Xử lý thực phẩm 'bẩn': Không thể 'bắt cóc bỏ đĩa'

20/05/2016 07:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa khi nào việc “ăn gì, uống gì” lại “nóng” như hiện nay và vấn đề an toàn thực phẩm đã vào nghị trường Quốc hội cho tới câu chuyện hàng ngày của người dân. Không chỉ các cơ quan quản lý mà cả hệ thống truyền thông của Nhà nước đang cùng vào cuộc để chung sức “dẹp” bỏ vấn nạn này.

Những chia sẻ dưới đây của ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) với phóng viên TTXVN sẽ làm rõ hơn những giải pháp của ngành công thương trong quá trình giám sát nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường.

* Thưa ông, số điện thoại đường dây nóng về an toàn thực phẩm của lực lượng Quản lý thị trường 1900585826 đã ra mắt được hơn 2 năm. Vậy, trong 2 năm qua kết quả đạt được như thế nào?

- Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công Thương giao, Cục Quản lý thị trường đã xây dựng và đưa vào hoạt động đường dây nóng về an toàn thực phẩm của lực lượng Quản lý thị trường thông qua số điện thoại 1900585826.

Qua hai năm thực hiện, Tổng đài đã nhận được 5.233 cuộc gọi đến và góp phần vào kết quả công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các hành vi liên quan đến công tác an toàn thực phẩm.


Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương). Ảnh: MOIT

Theo thống kê, năm 2014 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 12.177 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; phạt hành chính trên 40 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 30 tỷ đồng. Riêng năm 2015, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, xử lý 6.557 vụ vi phạm, tổng số phạt hành chính gần 21 tỷ đồng.

Cục cũng đã chỉ đạo tới từng Chi cục tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm 6 nhóm, ngành hàng do Bộ Công Thương quản lý theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm. Cùng với đó, các Chi cục cũng chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, động vật tươi sống không bảo đảm an toàn thực phẩm.

* Công tác kiểm tra xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Vậy, theo ông có sự chồng chéo nào trong phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan, ban ngành hay không?

- Hiện nay có 3 đơn vị được giao quản lý về an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương. Mỗi một đơn vị đều có chức năng, nhiệm vụ riêng; trong đó, lực lượng quản lý thị trường là nòng cốt, kiểm soát khâu phân phối, lưu thông với một địa bàn rất rộng.

Để xử lý một vụ việc, luôn phải có lực lượng quản lý thị trường trong khi thực tế không phải lúc nào lực lượng này cũng sẵn sàng đủ cơ số cán bộ. Tuy nhiên, việc triển khai phối hợp giữa các đơn vị vẫn còn những lúng túng. Đó là chưa kể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn chồng chéo và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên dẫn tới tình trạng "nhờn luật", người vi phạm tìm mọi cách qua mặt cơ quan chức năng.


Xử lý thực phẩm "bẩn": Lúng túng trong phối hợp quản lý. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm vẫn chủ yếu là nhắc nhở, năng lực các cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở yếu, có tâm lý tránh va chạm trong quá trình kiểm tra.

Việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được cải thiện, còn hơn 50% tổng số gia súc, gia cầm giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Do vậy, việc kiểm tra vệ sinh thú y mới chỉ thực hiện khi sản phẩm đã đưa ra lưu thông, chưa kiểm tra được vệ sinh thú y trước, trong quá trình giết mổ, do đó tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm.

* Có một thực tế là cường độ tăng cường kiểm tra, thanh tra của cơ quan càng nhiều thì số cơ sở vi phạm theo đó cũng có chiều hướng gia tăng. Vậy, Bộ Công Thương có giải pháp gì để xử lý triệt để vấn đề này, thưa ông?

- Tôi cho rằng, công tác truyền thông tại địa phương còn hạn chế khiến người tiêu dùng vẫn vô tư tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, đây cũng là hành vi tiếp tay cho thực phẩm "bẩn".

Mặt khác, các phương tiện thông tin đại chúng mới chỉ phản ánh nhiều về các hành vi, vi phạm mà chưa tuyên truyền, nêu gương, khuyến khích các mô hình sản xuất, quản lý an toàn thực phẩm tốt, tiên tiến. Trong khi đó, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chỉ đạo, điều hành còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa rõ ràng.

Những tồn tại này khiến thực phẩm "bẩn" vẫn được tuồn về nội địa và được tiêu thụ trên diện rộng. Song, hai khâu trọng yếu nhất cần khắc phục để trị “căn bệnh” nan y này từ gốc chính là phải đẩy mạnh sản xuất sạch và kiểm soát xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức cung ứng thực phẩm "bẩn".

Hiện nay, tình trạng chung của ngành sản xuất, chăn nuôi là manh mún, nhỏ lẻ, không có chính sách động viên cụ thể với người sản xuất sạch và chế tài xử lý nghiêm khắc với những người sản xuất vô đạo đức. Mặt khác, sản phẩm bẩn lại thả sức tung hoành tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, thời gian tới theo tôi cần chú trọng làm tốt các vấn đề đã nêu ở trên.

Riêng với trách nhiệm quản lý nhà nước về thực phẩm đã được quy định rõ tại Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong phạm vi, thẩm quyền được giao, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch; trong đó có kiểm tra xử lý vi phạm tại các chợ, siêu thị.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, các vi phạm vẫn tái diễn; trong đó có việc do lợi nhuận mang lại cao, các đối tượng làm ăn phi pháp không từ bất cứ phương thức, thủ đoạn nào để vi phạm. Để hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này cần thực hiện đồng độ, quyết liệt nhiều giải pháp tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

* Thực phẩm “bẩn” đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội, xin ông cho biết vai trò của Bộ Công Thương trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn” để mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng trong thời gian tới?

- Do đây là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên từ nhiều năm qua Bộ Công Thương coi đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài và trọng tâm.

Trong thời gian tới, trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, theo tôi, trước hết cần tiếp tục rà soát, tổng hợp các vướng mắc, đặc biệt lưu ý phát hiện các phương thức thủ đoạn mới, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng làm ăn phi pháp. Qua đây nhằm giúp xây dựng hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý để quản lý và phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Cùng với đó, các lực lượng Thanh tra Công Thương và Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là trong các dịp cao điểm. Mặt khác, chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Thanh tra chuyên ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các địa phương; chú trọng kiểm tra các cơ sở đã được tuyên truyền, ký cam kết.

Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vì lợi ích cá nhân trước mắt mà gây hại cho người dân và cả nền kinh tế, không sản xuất, kinh doanh, không chứa chấp thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, các Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục tổ chức ký cam kết không sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, chú trọng tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức tránh sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, không tham gia, tiếp tay các hành vi vi phạm pháp luật, sẵn sàng cung cấp thông tin vi phạm cho các cơ quan chức năng. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ công chức quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành trong sạch, vững mạnh, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, không nhũng nhiễu, tiêu cực.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

TTXVN/Uyên Hương (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm