Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Xử lý dứt điểm các 'điểm đen' tiềm ẩn gây tai nạn giao thông

16/10/2019 20:02 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 16/10, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2019.

Lần thứ 2 Bộ Giao thông Vận tải chấn chỉnh hoạt động của Grab

Lần thứ 2 Bộ Giao thông Vận tải chấn chỉnh hoạt động của Grab

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đề nghị tiếp tục chấn chỉnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và xe taxi của Công ty TNHH Grab. Đây là lần thứ 2, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh chấn chỉnh hoạt động này.

Số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong nhiều năm

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình giao thông còn diễn biến hết sức phức tạp, vẫn xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người gây lo lắng cho nhân dân, nhất là trong những tháng đầu năm 2019 liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia và chất kích thích, gây bức xúc trong dư luận.

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, trong 9 tháng năm 2019, toàn quốc xảy ra hơn 12.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 5.700 người, bị thương hơn 9.600 người. Số người chết giảm 353 người, bị thương giảm 700 người so với cùng kỳ năm 2018. Lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương đã lập biên bản xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền gần 2.000 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe gần 250.000 trường hợp, tạm giữ trên 437.000 phương tiện.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bộ Giao thông vận tải đã triển khai 18 đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải; quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thanh tra Giao thông thực hiện gần 55.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, xử phạt trên 45.000 trường hợp vi phạm hành chính, nộp ngân sách 527 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 194 bến và 250 phương tiện thủy nội địa; giám sát 654 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 391 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Trong quý 3 năm 2019, các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và địa phương tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực; tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong nhiều năm.

Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô thời gian qua tiếp tục duy trì ổn định. Trong năm 2019 đã xảy ra 958 vụ tai nạn giao thông, giảm 29 vụ so với cùng kỳ năm 2018; xử lý, khắc phục nhiều điểm giao thông tồn đọng trong năm 2018. Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, không đội mũ... được xử lý nghiêm. UBND thành phố Hà Nội cũng tổ chức nhiều chương trình kêu gọi hành động đã uống rượu bia không lái xe với sự tham gia của hơn 10.000 người. Lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với các lái xe vi phạm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương, tình hình xử lý xe quá khổ, quá tải tại địa bàn tỉnh được tăng cường. Trong 3 năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 3.000 trường hợp vi phạm, phạt hơn 15 tỷ đồng. Để đạt được kết quả đó, các chốt cảnh sát giao thông tỉnh Hòa Bình thực hiện trực 24/24 giờ; đồng thời mở rộng các đợt tuyên truyền đến từng lái xe, hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải nhằm nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho từng cá nhân khi tham gia giao thông.

Tiến hành xử điểm những vụ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trong tháng cao điểm vừa qua, Cục Cảnh sát Giao thông đã xử lý 330.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 12.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; 76 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. Nhờ việc tăng cường kiểm tra, xử lý gắt gao nên trong tháng 9/2019, tình trạng tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma túy giảm 87 vụ so với cùng kỳ năm 2018.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

"Từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tập trung cao độ vào công tác kiểm tra nồng độ cồn và ma túy vì đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt từ 1/1/2020 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thì công tác này càng phải làm kiên quyết hơn", Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, tình hình pháp luật về trật tự an toàn giao thông thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Trước tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông ngày càng nhiều, Bộ Công an đã có đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phối hợp với lực lượng công an xây dựng phương án xử lý nhưng đến giờ vẫn chưa được thực hiện. Cho rằng đây là một trong những hạn chế cần khắc phục, lãnh đạo Bộ Công an cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng trả lại mặt bằng của các dự án giao thông nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Công an các địa phương cần tổ chức phân làn, kiểm soát tình hình giao thông những tháng cuối năm, xác định những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để có phương án xử lý hiệu quả...

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Để quản lý hoạt động vận tải có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, thời gian tới sẽ tăng cường công tác giám sát việc thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đẩy mạnh chất lượng đăng kiểm và sẽ tước giấy phép hoạt động đối với những trung tâm đăng kiểm không tuân thủ quy định của pháp luật, hướng tới đảm bảo chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xử lý dứt điểm các "điểm đen" trong hoạt động giao thông vận tải; đặc biệt sẽ tiến hành giám sát hoạt động vận tải trên toàn bộ tuyến đường thông qua các thiết bị camera; tăng cường chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an để quản lý lái xe và hoạt động vận tải một cách nghiêm túc...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua, đã có trên 3.000 trường hợp gây tai nạn giao thông bị khởi tố. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với ngành Tư pháp tiến hành xử điểm những vụ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng để làm gương, hạn chế tối đa tình trạng tai nạn giao thông trên cả nước.

Xử lý dứt điểm các "điểm đen" tiềm ẩn gây tai nạn giao thông

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và các đô thị còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích trở nên đáng lo ngại trong khi vai trò chủ động phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn nhiều hạn chế.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên nhân một phần của những thực trạng trên là do công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Ở nhiều nơi hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn thấp; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông; chủ động nghiên cứu, khai thác, sử dụng có hiệu quả mạng xã hội để tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông đúng theo quy định pháp luật; phối hợp với các bộ, ngành thành viên xây dựng kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề "Đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành kế hoạch xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên mạng lưới quốc lộ năm 2019; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm hành vi ép lái xe phải làm việc quá thời gian theo quy định.

Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt tập trung vào các hành vi lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện... Bộ Y tế tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, ban hành Đề án tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống tác hại của rượu, bia; thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe giai đoạn 2019 - 2021 và Đề án tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2019 - 2021; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tác hại cùa rượu, bia...

Đỗ Bình - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm