08/01/2018 21:13 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Hội đồng xét xử đã tập trung xét hỏi các bị cáo nhằm làm rõ về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Trước khi bước vào phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử đã quyết định đưa hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh vào phòng cách ly.
Biết hợp đồng chưa đủ điều kiện vẫn ký
Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, cáo trạng nêu rõ: Năm 2010, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) góp vốn đầu tư vào 46 công ty với tổng giá trị đầu tư tài chính là 3.147,92 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng vốn điều lệ. Năm 2011, góp vốn đầu tư (cũ và mới) vào 43 đơn vị với tổng giá trị đầu tư tài chính là 3.460,94 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng vốn điều lệ. Tổng mức đầu tư tài chính vượt gần 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.
Để tạo điều kiện cho PVC trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bị cáo Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVN đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và yêu cầu bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định (hợp đồng EPC là hình thức Hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư thiết bị - Xây lắp).
Tiếp đó, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo các bị cáo: Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN), Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán PVN), Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN), Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN) căn cứ Hợp đồng này để tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC trái quy định.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các bị cáo: Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC), Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) và Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là trái với khoản 2 Điều 31 Nghị định số 09/2009/NĐ-CP, khoản 6 Điều 17 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP.
Căn cứ vào Kết luận giám định, Viện kiểm sát cho rằng có đủ cơ sở xác định hành vi của bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Khai tại Tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận cho rằng Hợp đồng EPC số 33 chưa đầy đủ vì chưa có hồ sơ đề xuất gói thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, biểu mẫu, phụ lục, điều khoản và điều kiện hợp đồng… Tuy chưa đầy đủ, nhưng bị cáo vẫn ký là do mong muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, để có tiền trả nợ ngân hàng và chuyển tiền vào các công trình khác. Mặt khác, cũng theo bị cáo Thuận, về mặt năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, tại thời điểm đó PVC chưa có đủ.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh khai: Khi tham gia ký xong mới biết Hợp đồng EPC số 33 còn thiếu nhiều thủ tục hồ sơ pháp lý cơ bản theo quy định nên Hợp đồng đó chưa đủ cơ sở để thực hiện. Khi Hội đồng xét xử nêu câu hỏi, tại sao biết Hợp đồng EPC số 33 có vấn đề lại không lập tức điều chỉnh bổ sung trong Hợp đồng số 4194 (Hợp đồng chuyển đổi chủ đầu tư về PVN), bị cáo Nguyễn Quốc Khánh khai chỉ tiếp nhận trạng thái của Hợp đồng EPC số 33 và cho rằng cấp dưới của PVPower làm sai, chỉ báo cáo về một số nét cơ bản của Hợp đồng này chứ không bàn giao hồ sơ và bản thân không kiểm tra giám sát.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cũng cho rằng nếu đợi hoàn thiện hồ sơ rồi mới ký Hợp đồng 4194 sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó, tiến độ Dự án rất gấp, cần có vốn để kịp khởi công.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh khai việc ký Hợp đồng 4194 là do bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo và bị cáo Phùng Đình Thực ủy quyền. Sau khi ký Hợp đồng 4194, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh không báo cáo lại cho bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực về những thiếu sót của Hợp đồng EPC số 33 vì cho rằng các bị cáo này vốn đã biết rất rõ.
Chi tiền tạm ứng sai quy định
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) cho rằng việc ký và thực hiện Hợp đồng EPC số 33 là sai. Bị cáo cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các thiếu sót của Hợp đồng EPC số 33 về sau là có cơ sở, điều này dựa trên tiến độ của dự án. Do đó, bị cáo Quỳnh vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn, đồng thời tiếp tục chỉ đạo cấp dưới chi tiền tạm ứng.
Sự thiếu sót của Hợp đồng EPC số 33 cũng đã được bị cáo Ninh Văn Quỳnh báo cáo với Nguyễn Xuân Sơn, song Nguyễn Xuân Sơn vẫn chỉ đạo bị cáo Quỳnh chuyển tiền và nói rằng Hợp đồng EPC số 33 sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh sau.
“Thời điểm đó, cả Tập đoàn đều biết Hợp đồng EPC số 33 còn thiếu sót nhưng vẫn phải chuyển tiền để thực hiện Dự án. Sở dĩ Hợp đồng EPC số 33 chưa có hiệu lực nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền một phần là do áp lực chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn, một phần là do nhận thức của bị cáo. Tại thời điểm đó, bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là sai. Chỉ sau khi đoàn kiểm tra của PVN làm việc, bị cáo đã nhận thấy hành vi của mình là sai nghiêm trọng”, bị cáo Quỳnh khai.
Về vấn đề này, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, giá trị hợp đồng còn có thể điều chỉnh, bổ sung. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử hỏi về các yếu tố cơ bản của hợp đồng chưa hoàn thành, liệu có đủ cơ sở pháp lý để bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo cấp dưới chi tiền? Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng buộc phải chi tiền do áp lực chỉ đạo của Hội đồng thành viên Tập đoàn và dự án cũng cần tiền để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích
Trả lời trước Tòa, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) khai, sau khi nhận chức Kế toán trưởng, bị cáo đã có một báo cáo tài chính, trong đó nội dung thể hiện rõ tình hình kinh tế của PVC rất khó khăn, số tiền đầu tư vượt so với vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng, các khoản công nợ phải thu của PVC (tại thời điểm bị cáo nhận vai trò Kế toán trưởng) là rất lớn. Ngoài ra, các đơn vị khác chiếm dụng vốn của PVC nhưng không trả lãi, trong khi PVC phải đi vay ngân hàng, phải trả lãi.
Bị cáo Phạm Tiến Đạt cũng đã kiến nghị lãnh đạo PVC phải có phương án thu hồi công nợ và có cảnh báo về tình trạng thua lỗ. Bị cáo Đạt cũng đã báo cáo Hội đồng quản trị PVC rằng tình trạng tài chính của Tổng Công ty rất khó khăn, khó bố trí vốn để góp vào các công ty khác. Tuy nhiên, sau đó bị cáo Phạm Tiến Đạt vẫn ký vào các chứng từ chi tiền do buộc phải sử dụng số tiền tạm ứng từ PVN cho PVC để trả nợ ngân hàng, thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Trong phần thẩm vấn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC Nguyễn Văn Tiến thừa nhận PVC đã sử dụng khoản tiền tạm ứng sai mục đích. Bị cáo Tiến cũng thừa nhận chỉ dành gần 200 tỷ đồng sử dụng vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Khai tại tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận thừa nhận hành vi chi tiền tạm ứng là sai trái. Bị cáo Vũ Đức Thuận khai, sau khi nhận được tiền tạm ứng, PVC rất khó khăn về tài chính nên đã dùng tiền tạm ứng để trả gốc, lãi của ngân hàng, góp vốn vào một số đơn vị khác và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc sử dụng số tiền tạm ứng này do bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo trực tiếp.
Ngày 9/1, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất