13/09/2017 15:33 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, việc bắt chó thả rông tại nhiều tuyến đường của Đội bắt chó thả rông thuộc Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, đây là việc làm mà đơn vị được UBND thành phố giao thực hiện từ lâu.
Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết, thực tế công tác bắt chó thả rông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ngành thú y thành phố triển khai từ năm 1980. Sau đó, năm 1997, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2073 về việc tiêm phòng bệnh dại và bắt chó chạy rông.
UBND thành phố đã giao trách nhiệm cho Chi cục Thú y thành phố thường xuyên tổ chức bắt chó chạy rông và tiêm phòng dại theo định kỳ ở các quận, huyện trên toàn địa bàn. Do đó, từ nhiều năm qua, Đội bắt chó thả rông đã hoạt động liên tục vào các buổi sáng mỗi ngày. Chó thả rông trên đường phố, nơi công cộng không có dây dẫn, không có người dẫn đều bị bắt theo quy định.
Trong 3 năm gần đây, Đội săn bắt chó của Chi cục Thú y thành phố đã bắt giữ 200 con chó và tạm giữ tại số 252 đường Lý Chính Thắng, Quận 3. Đến nay, đã có 70% số chó bị bắt được chủ nhận về và có khoảng gần 60 con chó sau 48 giờ không được chủ nhận về đã bị xử lý và tiêu hủy.
Trong 60 con chó này, một số được các bệnh viện như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy xin về nhằm mục đích thực nghiệm giải phẫu. Số chó còn lại được gây mê và tiêu hủy ở bãi rác Đông Thạnh, Hóc Môn. “Việc bắt chó thả rông trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát tình hình bệnh dại trên chó mèo, góp phần hạn chế ảnh hưởng về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường do việc thả rông chó nơi công cộng gây ra”, Đại diện Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quá trình bắt chó thả rông của đơn vị cũng gặp những phản ứng tiêu cực của một số người dân. Theo anh Nguyễn Xuân Vũ, nhân viên Đội bắt chó thả rông, một số người dân đã chửi bới, tấn công, ném gạch đá vào lực lượng bắt chó thả rông. Sắp tới đây, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2017, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó tăng mức phạt đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó khi ra nơi công cộng, không tiêm phòng bệnh dại cho chó.
Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Đối với hành vi không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, cũng có mức phạt tương đương, tăng gấp đôi so với mức phạt cũ.
TTXVN/Đinh Hằng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất