12/10/2020 07:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 11/10/2020, tại TP.HCM, Thông tấn xã Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2020) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
1. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, thực hiện nghi lễ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phong tặng Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Cùng dự buổi lễ có các đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) qua các thời kỳ.
Đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ và hơn 300 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên của TTXGP và phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã, nay là TTXVN, đã có mặt để đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cách đây tròn 60 năm, đúng 19h ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), TTXGP phát đi bản tin đầu tiên thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Ngoài ra, Giải phóng xã cũng sẽ cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng”.
2. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh của những người làm báo - chiến sĩ TTXGP cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh:
“Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt (từ năm 1960 đến 1975), mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, nhất là phải thay đổi trụ sở hàng chục lần do bị Mỹ - Ngụy tấn công, nhưng TTXGP đã kiên quyết bám trụ, không ngừng phát triển cả về lực lượng và tổ chức, duy trì “mạch máu” thông tin liên tục, thông suốt, với khẩu hiệu "Làn sóng điện không bao giờ tắt" như một mệnh lệnh. Trong mưa bom, bão đạn, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, nhân viên của TTXGP đã không quản gian khổ, hy sinh, luôn có mặt tại những nơi nóng bỏng, ác liệt nhất trên chiến trường miền Nam, từ mũi Cà Mau đến mảnh đất khói lửa Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn - Gia Định, cùng chiến đấu như những người lính, để có được những dòng tin, bức ảnh quý giá, nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, mà còn giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình, đi đến những quyết định có tính chiến lược”.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ tin tưởng, TTXVN - cơ quan báo chí đầu tiên được tặng 2 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động - sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới, sáng tạo, giữ vững vị thế là trung tâm thông tin tin cậy của Đảng và Nhà nước, hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và thế giới.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN cho biết: “Dù gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật, nhưng TTXGP đã trụ vững và trưởng thành, không ngừng phát triển cả về tổ chức và lực lượng trên khắp miền Nam, duy trì “mạch máu” thông tin, khẳng định vai trò cơ quan ngôn luận chính thống, thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.
Kết quả của sự xông pha nơi chiến trường miền Nam của hàng trăm phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên TTXGP là tin, ảnh luôn nóng hổi tính thời sự, cung cấp kịp thời không chỉ cho các cơ quan báo chí trong nước, cơ quan thông tấn nước ngoài, mà còn giúp Trung ương Cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.
Ở đâu có trận đánh là ở đó TTXGP có mặt. Những mốc lịch sử, những chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đều có dấu ấn đóng góp quan trọng, hy sinh lớn lao của phóng viên TTXGP. Đúng như 16 chữ vàng mà Trung ương Cục miền Nam đã khen tặng TTXGP vào năm 1968 là: Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
3. Trong hơn 15 năm hoạt động, từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh tới ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, TTXGP trở thành chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc: Từ việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đến lễ công bố danh sách Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt những người làm báo - chiến sĩ ngành thông tấn.
Ông Đoàn Văn Thiều, nguyên Phó Chánh Văn phòng TTXGP, một trong những cán bộ tham gia TTXGP từ những ngày đầu mới thành lập tại rừng Chàng Riệc phát biểu: “Lúc bấy giờ, chiến tranh gian khổ ác liệt, luôn đối diện với những hy sinh, nhưng các đồng chí, đồng đội của tôi đã không chùn bước, đảm bảo nhiệm vụ thu và phát tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới, từng bước góp phần đưa TTXGP phát triển không ngừng”.
Bà Triệu Thị Thùy, nguyên phóng viên GP10, nguyên Quyền Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN tại Đà Nẵng cho biết: “Những trận đánh lớn, đặc biệt là trận thắng Núi Thành (Quảng Nam) năm 1965, trận đầu thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam, đã được TTXGP Trung Trung Bộ phản ánh kịp thời, chứng minh với nhân dân trong nước và nhân dân thế giới rằng, “Việt Nam dám đánh Mỹ và đã thắng Mỹ”.
Để có những dòng tin chiến sự nóng bóng, những bức ảnh có sức cổ vũ tinh thần chiến đấu, hơn 240 phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên TTXGP đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. TTXGP là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh nhiều nhất trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ngày 24/5/1976, trước tình hình và yêu cầu mới của cách mạng, VNTTX và TTXGP chính thức hợp nhất và gần 1 năm sau đó (ngày 12/5/1977) được đổi tên gọi TTXVN, đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của hãng thông tấn quốc gia.
Phát huy truyền thống của thế hệ nhà báo thời chiến, trong thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước, những người làm báo TTXVN ngày nay tiếp tục kiên định với những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam, dấn thân, tận tâm với nghề và tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò của cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.
Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất