Thông tấn xã Giải phóng: Sẵn sàng hy sinh để duy trì 'mạch máu' thông tin

12/10/2019 08:59 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau một thời gian ngắn chuẩn bị về lực lượng và phương tiện, đúng 19 giờ ngày 12-10-1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình, đánh dấu sự ra đời và thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, anh dũng trên mặt trận, duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình thống nhất nước nhà đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.

Kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2019)

Kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2019)

Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) chính thức được thành lập tại chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) - căn cứ địa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; là một bộ phận của Xứ ủy, sau là Trung ương Cục miền Nam.

Xung kích trên mọi mặt trận, điểm nóng   

Trong suốt 15 năm kể từ khi được thành lập cho đến lúc kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam (1960-1975), Thông tấn xã Giải phóng, dù phải thay đổi căn cứ hàng chục lần, vẫn luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam.    

Không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn-Gia Định… Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó phóng viên Thông tấn xã Giải phóng có mặt, thông tin kịp thời thành tích của quân dân ta, nổi bật là: chiến thắng tại Ấp Bắc (năm 1963), Bình Giã (năm 1964), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968), đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.   

Chú thích ảnh
Tháng 3/1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng đều luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước mà còn giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường. Hình ảnh phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tác nghiệp trong mưa bom, lửa đạn trên chiến trường để có ngay những dòng tin nóng, những bức ảnh còn nhuốm mùi thuốc súng không còn xa lạ với những người tham gia các trận đánh cũng như các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.   

Cùng với đó, Thông tấn xã Giải phóng đã thường xuyên phát đi những thông tin chính thức trong vai trò, tư cách là cơ quan phát ngôn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng thời, khẳng định vai trò cơ quan ngôn luận chính thức, chính thống có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.   

Ngoài thông tin trên chiến trường, Thông tấn xã Giải phóng còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Từ đầu năm 1969 đến ngày 27-1-1973, ngày bốn bên ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, hàng ngày các phái đoàn đàm phán của ta đều nhận được bản tin của Thông tấn xã Giải phóng. Những thông tin này phục vụ đắc lực cho công việc đàm phán.   

Chú thích ảnh
Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: TTXVN

Sẵn sàng hy sinh để duy trì "mạch máu" thông tin   

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, đúng định hướng, góp phần mạnh mẽ vào việc cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sĩ thực thụ.   

Tại căn cứ cũng như các phân xã, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đều được trang bị vũ khí, từ súng tiểu liên đến cả súng chống tăng và súng cối 82 mm. Không chỉ cầm súng để bảo vệ căn cứ, bảo vệ nơi trú đóng mà tất cả phóng viên Thông tấn xã Giải phóng khi tham gia đưa tin trong các trận đánh đều trở thành chiến sĩ, luôn “tay viết-tay súng, tay máy-tay súng”. Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng đã kiên cường chiến đấu với quân địch và sẵn sàng hy sinh để bảo toàn căn cứ.   

Để có những dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, để kịp thời chuyển tải những thông tin lãnh đạo của Đảng ta đến chiến sĩ, nhân dân miền Nam, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng trên mặt trận, chiến đấu và hy sinh như những người lính. Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng, tại căn cứ Tây Ninh đã bắn cháy 2 xe bọc thép Mỹ và anh dũng hy sinh, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”; đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ở Trung Nam bộ bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ... Riêng trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 lịch sử, đã có 14 phóng viên tin, ảnh và điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng anh dũng hy sinh.   

Chú thích ảnh
Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP 10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhiều trường hợp hy sinh cả tập thể, cơ quan bị xóa sổ nhiều lần, nhưng các phân xã, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể như Phân xã Kiến Tường (nay là Long An) 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hy sinh năm 1968; Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) 5 lần bị địch giết hại toàn bộ phóng viên, kỹ thuật viên; Phân xã Nam Tây Nguyên (khu X) có 5/6 đồng chí cùng hy sinh do bom địch năm 1969…   

Đặc biệt, trong số các liệt sỹ của Thông tấn xã Giải phóng có đồng chí Phó Giám đốc Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), hy sinh tại Trảng Dầu (Bình Long) ngày 21-9-1967 do bị địch ném bom. Ông là nhà báo đầu tiên được lấy tên để đặt cho đường phố ở Việt Nam - đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.   

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Thông tấn xã Giải phóng có 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, tương đương hơn 50% tổng biên chế của Thông tấn xã Giải phóng vào thời điểm cuối năm 1974. Thông tấn xã Việt Nam nói chung, Thông tấn xã Giải phóng nói riêng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng già, đến nay hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Bên cạnh đó, hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường.   

Điểm qua những hy sinh, mất mát to lớn trên của Thông tấn xã Giải phóng để thấy được sự can trường, dũng cảm của những chiến sĩ trên mặt trận thông tin, sẵn sàng hy sinh để duy trì "mạch máu" thông tin giữa chiến trường ác liệt, xứng đáng với 16 chữ vàng mà Trung ương cục miền Nam khen tặng năm 1968: “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.   

Ngày 12-5-1976, Việt Nam Thông tấn xã cùng Thông tấn xã Giải phóng, hai người anh em ruột thịt, tuy hai mà một, đã chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.   

Hiện nay, cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam và Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên là những đơn vị đang được ủy quyền quản lý, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý trước đây của Thông tấn xã Giải phóng. Hai cơ quan khu vực này đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đầy tự hào của Thông tấn xã Giải phóng, góp phần xây dựng Thông tấn xã Việt Nam ngày càng phát triển mạnh, luôn xứng đáng là trung tâm thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Minh Duyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm