22/02/2012 11:11 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Tâm lý chủ quan, đánh cược tài sản của mình vào “may rủi” công với việc khó mua bảo hiểm cháy nổ cho hàng hóa, khiến hầu hết các tiểu thương đều không có thói quen mua bảo hiểm tài sản. Vì thế, số phận những khối hàng hóa hàng tỷ đồng luôn bấp bênh bên miệng “bà hỏa”.
Vụ cháy chợ Quảng Ngãi vào đầu tháng 2 vừa qua để lại con số thiệt hại không hề nhỏ mà không tiểu thương nào có bảo hiểm về tài sản hàng hóa. Không những thế, đến nay tại các chợ lớn, hầu hết các tiểu thương đều thờ ơ hoặc viện ra đủ mọi lý do để chốn tránh việc mua bảo hiểm cháy nổ.
Nghìn lý do để không mua
Có một thực tế là chỉ sau khi vụ cháy xảy ra thì người trong cuộc mới nhận ra tầm quan trọng của bảo hiểm cháy nổ. Chính tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng” đã khiến không ít tiểu thương rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Dạo quanh một vài khu chợ lớn ở Hà Nội như: Ninh Hiệp, Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Đồng Xa... việc mua bảo hiểm cháy nổ đều không được các tiểu thương quan tâm. Khi được hỏi, nhiều người còn tỏ ra khó chịu. Tại chợ Ninh Hiệp những người bán hàng cho rằng, hỏa hoạn là điều cực kỳ hi hữu và không thể xảy ra. Việc mua bảo hiểm là việc... thừa thãi và mất thời gian. Thậm chí nhiều tiểu thương còn tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe nói đến loại hình bảo hiểm này.
Hầu hết các tiểu thương đều không mặn mà với bảo hiểm cháy nổ
(Ảnh chụp tại chợ Đồng Xuân)
Một người bán hàng quần áo ở đây phân trần: “Mua bảo hiểm phải kê khai rất rắc rối. Hơn nữa, buôn bán thuộc về may rủi, nếu có không may thì cũng đành phải chấp nhận...”
Chợ Đồng Xuân từng xảy ra cháy vào năm 1994 và đây được xem như vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề nhất cho tới thời điểm lúc đó, tuy nhiên khi nhắc đến bảo hiểm cháy nổ thì các chủ sạp đều lắc đầu quầy quậy. Anh P.T.H (chủ hàng vải) cho biết: “Cả chợ không ai mua nên tôi cũng không mua”.
Trong khi đó, tại chợ Ngã Tư Sở mặc dù ý thức được nguy cơ cháy nổ luôn ở mức cao song các tiểu thương ở đây cũng viện ra hàng nghìn lý do cho việc không mua bảo hiểm cháy nổ. Chị Huệ (chủ cửa hàng bán quần áo) lý giải: “Buôn bán lời lãi không được bao nhiêu. Thêm nữa nếu có muốn mua bảo hiểm thì chúng tôi cũng không biết đơn vị nào là uy tín, sau này nếu có rủi ro xảy ra thì liệu có chắc chắn được đền bù hay không?”
Muốn mua cũng không dễ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Mạnh - Phó ban Quản lý chợ Ngã Tư Sở, cho biết: “Không phải cứ muốn mua bảo hiểm cháy nổ là được mà còn phải đảm bảo rất nhiều điều kiện ràng buộc. Chợ Ngã Tư Sở cơ sở vật chất quá xập xệ, các phương tiện về PCCC đều không đảm bảo nên dù có muốn mua bảo hiểm cháy nổ để hạn chế rủi ro cho các chủ hàng cũng không có đơn vị bảo hiểm nào đồng ý bán...”
Điều kiện để mua được bảo hiểm cháy nổ, là các chợ phải có giấy chứng nhận đạt yêu cầu PCCC, có hệ thống báo cháy tự động, thiết bị chữa cháy, họng chứa nước... Quan trọng nhất là phải có sổ thu chi kê khai, lưu trữ hàng hóa thường xuyên. Trong đó việc theo dõi và ghi chép đầy đủ các danh mục hàng hóa từng ngày, tháng cụ thể. Khi có rủi ro, đơn vị bảo hiểm mới có đủ cơ sở để giám định, xác định mức độ thiệt hại.
Bà Cao Thị Vinh (Trưởng phòng Kinh doanh Công ty bảo hiểm AAA – chi nhánh Hà Nội) xác nhận: “Hiện nay có bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm cháy nổ tự nguyện. Tuy nhiên, cả hai loại hình này đều đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt”.
Vụ cháy chợ Quãng Ngãi hôm 9/2. Ảnh: Đăng Lâm - TTXVN
Cũng theo bà Vinh, rất nhiều tiểu thương ở các khu chợ Hà Nội còn chưa thực hiện nghiêm túc việc mua bảo hiểm bắt buộc: “Đối với các chợ có đủ giấy chứng nhận an toàn về PCCC, AAA vẫn triển khai bảo hiểm cháy nổ cho nhà lồng chợ và tất cả các tiểu thương trong chợ. Tuy nhiên, chỉ có một số chợ như: Đồng Xuân, chợ Xuân Đỉnh... là còn có lác đác vài tiểu thương mua loại hình bảo hiểm này. Nhưng các chủ sạp chỉ đóng một phần bảo hiểm so với giá trị thực của hàng hóa nghĩa là tuân thủ quy định một cách chống đối và hời hợt.
Hầu hết, tiểu thương còn có cái nhìn chưa khách quan về bảo hiểm cháy nổ, họ chỉ thấy được quyền lợi trước mắt mà chưa tính toán được những quyền lợi lâu dài. Đây cũng là khó khăn trong việc tiếp cận người mua cũng như kinh doanh loại hình dịch vụ này....”
Một nhân viên thuộc Công ty bảo hiểm Bảo Minh phân tích, khó khăn trong việc bán bảo hiểm cháy nổ là phải thường xuyên lập danh mục tài sản, hàng hóa... Trong khi đó, phần lớn hàng hóa của các tiểu thương trong chợ thường không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ rõ ràng nên gây khó trong việc tính toán giá trị tổn thất nếu có rủi ro xảy ra.
Khó quản lý
Có rất nhiều lý do khiến cho các tiểu thương “né” bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Trong đó việc kê khai tài sản bắt buộc khiến nhiều chủ hàng e ngại. Bởi điều này còn liên quan đến hóa đơn, chứng từ và việc đóng thuế hằng tháng.
Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam lý giải: “Mặc dù, hệ thống văn bản pháp lý đã quy định chi tiết các đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm cháy nổ nhưng hầu hết các tiểu thương ở các chợ đều không thực hiện nghiêm túc. Với mức phí bảo hiểm là 0,1% - 0,3% trên giá trị tài sản và các điều kiện đi kèm khiến cho các tiểu thương “trốn mua” bằng mọi cách.
Mặt khác về phía các doanh nghiệp bảo hiểm cũng “ngại” bán cho các đối tượng này vì phải đối mặt với nhiều rủi ro. Hiện nay ở các chợ trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thì việc thực hiện công tác PCCC chưa được đảm bảo. Khoảng cách cháy an toàn, tường chống lửa đúng theo yêu cầu PCCC hầu như không có, các sạp đều được bố trí san sát, liền kề nên việc cháy nổ là rất dễ xảy ra. Một khi đã cháy thì sẽ thiêu rụi toàn chợ, tức là khoản phí phải chi trả sẽ rất lớn. Trong khi đó giá trị hàng hóa không có ai giám định cụ thể nên công ty bảo hiểm rất khó để triển khai.
Một vấn đề nữa là việc quản lý mua bảo hiểm bắt buộc cháy nổ lại chưa được kiểm tra một cách gắt gao, chính vì thế quy định này vẫn chỉ mang tính hình thức. Một khi hỏa hoạn xảy ra thì người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là các tiểu thương.
Hà Trang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất