(TT&VH) - Hàng chục năm nay trên các tuyến xe lửa cũ kỹ ở Trung Quốc, những đoàn tàu do Đông Đức đóng từ các thập niên 1960 - 1970 chạy lắc lư, với hành khách đông như nêm cối. Hình ảnh đó sắp kết thúc với khoản đầu tư khổng lồ của nhà nước lên đến gần 300 tỷ USD cho ngành đường sắt trong vòng 3 năm.
Theo tờ Runewsweek, chỉ sau mấy năm nữa thôi các tuyến đường sắt Trung Quốc sẽ có tổng chiều dài 20.000 km, trong đó 13.000 km có thể đón nhận những đoàn tàu “bay” với vận tốc 350 km/h. Có thể nói không ngoa rằng đất nước hơn 1,3 tỷ dân đang trải qua một cuộc cách mạng đường sắt thực sự. Vào đầu những năm 1990, để vượt quãng đường khoảng 1.000 km từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, tàu hỏa chạy hết 20 giờ, hiện nay rút xuống 10 giờ và sau mấy năm nữa chỉ còn 4 giờ. Điều này gợi nhớ cơn bùng nổ đường sắt ở Mỹ trong thế kỷ 19, tạo nền móng cho sự phát triển thần kỳ về kinh tế của đất nước này. Do ngày càng có nhiều người ở các vùng hẻo lánh có cơ hội được ngồi trên tàu lửa để vượt những chặng đường dài nên chẳng những khái niệm của cư dân Trung Quốc về khoảng cách thay đổi mà cách nhận thức về khả năng của bản thân họ cũng không còn như trước.
Colin Dival, giảng viên chuyên về lịch sử ngành đường sắt của Trường Đại học York (Anh), nhận định: “Tàu hỏa cao tốc làm biến đổi “bản đồ tâm lý” và nhận thức của người Trung Quốc về vùng đất mà họ đang sống”.Chính quyền Trung Quốc cũng hy vọng vào sự thay đổi tâm lý này. Tuyến đường sắt siêu tốc được gắn liền với câu khẩu hiệu “Tiến về miền Tây”, đi đến những tỉnh nghèo nhất nước, nơi các cộng đồng dân tộc thiểu số có thái độ không mấy thân thiện với người Hán chiếm đa số. Đường sắt sẽ làm giảm sự khác biệt về vật chất, vị thế, ngôn ngữ, văn hóa giữa miền Đông đã được đô thị hóa với miền Tây thôn dã, thực thi ước mơ của chính quyền Trung Quốc về một “xã hội hòa hợp”. Sự đầu tư của nhà nước đã đem lại những kết quả rõ rệt. Tại ga tàu hỏa ở thành phố cổ Tô Châu nằm trên châu thổ sông Dương Tử, nổi tiếng với những con kênh và vườn cây trái sum suê, các đội công nhân ngày đêm miệt mài lắp ráp những cấu kiện khổng lồ. Sắp tới tại đây sẽ mọc lên nhà ga mới bằng kính và kim loại sáng choang, còn nhà ga cũ kỹ của thập niên 1950 sẽ đi vào dĩ vãng.
Quảng Châu, Thượng Hải và những thành phố lớn khác của Trung Quốc cũng không chịu kém cạnh. Tại những nơi này, người ta đang xây các nhà ga mới đẹp đẽ với những tuyến đường sắt hiện đại được đầu tư hàng chục triệu USD. Trong đó tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải được chú trọng đặc biệt. Các tuyến đường sắt mới đang kích thích nhu cầu tiêu dùng: Dân Bắc Kinh hiện nay thích đi mua sắm tại thành phố Thiên Tân cách xa 120 km, nơi giá cả thấp hơn nhiều so với ở thủ đô. 30 phút trên những chuyến tàu chạy êm như ru có giá vé 8,5 USD tiện lợi hơn nhiều cho giới trung lưu so với một tiếng rưỡi ngồi gò bó trong xe buýt. Quan niệm về khoảng cách và lối sống của người dân thành phố cũng thay đổi. Hiện nay người Thượng Hải không ngại đến mua sắm ở các thành phố phía Nam vì thời gian ngồi trên tàu siêu tốc chỉ khoảng 20 phút. Các tuyến đường sắt siêu tốc chở khách cũng giúp giải quyết vấn đề của tàu vận chuyển hàng. Đường sắt ở Trung Quốc bị quá tải làm giảm nhiệt tình của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện đường sắt chỉ được ưu tiên chở than và lúa mỳ, các loại hàng hóa khác phải vận chuyển bằng đường bộ, hiệu quả thấp, chi phí cao. Sắp tới, khi tàu khách chạy theo tuyến đường siêu tốc thì tuyến đường cũ sẽ được dành riêng cho tàu hàng. Chính quyền Trung Quốc cũng tính toán rằng những tuyến đường sắt siêu tốc sẽ thúc đẩy các thành phố tầm trung phát triển, giảm quy mô di dân nội bộ tới những thành phố lớn ở duyên hải. Những người về hưu sẵn sàng chuyển đến sống ở các thành phố nhỏ, đỡ ồn ào và giá cả cũng rẻ hơn. Nhưng họ chỉ làm điều này trong trường hợp con cháu mình chỉ cần mất nửa giờ là có thể từ các thành phố lớn đến thăm bố mẹ, ông bà. Tuy nhiên, chẳng tấm huy chương nào là không có mặt trái. Việc “siêu tốc hóa” ngành đường sắt của Trung Quốc đe dọa làm sụp đổ chế độ đăng ký hộ tịch, tạm vắng tạm trú. Ngoài ra, do thuận tiện trong việc đi lại nên sự dịch chuyển của người dân từ vùng này sang vùng khác trở nên phổ biến hơn, vì thế mà sự kiểm soát cũng khó khăn hơn.
Trần Quang Vinh