"Xã hội hóa" bảo vệ Cây Di sản - Lý thuyết đẹp!

13/10/2012 08:15 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - "Xã hội hóa" là một trong những biện pháp chính được đúc kết ra trong Hội nghị tổng kết 3 năm Sự kiện Bảo tồn Cây di sản Việt Nam diễn ra ngày hôm qua (12/10) tại UBND quận Tây Hồ (Hà Nội). Hội nghị đã đưa ra nhiều tham luận hay thể hiện cái tâm của những người nặng lòng với Cây Di sản.

Song một trong những phương pháp chính được các nhà khoa học cũng như các cấp chính quyền đưa ra để bảo vệ loại hình di sản đặc biệt này cho thế hệ sau là hình thức "xã hội hóa" nghe chừng hơi…"phiêu".

"Chảy máu" cổ thụ quý

Trong bài phát biểu tại hội nghị, GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh (Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam) nhấn mạnh tầm quan trọng của cây cổ thụ và việc bảo vệ cây cổ thụ tới đời sống: "Cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam dù ở đâu cũng đều là "máu" là "thịt", là món quà thiên nhiên ban tặng, là sự chăm chút, nâng niu của các thế hệ cha ông. Giữ gìn vẻ đẹp của chúng là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, là sự tri ân với tổ tiên và cũng chính là bảo vệ sự sống của chúng ta."

GS-TS Huỳnh Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Ông cho biết thêm về vai trò của việc vinh danh Cây Di sản: "Việc vinh danh Cây Di sản góp phần bảo tồn được cây cổ thụ của dân tộc. Điển hình như việc nhiều công trình lều quán (kể cả nhà ở) chèn ép xung quanh đền Voi Phục, Quán La (Tây Hồ); cây Đề xã Ngọc Liệp (Quốc Oai), cây Gạo Lũng Kênh Đức Giang (Hoài Đức), cây Đa xã Tiến Dược (Sóc Sơn)…đã được giải tỏa rất nhanh chóng, mặc dù trước đó rất khó giải tỏa vì sự chây ỳ của các chủ sở hữu. Thậm chí con đường cắt qua cụm Sanh 79 gốc ở Kim Bôi (Hòa Bình) cũng được huyện chỉ đạo nắn vòng ra phía ngoài sau khi có sự kiện vinh danh Cây Di sản.

Song ngay sau buổi làm việc, trong cuộc trao đổi riêng với TT&VH, ông cũng bày tỏ nỗi quan ngại sâu sắc với thực trạng bảo tồn cây cổ thụ quý của nước ta hiện nay: Kết quả bảo vệ Cây Di sản hiện nay vẫn chưa xứng tầm với thực tế với tài nguyên cây cổ thụ chúng ta có. Bởi với điều kiện tự nhiên thiên nhiên đa dạng, cùng lịch sử văn hiến lâu đời, chúng ta có rất nhiều cây đủ tiêu chuẩn di sản chứ không phải 800 cây như hiện tại.

"Nghiêm trọng hơn là tình trạng "xẻ thịt" cây cổ thụ quý bán ra nước ngoài. Như việc "sưa tặc" hoành hành, đốn hạ những cây sưa quý cả trăm tuổi ngay giữa Thủ đô là không thể chấp nhận được. Rồi những lộc vừng, xanh, si cổ thụ quý mang nhiều giá trị tâm linh của người Việt đã bị "đào tận gốc, trốc tận rễ" bán ra nước ngoài "- ông bùi ngùi.

Một trong hai cây dã hương cổ nhất thế giới ở Bắc Giang

Cậy nhờ cả vào ý thức chung

Nhờ được khoác thêm áo "Cây Di sản Việt Nam", nhiều cây cổ thụ đã trở nên nổi tiếng, được cộng đồng trong nước và quốc tế biết đến, góp phần tăng nguồn thu cho du lịch. Điển hình là rặng Duối Đường Lâm (Sơn Tây), cụm Lim (đền Cao - Hải Dương); 5 cây Thị ở Nghi Thịnh; Nghi Lộc (sát khu du lịch Cửa Lò - Nghệ An); cây Thị ở đền thờ bà Phi Yến và những cây Bàng ở nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu)…

Ở Việt Nam hiện tại có trên dưới 800 cây cổ thụ được vinh danh Cây Di sản, trong đó có những cá thể đặc biệt quý hiếm với cả thế giới như: cây Táu ở Việt Trì (Phú Thọ) trên 2.000 năm tuổi; cây Chò ở Vườn Quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình trên 1.000 năm tuổi; cây Sa mu dầu trên 1.000 năm tuổi, cao 70 mét ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), hay cây Dã Hương ở Tiên Lục (Bắc Giang) cũng trên 1.000 tuổi (đây là một trong hai cây Dã Hương cổ nhất thế giới có tên trong từ điển Bách khoa của Pháp năm 1932.

Cái "áo Cây Di sản" có tác dụng là vậy song việc "khoác áo" cho chúng không hề đơn giản. "Khó khăn nhất là vấn đề kinh phí và sự hiểu biết chưa thấu đáo của một số người trong cộng đồng. Nhiều người không biết rằng từ kinh phí phát động Sự kiện này cho đến hôm nay, không có nhà tài trợ nào hỗ trợ về tài chính. Toàn bộ chi phí là do nội lực của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các đơn vị và các chủ thể đang quản lý những cây này."- Ông Huỳnh nhấn mạnh.

"Chúng ta phải "xã hội hóa" việc bảo vệ Cây Di sản. Theo đó, người dân là trung tâm có trách nhiệm quản lý cùng sự giám sát của địa phương. Và việc một số người đặt vấn đề xin hỗ trợ kinh phí cho tổ chức sự kiện, in tờ rơi, cấp kinh phí chăm sóc và cho người bảo vệ; thậm chí có gia đình còn yêu cầu Hội BVTN&MT can thiệp giảm thuế sử dụng đất cho những nơi có cây được vinh danh di sản Việt Nam là không hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu của sự kiện và vai trò của Hội."- ông chia sẻ

Nghe đến đây, tôi nhớ tới hình ảnh rừng chè tuyết san cổ thụ hàng trăm ha ở Suối Giàng. Chính quyền ở đây cũng bảo vệ cây chè cổ thụ bằng việc giao trực tiếp cho từng hộ gia đình. Và người dân rất chăm chút đến cây chè bởi hằng năm, họ được hưởng lợi hàng chục triệu từ búp chè và lá chè. Còn việc cậy nhờ cả ý thức người dân, phó thác những cây cổ thụ ngàn tuổi với lớp áo bảo vệ Cây Di sản Việt Nam nghe chừng hơi…"phiêu".

Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm