Những trường hợp nào không được xét đặc xá năm 2016?

03/11/2016 20:44 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về công tác đặc xá năm 2016, các đối tượng phạm tội về ma túy, giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản... không được xét đặc xá năm 2016.

Sáng 3/11, TAND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tới 62 điểm cầu của các TAND cấp tỉnh về triển khai công tác đặc xá năm 2016.

Tại hội nghị, TAND Tối cao đã bố Quyết định số 2231/QĐ-CTN của Chủ tịch nước thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2016. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Chủ tịch Hội đồng; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an làm Ủy viên Thường trực; Trung tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm ủy viên.

Các ủy viên khác của Hội đồng đặc xá là lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.


Lãnh đạo TAND Tối cao thông tin về công tác đặc xá 2016. Ảnh: Báo CAND

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng đã công bố Quyết định số 2230 của Chủ tịch nước về công tác đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2016. Trong đó, quyết định nêu rõ các trường hợp không được xét đặc xá năm nay.

Cụ thể, người đã từng bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, kể cả cơ sở giáo dục trước đây hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về một trong các tội sau đây: Về ma tuý, giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán phụ nữ hoặc mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, gây rối trật tự công cộng, tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có.

Ngoài ra, những trường hợp sau đây cũng không được xét đặc xá: Người đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hình vi phạm tội khác; người trước đó đã được đặc xá và người có từ 2 tiền án trở lên; người phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia; người bị kết án tù về một trong các tội: Khủng bố, phá hoại hoà bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, chống người thi hành công vụ có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Người bị phạt tù từ 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý.

Người bị kết án tù từ 7 năm trở lên đối với tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất trái phép chất ma tuý, mua bán trái pháp chất ma tuý, chiếm đoạt chất ma tuý.

Không xét đặc xá với người phạm tội giết người có tổ chức, giết người có tính chất côn đồ; cố ý gây thương tích có tổ chức hoặc có tính chất côn đồ hoặc phạm tội nhiều lần đối với một người hoặc một lần đối với nhiều người; hiếp dâm có tính chất loạn luân, hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân; cướp tài sản có sử dụng vụ khí; cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cướp tài sản nhiều lần, cướp giật tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản từ 2 lần trở lên.

Người phạm tội về ma tuý bị phạt tù dưới 7 năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên một năm; người bị phạt tù từ 7-15 năm mà thời hạn chấp hành án phạt còn lại trên 3 năm.

Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hoặc người dùng đoạn xảo quyệt, người ngoan cố chống đối trong vụ án phạm tội có tổ chức; người đang chấp hành án phạt tù do phạm từ 3 tội trở lên hoặc 2 tội do cố ý, kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt.

Không xét đặc xá đối với người đã có một tiền án mà lại bị kết án phạt tù về tội do cố ý.

Những đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt

Tại hội nghị, TAND Tối cao cũng đã thông báo hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá và chỉ thị của Chánh án TAND Tối cao về việc xét, đề nghị đặc xá trong những trường hợp đặc biệt. Theo đó, những đối tượng được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt bao gồm:

Người Việt Nam, người nước ngoài phạm tội bị tòa án Việt Nam kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; được phía nước ngoài hoặc cơ quan, tổ chức thẩm quyền của Việt Nam đề nghị xem xét đặc xá.

Người bị kết án là nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ...; người có chức sắc tôn giáo; người có chức vụ trong các tổ chức xã hội... bị kết án phạt tù đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị xem xét đặc xá.

Người bị kết án phạt tù đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quyết định vẫn đang có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Đã lập công lớn trong thời gian đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;

Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người được tặng thưởng một trong các loại Huân chương, Huy chương kháng chiến; người có thân nhân là liệt sĩ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của gia đình có công với nước;

Khi phạm tội là người chưa thành niên; là người từ 70 tuổi trở lên; là người đang mắc một trong những bệnh hiểm nghèo hoặc từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau, không tự phục vụ bản thân được, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền;

Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú;

Người bị kết án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng hoặt phạm tội nghiêm trọng do vô ý là nữ giới mà đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (tính đến ngày 30/11/2016).

Theo baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm