Trịnh Xuân Thanh chối bỏ vai trò trong việc xin tiền tạm ứng

09/01/2018 13:59 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay (9/1), phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Trong phần thẩm vấn bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) sáng 9/1, khi được Hội đồng xét xử hỏi về việc tự nhận thấy có sai sót gì trong việc ký Hợp đồng EPC số 33 của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã thừa nhận không đọc kỹ những nội dung chính của Hợp đồng số 33 này mà đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) ký. 

Khai tại Tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết, theo các báo cáo kiểm toán chính thống, tình hình tài chính của PVC thời điểm năm 2011 vẫn có lãi. Tuy nhiên, lãi bao nhiêu thì bị cáo không nhớ, nhưng cũng đã có tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Sự chênh lệch giữa vốn đầu tư cho các công trình khác, các công ty con, so với vốn điều lệ là rất lớn. 

Theo bị cáo Thanh, lúc này PVC là 1 trong 5 mũi nhọn của PVN, thực hiện các dịch vụ thi công xây lắp ở trên bờ. Do đó, khi thực hiện tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ, PVN đã chuyển một số công ty khác về PVC. PVC lúc đó chỉ vay vốn để sản xuất kinh doanh, nhưng khi các công ty con này chuyển về, PVC đã phải vay vốn để có tiền góp vốn vào các công ty con.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Giải thích lý do vì sao PVN chỉ định thầu cho PVC, Trịnh Xuân Thanh khai, theo Luật Đấu thầu không thể chỉ định thầu cho các công ty nước ngoài. Khi PVN chỉ định thực hiện gói thầu EPC số 33, bị cáo và PVC rất mừng, đồng thời đã liên hệ với các đơn vị đối tác tư vấn nước ngoài. Mặc dù biết năng lực tài chính của PVC lúc này có vấn đề, nhưng bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng Việt Nam chỉ có PVC có đủ khả năng thực hiện tổng thầu này thôi. “Dựa vào kinh nghiệm đã từng hợp tác thành công với Lilama (Tổng Công ty lắp máy Việt Nam) ở nhiều công trình khác, anh Thăng và bị cáo hy vọng sẽ xây dựng một đơn vị tốt, làm lợi cho Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực kinh nghiệm cho PVC”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai. 

Về quá trình chuẩn bị hồ sơ thủ tục cho Hợp đồng EPC số 33, Trịnh Xuân Thanh khai, Hội đồng quản trị đã giao Tổng Giám đốc Vũ Đức Thuận chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ. Vì trong thời gian ngắn nên việc chuẩn bị hồ sơ không thể kịp, đặc biệt là hồ sơ đề xuất. Trong khi đó, lãnh đạo PVN bắt buộc khởi công dự án đúng kế hoạch, thiếu giấy tờ thì cho nợ. 

Tuy nhiên, bị cáo Thanh vẫn cho làm văn bản báo cáo, nói rõ nhanh nhất là tháng 5, Hợp đồng EPC số 33 mới hoàn thiện đầy đủ hồ sơ. Trước sức ép từ PVN, bị cáo vẫn chỉ đạo triển khai dự án. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhận trách nhiệm trong việc Hợp đồng EPC số 33 không có phụ lục và cho biết chỉ đọc tờ trình thể hiện giá trị hợp đồng mà không đọc hồ sơ hợp đồng. 

Về vấn đề xin tiền tạm ứng của PVN, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng mình không liên quan bởi đây là thẩm quyền của Tổng Giám đốc, không cần báo cáo, không cần thông qua Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai, việc chi tiêu khoản tiền tạm ứng đó thuộc thẩm quyền của Ban giám đốc PVC và Kế toán trưởng có trách nhiệm báo cáo với Tổng Giám đốc mà không phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị. 

 

“Sau này bị cáo có phát hiện ra việc chi tiêu đó, khoảng tháng 9/2011 và có yêu cầu, bị cáo cũng trực tiếp báo cáo PVN. Bị cáo nhớ là trong các nghị quyết của PVC đều ghi phải góp vốn bằng tiền vay hoặc tiền sẵn có nên các khoản chi sai đó là trách nhiệm của Kế toán trưởng. Việc góp vốn phải có sự thông qua của Hội đồng quản trị, phải có quyết định, nhưng dòng tiền dùng để góp vốn phải đúng. Lúc đó dù khó khăn về tài chính nhưng PVC lúc nào cũng vay được tiền, ngân hàng sẵn sàng cho vay”, Trịnh Xuân Thanh khai. 

Đối chất tại Tòa, bị cáo Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC khai, đã báo cáo Trịnh Xuân Thanh và tại các cuộc họp giao ban của Tổng Công ty về việc PVC mất cân đối giữa các nguồn vốn, phải dùng tiền tạm ứng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào các việc khác. Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có ý kiến gì. 

Bị cáo Phạm Tiến Đạt cũng cho biết, không có nguyên tắc nào dùng tiền đi vay để đầu tư góp vốn. Vì vậy, không còn cách nào ngoài việc chiếm dụng nguồn tiền tạm ứng từ PVN. 

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) khai tại tòa, theo chỉ đạo của bị cáo Trịnh Xuân Thanh và dựa vào Hợp đồng EPC số 33, bị cáo đã ký các văn bản đề nghị PVN tạm ứng. Việc sử dụng số tiền tạm ứng là theo chỉ đạo của Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc. Các khoản chi này đều đầy đủ chứng từ, còn mục đích chi đúng hay không thì do vào thời điểm đó, nhận thức của bị cáo chưa sâu sắc, đầy đủ. Bị cáo chỉ nghĩ rằng có thể sử dụng tiền nhàn rỗi để dùng vào mục đích khác theo chỉ đạo của cấp trên. 

Bị cáo Tiến khẳng định việc chi tiêu nguồn tiền tạm ứng này phải tuân theo sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị. Nếu không có sự thông qua của Hội đồng quản trị thì không thể chi tiền vì thủ tục chi tiền cần rất nhiều chữ ký. 

Trong phần trả lời thẩm vấn Hội đồng xét xử, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) cho biết, việc PVN chỉ định PVC làm tổng thầu của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương thực hiện chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh đa ngành, trong đó có nội dung quan trọng là đẩy mạnh và tăng nhanh doanh thu của Tập đoàn. 

Chú thích ảnh
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tháng 2/2009, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép PVN được chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án. Xuất phát từ chủ trương đó, PVN đã xây dựng một số công ty con để phát triển theo các chuyên ngành, trong đó PVC được chỉ đạo xây dựng thành một đơn vị xây lắp mạnh của Tập đoàn. 

Bị cáo Đinh La Thăng giải thích, Chính phủ chỉ đạo khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sớm nhưng bị cáo thấy thực hiện liên doanh tổng thầu sẽ mất thời gian, còn tổng thầu trong nước sẽ thực hiện nhanh hơn. Trong hoàn cảnh cấp bách đó bị cáo "đã xin Chính phủ cho PVC là tổng thầu". 

Khi Hội đồng xét xử chất vấn: "Trước khi chỉ định thầu có kiểm tra năng lực tài chính của PVC không?", bị cáo Đinh La Thăng trả lời, các ban của Tập đoàn PVN đều báo cáo PVC có đủ năng lực về tài chính, thi công… do vậy mới đồng ý giao PVC làm tổng thầu. Mặc dù còn thiếu một số thủ tục cho dự án này, nhưng do PVN có rất nhiều dự án triển khai, nên để đảm bảo tiến độ, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, không chờ xong thủ tục này mới làm tiếp thủ tục khác. 

Chiều 9/1, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Hình ảnh toàn cảnh ngày thứ hai xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

Hình ảnh toàn cảnh ngày thứ hai xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

Sáng 9/1/2018, tại Hà Nội, TAND TP Hà Nội bắt đầu ngày làm việc thứ hai Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, bị truy tố về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".

TTXVN - VNEWS

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm