Xóa rào cản y tế về HIV cho 30.000 người đồng tính và chuyển giới tại TP.HCM

07/11/2015 18:55 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) -  Chính sự bế tắc trong chia sẻ của người đồng tính đã khiến họ co cụm, lẩn trốn, dẫn đến thực hiện những “hành vi trong bóng tối” với sự hiểu biết hạn chế về HIV.

Ngày 7/11, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Mạng lưới quốc gia của những người sống với HIV/AIDS tại Việt Nam (VNP+) và Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường do tổ chức PATH thực hiện tổ chức Diễn đàn “Rào cản tiếp cận dịch vụ y tế về HIV của người đồng tính nam và chuyển giới tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Với mục đích tăng cường truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với cộng đồng người đồng tính nam và người chuyển giới, Diễn đàn là sự khởi đầu cho chuỗi sự kiện đánh dấu 25 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Ảnh có tính chất minh họa

Tại diễn đàn, Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi cộng đồng và xã hội xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng người đồng tính nam và người chuyển giới, giúp họ hòa nhập, tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc y tế liên quan đến HIV.

“Việc thay đổi quan điểm về người đồng tính nam và chuyển giới cũng sẽ khẳng định việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử với họ là một biện pháp phòng, chống HIV/AIDS và đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người dân. Điều này sẽ góp phần thực hiện các cam kết trong phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam với Liên hợp quốc, hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030”, bà Tiêu Thị Thu Vân nói.

Từ những câu chuyện có thật của một số người đồng tính nam và người chuyển giới chia sẻ tại diễn đàn, có thể thấy rào cản lớn nhất đối với người đồng tính và chuyển giới trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế về HIV chính là sự kỳ thị của gia đình, xã hội.

Bác sĩ Tú Anh, Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS quận 11 cho rằng, có rất nhiều người đồng tính nam và chuyển giới đã đến Phòng khám để được tư vấn và cho biết họ không nói được với ai, không biết hỏi ai về tình trạng bệnh của mình. Chính sự bế tắc trong chia sẻ của người đồng tính đã khiến họ co cụm, lẩn trốn, dẫn đến thực hiện những “hành vi trong bóng tối” với sự hiểu biết hạn chế về HIV.

Theo ông Nguyễn Anh Phong, đại diện Mạng lưới quốc gia của những người sống với HIV/AIDS tại Việt Nam, để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử, bên cạnh việc trông chờ quan điểm của gia đình và xã hội thay đổi thì chính những người đồng tính nam và chuyển giới cần vượt khó vươn lên, khẳng định bản thân bằng những thế mạnh riêng, sống lành mạnh và lương thiện.

Theo số liệu nghiên cứu gần đây của Mạng lưới quốc gia của những người sống với HIV/AIDS tại Việt Nam, ước tính có khoảng 30.000 người đồng tính nam và chuyển giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Việt Nam, người đồng tính nam và chuyển giới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, ước tính tại khu vực thành thị, tỷ lệ lây nhiễm là khoảng 16% ở người đồng tính nam và 18% ở người chuyển giới./.

Nguyễn Cúc (TTXVN)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm