12/09/2013 16:04 GMT+7 | Thế giới
Theo Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, bảo đảm quy trình, thủ tục và nguyên tắc tập trung dân chủ, vai trò của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được đề cao. Công tác thông tin được quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời giúp đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp cận được nhiều thông tin thiết thực, tin cậy, làm cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm, qua đó tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.
Kết quả phiếu tín nhiệm phản ánh khá sát thực với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả phiếu tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm thuộc lĩnh vực phụ trách cũng phản ánh tình hình kinh tế, xã hội của đất nước hai năm qua có những khó khăn, phức tạp, có mặt còn hạn chế yếu kém. Ở các địa phương, kết quả này đã phản ánh đúng năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.
Với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, có tổng số 47 người được lấy phiếu tín nhiệm, không người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” (trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội).
Đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người, trong đó có 689 người đạt “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên, 39 người có tỷ lệ “tín nhiệm” đạt trên 50%, 2 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp”.
Ở cấp huyện, tính đến ngày 10/9/2013 có tổng số 6.141 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 58/63 tỉnh, thành phố (còn một số huyện chưa báo cáo). Trong đó 4.514 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (chiếm 73,5%), 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.
Ở cấp xã, 52.946 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 55/63 tỉnh, thành phố (còn một số xã chưa báo cáo). 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Đặc biệt trong số này có 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Nhiều ý kiến đề nghị báo cáo Quốc hội, Bộ Chính trị xem xét mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh quản lý điều hành cấp huyện, giám đốc các sở, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trưởng phòng cơ quan tư pháp cấp huyện.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chỉ nên giữ hai mức "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" đối với mẫu phiếu tín nhiệm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rang, vì đây là lần đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên cần có sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh các quy định chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ kiến nghị Quốc hội, Bộ Chính trị quyết định.Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 19, Văn phòng Quốc hội dự kiến dành 4 ngày để Quốc hội xem xét, thông qua về nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992; trong đó bố trí 1,5 ngày ở tổ (kết hợp với thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường), 2 ngày ở hội trường và 0,5 ngày xem xét, thông qua.
Bên cạnh 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn như thông lệ, dự kiến bố trí 0,5 ngày để Quốc hội nghe và trao đổi về các báo cáo của một số bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.
Tại kỳ họp, cùng với các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) và việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế... Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án trình Quốc hội.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung đã dự kiến, tuy nhiên nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan cần tích cực, khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, tài liệu, sớm chuyển đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét trước kỳ họp thứ 6. Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng không thể coi việc thông qua sửa đổi Hiến pháp 1992 như các dự án luật khác, cần có sự nhất trí thông qua nội dung sửa đổi Hiến pháp trước, làm điều kiện để thông qua các Luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất