Trong mấy ngày nay, giá USD trên thị trường tự do liên tục tăng nóng, trong khi đó, tỷ giá chính thức trong các ngân hàng thương mại tiếp tục được niêm yết với giá mua - bán ở mức kịch trần (19.500 VND/USD). Càng về cuối năm áp lực tỷ giá càng lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. (Nguồn: Internet).
|
Sau gần hai tuần tăng nhiệt liên tiếp, giá bán USD trên thị trường tự do đã vươn tới 21.550 đồng sáng 2/12, cao hơn tỷ giá trần niêm yết tại ngân hàng tới 2.055 đồng/USD. Từ chiều 2/12, giá đã hạ nhiệt và đến sáng nay 3/12 ở mức 21.450 đồng/USD.
Các chuyên gia nhận định, giá USD tăng mạnh là do vào những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng USD để thanh toán, nhập hàng bán Tết tăng cao. Thêm vào đó, đây là thời điểm đáo hạn vốn vay ngoại tệ của những tháng đầu năm nên cung - cầu ngoại tệ càng thêm căng thẳng.
Chênh tỷ giá, ngân hàng "khan" ngoại tệViệc tỷ giá trên thị trường chợ đen cứ nhích dần trong gần 2 tháng qua đã khiến các ngân hàng thương mại ngày càng khó khăn hơn trong việc thu hút USD từ bên ngoài.
Giá USD trên thị trường tự do tăng nóng bỏ xa tỷ giá niêm yết chính thức trong các ngân hàng thương mại nên một số doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ cũng không "mặn mà" với việc bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Chính việc doanh nghiệp găm giữ lại ngoại tệ để dành trang trải cho các khoản nợ sắp đến hạn đã thêm một tác động trở lại khiến áp lực càng gia tăng lên tỷ giá.
Cũng vì sự chênh lệch tỷ giá lên tới hơn 2.000 VND/USD khiến nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua các ngân hàng thương mại cũng khó có thể nằm lại ngân hàng do người nhận kiều hối không bán lại. Cùng đó là tâm lý kỳ vọng tỷ giá còn tăng nên nhiều người muốn giữ ngoại tệ.
Bên cạnh đó, tín dụng bằng ngoại tệ được đánh giá đang có dấu hiệu sụt giảm trước biến động của tỷ giá trên thị trường do gần đây khiến doanh nghiệp và cả ngân hàng đều thận trọng hơn đối với tín dụng ngoại tệ.
Hàng loạt các nguyên nhân khiến các ngân hàng vì thế khó thu hút được ngoại tệ dẫn đến khan nguồn hàng. Trong khi đó, cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng cho mục đích thanh toán hàng nhập khẩu cuối năm đang gia tăng.
Một lãnh đạo của Eximbank cho biết, trong hơn 1 tháng trở lại đây, các doanh nghiệp nhập khẩu (không có nguồn thu bằng ngoại tệ) đã phải hạn chế sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ. Eximbank cũng chỉ ưu tiên vốn USD cho các doanh nghiệp xuất khẩu để nhập nguyên liệu.
Một số ngân hàng cổ phần khác cũng chỉ đạo cho các chi nhánh phải tự hạn chế và điều tiết lượng ngoại tệ bán ra theo thứ tự ưu tiên. Thậm chí, có ngân hàng còn đề ra mức khống chế lượng bán ra trong ngày đối với từng chi nhánh tùy theo quy mô của chi nhánh đó. Đây là biện pháp bất đắc dĩ để ứng phó với hoàn cảnh thiếu nguồn cung ngoại tệ thương mại như hiện nay.
Doanh nghiệp nhập khẩu khốn đốnHiện nay, để mua được ngoại tệ trong ngân hàng để mở L/C là hết sức khó khăn đối với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Công ty Hải Vân chuyên về nhập khẩu máy móc trên địa bàn Hà Nội cho biết, đang cần khoảng 20.000 USD trả nợ hàng nhập khẩu, nhưng không thể mua được ở ngân hàng, dù Công ty đã có mối quan hệ lâu năm trong mua bán ngoại tệ với nhà băng.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị văn phòng cho biết, đang phải khất nợ đối tác nước ngoài vì không thể cắn răng mua ngoại tệ vào thời điểm này. Theo ông này, mỗi lần chuyển trả, công ty phải mua vài trăm ngàn USD.
Căng thẳng nhất có lẽ vẫn phải kể đến các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô khi lượng ngoại tệ mà các doanh nghiệp này phải chuyển trả mỗi lần có thể lên tới cả triệu USD. Đó cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải nằm im theo dõi giá tỷ giá chứ không dám nhập thêm xe mới trong khi áp lực đòi xe từ những khách hàng (đã đặt cọc) ngày càng tăng.
Những doanh nghiệp mua được USD từ ngân hàng thì giá cũng lên tới 21.500 USD gần bằng giá chợ đen vì ngân hàng cộng phí trả sau từ 4-6%.
Hệ lụy từ bài toán chênh tỷ giáNhiều doanh nghiệp nhận định rằng, nếu cứ duy trì tình trạng này, việc hạch toán của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ bị méo mó, không trung thực.
Mua USD giá 21.500 đồng nhưng lại hạch toán 19.500 đồng, còn lại phải hạch toán dưới các hình thức khác. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, vô tình đã đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng vi phạm pháp luật. Bởi luật pháp quy định doanh nghiệp và ngân hàng phải mua bán USD trong biên độ và tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Việc biến động tỷ giá ngoại hối ngoài trở thành rào cản lớn nhất cho tăng trưởng xuất nhập khẩu, sẽ gây khó khăn rất nhiều cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế.
TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, giá mua - giá bán USD trong và ngoài ngân hàng đang ngày càng dãn ra cho thấy nguồn cung USD đang có dấu hiệu căng thẳng, thị trường ngoại hối có những bất ổn nhất định, tiền đồng đang chịu áp lực lớn.
Một chuyên gia khác bày tỏ, nguy hiểm của việc giá USD tăng liên tục đó là ảnh hưởng đến lạm phát, ảnh hưởng niềm tin giá trị tiền đồng (bởi sẽ xuất hiện xu hướng người dân đi rút tiền đồng chuyển sang USD). Trong những ngày qua, giá USD trong nước tăng có phần thị trường USD tự do lũng đoạn cộng với nguồn cung thiếu. Điều này cho thấy công tác quản lý thị trường của cơ quan chức năng còn hạn chế.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, mặc dù đã công bố sẽ "sẽ cung cấp đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu" nhưng chưa rõ là số ngoại tệ này đã được "bơm" ra chưa, bao nhiêu và các mặt hàng nào là được nằm trong danh mục "thiết yếu?"
Mặt khác, trước nhu cầu USD lớn như hiện nay thì "bơm" ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này cho thấy là chưa đủ để hạ nhiệt thị trường.
Theo chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cần phải áp dụng các biện pháp hành chính hoặc kinh tế mạnh tay và kịp thời hơn để nhanh chóng thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá thực giao dịch để các ngân hàng, doanh nghiệp có thể mua được số lượng ngoại tệ cần và đủ đúng với tỷ giá niêm yết.
Theo Vietnam+