17/08/2020 19:57 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - WHO đã công bố kết quả của mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy, tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất.
Ngày 17/8/2020, tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Chương trình phòng, chống lao Quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới đã giảm 25%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng đã giảm 11%.
*Tỷ lệ phát hiện ca bệnh giảm mạnh
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho biết, kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là “Đại dịch toàn cầu” vào cuối tháng 1/2020, dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ phát hiện ca bệnh lao trên thế giới đang giảm tới 25%. Tổng số ca tử vong lao, HIV, sốt rét trên toàn thế giới ước tính là 2,4 triệu người, riêng tử vong vì lao đã chiếm 1,5 triệu ca. Nguyên nhân được cho rằng vì việc giãn cách xã hội, nhiều người mắc bệnh lao không tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ, dẫn tới tử vong.
WHO đã công bố kết quả của mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy, tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất. “Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao được dự báo (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca vào năm 2020. Con số này tương ứng với mức tử vong toàn cầu do lao vào năm 2015, một bước lùi nghiêm trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu của Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc về Lao và Chiến lược thanh toán bệnh lao của WHO”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung thông tin.
Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, số liệu phát hiện của Chương trình Chống lao Quốc gia có xu hướng giảm mạnh (11%) so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số người được xét nghiệm X-pert MTB-Rif là trên 71.000 người, số bệnh nhân thu dung là 1.516, chỉ đạt 64,8% so với chỉ tiêu. Tỷ lệ bỏ điều trị tiếp tục ở mức cao (15,3%) và luôn ở mức cao trong các năm gần đây. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (85,1%), đạt chỉ tiêu của WHO, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu Chương trình chống lao Quốc gia đã đề ra là hơn 90%.
Hiện Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
* Mở rộng triển khai kiểm soát lây nhiễm lao
Mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 nhưng 6 tháng đầu năm, Chương trình chống lao Quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Bên cạnh đó, mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 48/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Chương trình tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới; đồng thời hỗ trợ tham mưu Bộ Y tế về cơ cấu tổ chức, hoạt động của 15 tỉnh không có bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo nhân lực triển khai công tác chống lao.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các tỉnh, thành đã rất nỗ lực triển khai các hoạt động khi chấm dứt giai đoạn cách ly xã hội. Việc đạt 44,3% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm và tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 6 tháng đầu năm đạt 45,2% chỉ tiêu kế hoạch, đều là những con số rất đáng khích lệ đối với chương trình. Tuy vậy, để đạt được chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương cần tăng cường phát hiện chủ động, sử dụng tối đa xe Xquang kỹ thuật số, phối hợp điều trị lao tiềm ẩn”, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia lưu ý.
Chương trình cần tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV, đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực như phát hiện chủ động bệnh nhân lao cho các nhóm nguy cơ, cộng đồng dân cư tại các khu vực khó tiếp cận. Đồng thời, chương trình tăng cường sàng lọc chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ, mở rộng triển khai kiểm soát lây nhiễm lao. Cùng với đó, chương trình không ngừng nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trong phòng chống lao tại Việt Nam.
Bích Thủy - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất