10/04/2020 09:51 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế -xã hội của các quốc gia. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn quan tâm, chia sẻ, nỗ lực hợp tác, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu sẽ là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này.
Thông điệp của tình đoàn kết
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19 được tổ chức tối 26/3/2020 (giờ Việt Nam) theo sáng kiến của nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia. Chia sẻ với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch COVID-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang cùng các nước ASEAN đề cao tinh thần Cộng đồng "gắn kết và chủ động thích ứng", thực hiện mạnh mẽ các biện pháp, phối hợp hành động phòng, chống COVID-19, đồng thời hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhiều nước G20 và các đối tác.
Sự tham dự và chia sẻ những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thúc đẩy hợp tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19, thể hiện Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các thách thức chung.
Ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thông điệp "Đoàn kết chống đại dịch COVID-19" tới Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó nêu rõ: Việt Nam chia sẻ ý kiến chung về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Đại dịch COVID-19 đang tràn qua mọi đường biên giới lãnh thổ, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải có “đại nỗ lực” và “đại đoàn kết”. Mặc dù còn khó khăn và nguồn lực hạn chế, song hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dịch COVID-19 (2/4/2020), trong khả năng của mình, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế… cho nhiều nước. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhân dân các nước đối với cuộc chiến COVID-19 nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Đề cao tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống bệnh dịch toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên có các cuộc điện đàm với các đối tác trên thế giới để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường để trao đổi về công tác hợp tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã và đang chủ trì trao đổi, tăng cường phối hợp về phòng, chống dịch giữa các nước ASEAN và ASEAN với các nước đối tác, trong đó có cơ chế ASEAN+3.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; điện đàm với Thủ tướng Czech Andrej Babis nhằm trao đổi về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 ở mỗi nước, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp hành động; gửi Thư thăm hỏi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ai-len Boris Johnson, Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sanchez.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung Wha; Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu. Qua điện đàm, Việt Nam và các đối tác nhất trí cao về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong đối phó với dịch COVID-19 như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sản xuất vắc-xin, trang thiết bị y tế, bảo hộ công dân, tăng cường khả năng kiểm soát đối với sự lây lan của dịch bệnh; đồng thời khẳng định sẽ hợp tác tích cực nhằm thúc đẩy hợp tác ứng phó với đại dịch, cả trên phương diện song phương và trong khuôn khổ đa phương.
Mới đây, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc điện đàm lần thứ ba với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand; đề nghị Chính phủ các nước tiếp tục có các cam kết chính trị để bảo đảm rằng các nước được tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc-xin, thuốc chữa trị COVID-19 nếu nghiên cứu thành công; khuyến khích các doanh nghiệp của mình duy trì hoạt động đầu tư sản xuất ở nước ngoài; đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hợp tác cụ thể, thiết thực
Ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, ngày 27/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Điện thăm hỏi tới Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, bày tỏ sự quan tâm, thông cảm, chia sẻ của nhân dân Việt Nam trước những khó khăn mà nhân dân Trung Quốc đang gặp phải, đồng thời khẳng định trong khả năng của mình, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tích cực hợp tác để chống lại dịch bệnh này.
Sự sẻ chia đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng đã trao cho Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba số vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD, là quà tặng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ nhân dân Trung Quốc số vật tư y tế trị giá 100.000 USD để phục vụ công tác chống dịch. Món quà đó thể hiện tình cảm đoàn kết, tiếp nối truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc, là nguồn động viên giúp nhân dân Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, căn cứ vào nhu cầu về nước của công dân Trung Quốc tại Việt Nam, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ, thực hiện ba chuyến bay: Thành phố Hồ Chí Minh - Quảng Châu; Hà Nội - Quảng Châu; Nha Trang - Thành Đô, đưa hành khách Trung Quốc về nước an toàn, chu đáo.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã quyết định trao tặng Chính phủ, nhân dân Lào và Chính phủ, nhân dân Campuchia các trang thiết bị y tế, để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, trị giá hơn 7 tỷ VNĐ cho mỗi nước.
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Quốc phòng Lào một số trang thiết bị y tế chống dịch trị giá hơn 3 tỷ đồng, đồng thời cử Đoàn chuyên gia y tế sang Lào giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã trao tặng trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 cho một số đơn vị thuộc Quân đội Hoàng Gia Campuchia.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, lan rộng của dịch COVID-19 ở Đông Nam Á, Chính phủ Việt Nam đã tặng Chính phủ Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm nhằm hỗ trợ kiểm soát dịch COVID-19.
Sự hỗ trợ này có thể chưa nhiều so với nhu cầu phòng, chống dịch hiện nay của Lào, Campuchia, Indonesia, nhưng đây là những gì tốt nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể thu xếp trong bối cảnh Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn về các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch bệnh; là sự sẻ chia, hỗ trợ chân thành và thiết thực của Việt Nam, góp phần động viên, giúp đỡ nhân dân các nước bạn trong lúc khó khăn này.
Trên tinh thần Đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ Chính phủ các nước có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người dân; trao tặng số hàng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho các nước Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh, bao gồm 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, do Việt Nam sản xuất. Việc làm đó thể hiện nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam, đã sẵn sàng chia sẻ nguồn lực với Chính phủ và nhân dân các nước, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và cũng đang phải đối mặt với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm tất cả những gì tốt nhất có thể để hỗ trợ y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước ở Việt Nam, trong đó có việc chữa trị thành công cho nhiều trường hợp dương tính SAR-CoV-2. Đây là thông điệp về tình đoàn kết, cam kết và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh hiện nay.
Mới đây, lô hàng đầu tiên trong số hai lô hàng với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam sản xuất và xuất sang Mỹ, sẽ nhanh chóng được bàn giao cho Kho Dự trữ Quốc gia chiến lược Mỹ nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết về thiết bị bảo vệ y tế cho những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Mỹ. Kể từ khi dịch bùng phát, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm theo dõi và đối phó với dịch COVID-19 đang lan ra toàn thế giới. Sáng 9/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng lên mạng xã hội cá nhân Twitter lời cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Dòng trạng thái cho hay chuyến bay chở 450.000 bộ trang phục bảo hộ giúp phòng, chống COVID-19 vừa hạ cánh tại Dallas (bang Texas) sau khi được đưa đến từ Việt Nam.
Bên cạnh sự đóng góp thiết thực vào nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy lùi dịch COVID-19, Việt Nam cũng luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã cung ứng 7.000 chai nước rửa tay sát khuẩn, phân phối cho các bệnh viện tuyến đầu tại Hà Nội. Ngân hàng Phát triển châu Á sẵn sàng hỗ trợ kịp thời và linh hoạt cho Chính phủ Việt Nam để ứng phó với đại dịch COVID-19. Nhóm Ngân hàng Thế giới đã công bố gói hỗ trợ khẩn cấp lên tới 12 tỷ USD nhằm hỗ trợ các quốc gia đối phó với các tác động về y tế và kinh tế của dịch bệnh toàn cầu COVID-19.
Trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay, không một quốc gia nào có thể đơn lẻ đối phó hiệu quả với sự lây lan của dịch COVID-19. Hợp tác quốc tế và tăng cường đoàn kết là nhân tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho người dân, góp phần giảm thiểu những tác động to lớn do dịch COVID-19 gây ra. Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm, chung tay cùng các nước và cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ song phương và đa phương với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch COVID-19.
Nguyễn Hồng Điệp/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất