Siêu bão MANGKHUT giật trên cấp 17 lao vào biển Đông nguy hiểm như thế nào?

14/09/2018 13:05 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, siêu bão Mangkhut di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc có cấp bão lớn, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Thời điểm cơn bão vào đến phía Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng tâm bão vẫn còn ở cấp 11-12, sức gió cấp 10 bao trùm toàn vịnh Bắc Bộ.

Trên thế giới đang có 9 cơn bão hoạt động, siêu bão Mangkhut là mạnh nhất

Trên thế giới đang có 9 cơn bão hoạt động, siêu bão Mangkhut là mạnh nhất

Hiện trên thế giới có 9 cơn bão đang hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất. Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt cấp 5 cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế, mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017.

Những điểm đáng lưu ý về ảnh hưởng của cơn bão này gây ra là sóng mạnh, gió lớn trên vịnh Bắc Bộ sẽ bắt đầu từ sáng sớm ngày 16 đến sáng sớm ngày 17/9. Từ trưa và chiều 17/9, bão sẽ đổ bộ vào Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An. Thậm chí rìa Nam của bão sẽ còn ảnh hưởng đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Từ các tính toán của Tổng cục về sóng gió và thủy triều, nước dâng do bão... cơn bão đổ bộ vào trưa 17/9 cũng là lúc thủy triều lên cao nhất nên sẽ gây ra nước dâng do bão, sóng sẽ cao từ 4-6m. Đê biển của toàn bộ các vùng từ Móng Cái đến Nghệ An sẽ ảnh hưởng.  

Hồi 1 giờ ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão MANGKHUT ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 127,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 680km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17. 

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 01 giờ ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 123,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17. 

Chú thích ảnh
Vị trí đường đi dự bóa của siêu bão MANGKHUT

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 01 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 740km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 01 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Bão MangKhut, Siêu Bão MangKhut, bao MangKhut, Sieu bao MangKhut, Tin bão, Dự báo thời tiết, thời tiết, tin bão, tin bão khẩn cấp, tin bão mới, bão số 5, tin bão số 5
Ảnh minh họa về cơn siêu bão

Cảnh báo: Bão MANGKHUT sẽ suy yếu dần khi đi vào đảo Hải Nam nhưng vẫn có cường độ rất mạnh. Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19/9.

Tin cuối về cơn bão số 5 (bão BARIJAT)

Tôi qua 13/9, khi đi vào đất liền phía Bắc Lôi Châu (Trung Quốc), bão số 5 đã suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Tối nay áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hồi 19 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). 

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, trong đêm nay và ngày mai (14/9) ở phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa vừa; riêng khu vực Đông Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 30-70mm/đợt.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 5.

Ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên đất liền và siêu bão Mangkhut

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 3 đến 5 ngày tới (16-18/9), siêu bão Mangkhut vẫn có cường độ rất mạnh và khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong các ngày 17 và 18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 17 đến 19/9.

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Mangkhut và áp thấp nhiệt đới trên đất liền (suy yếu từ bão số 5), theo thông tin từ phóng viên TTXVN tại các địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện việc cấm biển đối với các phương tiện tàu thuyền từ 6 giờ ngày 13/9. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển tạm dừng cấp phép cho các phương tiện vận tải thủy ra khơi, các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, các sở, ngành tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để phòng, tránh, đặc biệt chuẩn bị phương án tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp; rà soát triển khai hiệu quả phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, đảm bảo lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); chỉ đạo các tổ xung kích kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh, đặc biệt lưu ý những khu vực vừa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở đất...

Bão MangKhut, Siêu Bão MangKhut, bao MangKhut, Sieu bao MangKhut, Tin bão, Dự báo thời tiết, thời tiết, tin bão, tin bão khẩn cấp, tin bão mới, bão số 5, tin bão số 5
Đô thị cổ Hội An chìm trong mưa lũ. Ảnh minh họa

Tỉnh Nam Định đã yêu cầu các địa phương, nhất là các huyện ven biển, khẩn trương kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án di dời người dân, sơ tán người canh coi tại các chòi canh ngao, trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch ven biển; đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt đối với các trọng điểm phòng, chống lụt bão, các công trình đang thi công, vị trí đê, kè bị ảnh hưởng của các đợt mưa bão trước nhưng chưa khắc phục xong.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, lưu lượng nước về hồ Sơn La, Hòa Bình, lũ trên sông Cửu Long; chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Trung tâm Dự báo  Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó. Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đảm bảo các điều kiện để học sinh đến trường. Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với bão trên Biển Đông. Các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, rà soát các phương án để chủ động phòng tránh; tăng cường công tác thông tin truyền thông về tình hình lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Tính đến 6 giờ ngày 13/9, Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.621 phương tiện với 175.517 lao động và 11.719 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Để tiếp tục chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut và áp thấp nhiệt đới trên đất liền,Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão và áp thấp nhiệt đới; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu vận tải đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; đối với vùng núi phía Bắc, thông báo và hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng, chống sạt lở và lũ quét, chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản và công trình phòng chống thiên tai. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai về ứng phó với lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh, trẻ em khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ; khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu và bảo đảm an toàn cho diện tích lúa Thu Đông.

Các tỉnh An Giang và Kiên Giang tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư, Tha La; đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao và chuẩn bị phương án xử lý sự cố giờ đầu; tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch để cảnh báo, sơ tán người dân kịp thời.

Đối với các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo, tiến hành tính toán tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành liên hồ chứa theo quy trình; hàng ngày có báo cáo về Văn phòng Thường trực và các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các chủ hồ, đơn vị, cơ quan phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Các hồ chứa khu vực miền Trung, tổ chức tính toán, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lưu lượng đến các hồ chứa để sẵn sàng tham mưu cho Ban Chỉ đạo điều hành, đảm bảo an toàn hạ du.

Thảo Nhi

Nhìn lại siêu bão Linda, cơn bão số 5 thảm khốc nhất lịch sử Việt Nam: Để nỗi đau không lặp lại!

Nhìn lại siêu bão Linda, cơn bão số 5 thảm khốc nhất lịch sử Việt Nam: Để nỗi đau không lặp lại!

Cách đây hơn 20 năm, ngày 2/11/1997, cũng cơn bão số 5 (tên quốc tế là bão Linda) đổ bộ vào miền Nam nước ta, gây hậu quả nghiêm trọng với hơn 3.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái và sập đổ.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm