mới thực sự đau đầu. Anh em cứ đứng trên bờ, loay hoay mãi với chiếc lồng cáng nâng lên hạ xuống mà không biết làm sao để lùa cụ Rùa vào. Anh Lâm quyết liều, nhảy bừa xuống nước, lùa vợt vào trong hầm “dong” cụ Rùa ra rồi áp sát từ phía sau, nhẹ nhàng bám vào 2 bên mai, nâng dần cụ Rùa lên sát mặt nước. Anh Lâm nhẹ nhàng dìu cụ Rùa vào vị trí chiếc cáng được đặt sẵn ở dưới đáy bể. Cụ Rùa được cẩu lên, nhẹ nhàng không ngờ. Sau lần đó, việc tiếp cận cụ Rùa trở lên dễ dàng hơn đối với mọi người trong tổ chữa trị. Các anh em trong tổ cũng đã “dám” gần cụ Rùa hơn so với những thời gian đầu.

“Mọi người lúc ấy tỏ ra ái ngại vì thấy tôi quá liều. Nhưng tôi nghĩ, theo đặc điểm của loài, cụ Rùa có giỏi đến mấy cũng không thể quay đầu ra đằng sau được, nếu mình tiếp cận từ phía sau. Vấn đề là phải thật nhẹ nhàng để tránh “người bệnh” giật mình, phản ứng. Lúc bê được 2 bên mai hướng tới vị trí cáng một cách đơn giản, thực sự cũng tự… thở phào. Hóa ra cụ Rùa rất hiền.” - kỹ sư thủy sản kể lại tình huống như chuyện đang quay chậm lại ngay trước mắt.
Nhưng trong suốt thời gian chữa trị, cũng một vài lần, cụ Rùa đã phản ứng, quay đầu lại. Những tình huống như thế, anh Lâm đều vội buông tay ngay, không gò ép. Cũng có lần, anh Lâm phải nhảy vội lên bờ vì cụ Rùa cựa mạnh, kiên quyết không tuân theo người dẫn. Đúng lúc đang ở chỗ nước sâu, tự nhiên cụ quay ngoắt lại, phản ứng, “nắn” kiểu gì cũng không đi.
 


Cụ Rùa thích nghi nhanh chóng trong "bệnh viện" đặc biệt.

Duy nhất một lần, anh Lâm ra bể và phát hiện chiếc vợt thường ngày để xúc cá cho cụ ăn gãy đôi, lưới rách toang, trôi trong bể. Hỏi lại thì ra có người dùng vợt để dò tìm, lùa cụ Rùa từ trong hầm ra như mọi khi nhưng hôm đó quờ mãi không thấy cụ đâu, anh này khua mạnh, trúng vai, cụ đã quay lại quật vỡ nát chiếc vợt. Rất may sau vụ quật tan cái vợt như thế, cụ Rùa không có biểu hiện đáng ngại hơn. Từ lần đó, anh Lâm đề xuất dẹp hết các loại vợt, gậy gộc, chỉ giữ một cây sào quấn rợ một đầu để có lỡ chạm phải, cụ Rùa ngoạm phải cũng không vấn đề gì.

Ngoại trừ lần “nổi nóng” kể trên, hầu hết thời gian ở viện, cụ Rùa rất hiền. Anh Lâm phán đoán, có lẽ, vì mọi người đều đối xử hết sức nhẹ nhàng, tránh tạo “stress”, thái độ hầu hết đều rất thành kính nên cụ tỏ ra khá hài lòng.

Đưa được “bệnh nhân” lên an toàn, việc bôi thuốc đơn giản hơn rất nhiều. “Lúc đầu, tôi đứng ở ngoài lồng, dùng một cái kẹp rất dài để bôi. Về sau, khi đã quen, tôi nhảy hẳn vào trong lồng, trực tiếp dùng tay bôi lần lượt các vết phương. Khi đã thành bạn, cụ rùa cực hiền, hiền khô là khác. Tôi cứ đứng đằng sau, bám vào 2 bên mai, thoải mái sờ tay vào tận cổ. Mọi người đứng xung quanh... phát hãi” - anh Lâm cười xòa kể thêm, mọi người thường cung kính “mời cụ vào phòng khám” trong khi anh hay đùa gọi bệnh nhân đặc biệt của mình là “cậu”.

Cụ Rùa “thích”... chụp ảnh

Cụ Rùa quen người, quen “bệnh viện” khá nhanh. Ban ngày thường xuyên bơi lang thang khắp bể phơi nắng, kiểu như du ngoạn, không hề e sợ, đề phòng. Kỳ lạ “cụ” rất thích... chụp ảnh. Thấy bóng máy ảnh giơ lên chụp, “cụ” lại nghênh nghênh nhìn. Lúc đưa hẳn lên cạn để bôi thuốc, cứ thấy ánh đèn máy ảnh nháy sáng, cụ cũng lại ngóc đầu cao hơn… tạo dáng. Anh Lâm cũng quả quyết: “Nhìn ngoài kể cụ rùa thật đẹp, hơn tất cả những bức ảnh tôi từng xem trước đó. Đầu cụ tròn, da vàng, sáng. Các bức ảnh chụp đều không đẹp bằng mặt thật”.
ThS.Lâm trực tiếp chăm sóc, trị bệnh cho cụ Rùa.

Phong cách ăn uống của cụ Rùa cũng khá cảnh vẻ, không phàm. Cơ thể xấp xỉ 1,7 tạ nhưng nhiều nhất một ngày “cụ” cũng chỉ dùng gần 1kg cá (2-3 con). Món khoái khẩu nhất với cụ có vẻ là cá trôi, chỉ một cú ngoạm, một tiếng “bụp” nhẹ nhàng là gọn gàng một chú cá. Ngày đầu tiên vào bể, thả xuống 4 con cá, cụ ăn được 2 con, nhưng có vẻ không mạnh dạn, hào hứng lắm. Lúc đầu các “bác sỹ” kê đơn… cá sống. Thấy cụ Rùa khó mà điều khiển cơ thể kềnh càng săn đuổi theo lũ cá, sau đó, thực đơn được điều chỉnh, cá được “sơ chế” (đập chết) trước khi cho vào bể, cụ Rùa xơi dễ dàng hơn. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, quen ăn sẵn, cụ Rùa sẽ sớm thành “gà công nghiệp”, thực đơn đổi lại món cá tươi sống kết hợp với thức ăn “sơ chế”.

Ăn uống, sinh hoạt điều độ, tiếp thu thuốc tốt, sức khỏe bệnh nhân đặc biệt cải thiện tích cực từng ngày. Trước khi được thả lại hồ, cụ Rùa rất đẹp, người bóng, vàng, hoàn toàn lành lặn. Tình trạng sức khỏe của “cụ” cơ bản ổn, cơ thể nhẵn nhụi, trơn tru, sờ mượt tay. Sức khỏe tốt, môi trường tốt, da dẻ cụ nhìn cũng sáng hơn, đẹp hơn.
Chia sẻ niềm vui thành thật, không kiềm chế về kết quả trị bệnh thành công hơn cả mong đợi của Hội đồng chữa trị, người kỹ sư thủy sản trẻ tuổi chỉ thoáng ngậm ngùi vì ngày thả cụ Rùa trở lại môi trường hồ, anh không ra được. Nghe tin cụ được thả rồi, anh Lâm… sốc. Tiếc vì thời gian gắn bó mấy tháng liền mà không được gặp cụ “bạn già” để tạm biệt. Anh thầm mong, thỉnh thoảng ra hồ Gươm chơi được ngắm nhìn cụ Rùa nổi chứ không mong gặp lại “bệnh nhân” đặc biệt tại phòng khám lần nữa.

Theo Dân trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm