Lũ về ngư dân tay trắng

05/11/2010 13:40 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tại tỉnh Khánh Hòa, mưa lũ tràn về đã khiến hằng trăm ha diện tích nuôi thủy sản của ngư dân ngập trắng, thiệt hại đã lên đến hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngư dân bỗng dưng tay trắng.

Ngày 4/11, ngư dân tại làng nuôi ốc hương Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, Nha Trang đang chết lặng vì ốc hương nuôi bị chết hàng loạt khi mưa lũ tràn về. Đầm Nha Phu trắng xóa nước bạc. Từng đợt sóng đánh vào những bè nuôi ốc hương như khiến lòng người xót xa. Trong mưa gió, một số người bơi thuyền ra thăm bè. Bà Nguyễn Thị Mẽo cho biết: “Tiếc công, tiếc của, ra vớt một ít về bán mua gạo ăn qua những ngày mưa lũ”.

Nghề nuôi ốc chết vì lũ


Lượm lặt chút ốc hương còn sót lại trên đầm Nha Phu

Lão ngư Đặng Ngọc Thông, 75 tuổi kể: “Đợt này ông bị mất khoảng 600kg ốc hương đã nuôi hơn 3 tháng, đạt từ 170- 200 con/kg, chuẩn bị thu hoạch, thiệt hại gần 100 triệu đồng”. Ông Thông vẫn ngậm ngùi cho là may vì ông định đầu tư nhiều hơn như các nhà khác.


Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng thôn cho biết: Xóm ông có đến 7 hộ lâm vào tình trạng như ông Thông, ước tính thiệt hại khoảng 3 tấn ốc giá trị gần 500 triệu đồng. Cả thôn có đến 300 hộ, trong đó 80% số dân nuôi ốc hương. Nhờ nghề ốc hương mà dân Cát Lợi khỏi đi biển, khỏi đốt rừng, phát rẫy. Đợt này, toàn thôn bị thiệt hại khoảng 70%.

Ông Đặng Ngọc Thông than thở: “Mưa lũ quá, nhiều lúc muốn ra cào ốc sớm hơn bán chạy lỗ cũng không được. Ở xã Vạn Lương đã có 22 chiếc thuyền bị chìm. Nên bà con không ai dám ra đầm trong mưa bão. Đành nhìn ốc chết mà xót xa. Số vốn đến vài trăm triệu đồng, giờ ốc chết, coi như sạt nghiệp”.

Khi lũ lớn đổ ra đầm Nha Phu, tỷ lệ nước ngọt tăng cao, ốc gặp nước ngọt chết la liệt. Vì vậy, bà con không dám cho ốc ăn bởi nếu ăn thì ốc sẽ trồi lên trên mặt cát, sẽ gặp nước ngọt và bị sóng đánh. Không được ăn, đang bị bệnh, nên số lượng ốc chết càng nhanh. Ốc hương đến kỳ thu hoạch có giá gần 160-200 ngàn đồng/kg, ốc bị bệnh nhiều người vớt mang ra đường bán với giá 30 ngàn đồng/kg. Ông Thạch cho biết thêm, nhiều nhà đã cố gắng thế chấp nhà để đầu tư, lần này coi như trắng tay. Đầm Nha Phu đang dần trở nên hoang vu.

Nuôi tôm cũng chết

Đến 16h ngày 4/11, lũ lụt đã làm 15 người chết, trong đó Đắk Lắk 1; Khánh Hòa 7; Phú Yên 4; Ninh Thuận 3; 4 người mất tích. Có 697 nhà nhà bị sập.

Không chỉ người nuôi ốc điêu đứng, tình trạng mưa lũ kéo dài, nhiều địa phương cũng điêu đứng vì tôm chết. Theo Ban Chỉ huy PCLB Khánh Hòa, mưa lũ đã làm ngập gần 160 ha đìa nuôi thuỷ sản, chủ yếu là tôm. Riêng tại phường Ba Ngòi (thị xã Cam Ranh) mưa đã làm ngập 30 ha đìa nuôi tôm, khi tôm đang ở độ 2 tháng nuôi, mức thiệt hại lên đến 12 tỷ đồng.


Mưa nhiều có nơi tổng lượng mưa đo được trong 4 ngày luôn ở mức cao như: Nha Trang gần 1.000mm, Cam Ranh 670mm, Ninh Hòa 628mm đã làm tỷ lệ ngọt hóa nước biển ở mức cao, khiến tôm, cá, ốc lăn ra chết. Có ngư dân thấy tiếc của nên liều mình ra đìa tôm ứng cứu không ít trường hợp phải chứng kiến bị thương, bị nước cuốn. Như thị xã Cam Ranh, lúc thời tiết đang mưa bão một ngư dân vẫn lặn chăm sóc tôm hùm nên bị thiệt mạng.

Hiện Khánh Hòa còn 689 ha đìa nuôi tôm cũng bị ảnh hưởng, khiến người nuôi trồng mất trắng hàng chục tỷ đồng. Ngoài thiệt hại về sản phẩm ngư nghiệp, tỉnh Khánh Hòa còn sạt lở hơn 1.000m3 đê kè, hư hỏng 8.300m kênh mương, đây là thiệt hại lâu dài đối với ngư dân.

Các hồ thủy điện ở Phú Yên vẫn xả lũ cường độ lớn

Chiều 4/11, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên thông báo, hồ thủy điện Sông Ba Hạ vẫn xả lũ với lưu lượng 4.656m3/giây; hồ thủy điện Sông Hinh xả 1.500m3/giây. Việc các hồ tiếp tục xả lũ cường độ lớn làm cho mực nước các sông trong tỉnh vẫn dao động ở mức cao; nhiều vùng bị cô lập. Do thời tiết vẫn có mưa kéo dài, nước lũ gây ngập tại các địa phương vẫn chưa rút xuống mà dao động lên xuống mức độ rất thấp. Hiện tại, tổng số nhà dân đang còn bị ngập lũ lên tới 2.596 nhà.

L. Kha

Quang Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm